Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống được trò chuyện cùng các chị, các mẹ là thành viên Câu lạc bộ ung thư vú thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) trong buổi gặp gỡ thường niên. Khó có thể nghĩ những người phụ nữ xinh đẹp, vui tươi lại mang trong mình căn bệnh quái ác nếu không được giới thiệu.
Ác mộng cuộc đời
Sau những cái ôm, những lời hỏi han, không khí có vẻ trầm xuống khi những người phụ nữ chia sẻ về câu chuyện bệnh tật. Họ lần lượt nói về câu chuyện của mình, người 'kỳ cựu" của nhóm cũng có gần 9 năm chống chọi với ung thư. Thành viên mới thì vài tháng đến một năm, chị vừa qua giai đoạn hoang mang, khủng hoảng nhất.

Câu lạc bộ ung thư vú thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) gặp gỡ chia sẻ chuyện điều trị bệnh và vui buồn cuộc sống.
Mở đầu là câu chuyện của chị Cao Thị Thiết (42 tuổi), trưởng nhóm. Cách đây 8 năm, chị như trở thành một "người điên" khi hay tin mình mắc ung thư. Tuổi trẻ với biết bao dự định về tương lai, con còn thơ dại, nhưng tai họa bất ngờ ập xuống, chị mong mình đang trải qua một giấc mơ.
"Khi đó tôi như phát điên, chạy về nhà của bố giữa đêm, leo rào vào rồi la hét. Người thân chỉ biết ôm lấy, cùng khóc trong bất lực. Khi được bác sĩ tư vấn, người thân động viên tôi nghĩ phải chiến đấu đến cùng, giành lấy hy vọng sống", chị Thiết tâm sự.
Ông trời dường như muốn đẩy người phụ nữ nhỏ bé vào bước đường cùng. Sau 6 tháng phát hiện ung thư vú, chị Thiết được thông báo có khối u ở tuyến giáp. Bệnh chồng bệnh, nhưng khó khăn không dập được ý chí chống chọi của chị. Sau đó là chuỗi ngày chị cùng chồng in dấu chân ở các bệnh viện.

Chồng chị Thiết luôn đồng hành với vợ trên hành trình chống chọi với bệnh tật.
"Để chấp nhận cú sốc lớn đó không phải là điều dễ dàng. Từ sự hoảng loạn, hoang mang đến lúc có thể ngồi tĩnh tâm suy xét không phải là thời gian ngắn. Nhưng khi đã chấp nhận đương đầu có khó mấy mình cũng không sợ", chị Thiết chia sẻ.
Chị Hằng (52 tuổi) cũng chia sẻ về câu chuyện của mình. Hơn 4 năm trước, chị đau đớn khi người chồng "đầu gối tay ấp" của mình bị căn bệnh ung thư quái ác cướp mất. Nỗi mất mát chưa vơi thì "tiếng sét" lại giáng bên tai khi chị được chẩn đoán mắc ung thư vú. Chị cứ nghĩ nỗi đau của thế gian gom lại đổ hết vào gia đình mình.
"Tôi không sợ chết nhưng rất sợ bỏ lại 2 con bơ vơ trên cuộc đời. Tôi luôn cố gắng tươi cười và dặn dò các con hãy cố gắng sống và học tập tốt để mẹ có thêm động lực trị bệnh. Chắc lời cầu xin và sự kiên cường của tôi động lòng thương của ông trời nên tôi được sống thêm cùng con cái", chị Hằng chia sẻ.

Qua những ngày tháng khủng hoảng, chị Hằng (bên trái) cùng nhiều người trong câu lạc bộ có tâm lý thoải mái đương đầu với bệnh tật.
Chị Hồ Thị Nguyên tâm sự, ngày nhận kết luận bị ung thư vú, chị không muốn tin. Với chị, hai từ "ung thư" là điều quá khủng khiếp, là án tử cho cuộc đời. Chị nghĩ về bao dự định tương lai, về người thân.
"Lúc đó tôi cũng buông xuôi vì nghĩ ung thư chỉ có chết, là mất hết. Sau bao nỗ lực để xây dựng cuộc sống đủ đầy thì phải bỏ lại tất cả. Nhưng khi tĩnh tâm lại nghĩ "còn nước, còn tát" và nhìn đứa cháu gọi bằng bà tôi quyết chống chọi đến cùng", chị Nguyên nói.
Những ngày dài chống chọi cùng bệnh tật của chị Nguyên có sự đồng hành cùng cháu gái. Đó là động lực, là chỗ dựa để chị vượt qua những cơn đau, sự lo lắng.
"Đến viện hóa, xạ trị luôn có đứa cháu nhỏ ở ngoài chờ. Biết bà đau nên cháu luôn nói "bà ơi cháu yêu bà nhất trên đời". Nghe câu nói đó tôi quyết chống chọi với bệnh không thể rời xa cháu nhỏ được. Qua giai đoạn khó khăn nhất, giờ tôi có thể tự tin nói đã vui sống cùng bệnh tật", người phụ nữ kiên cường tâm sự.
Dìu nhau vượt qua nghịch cảnh
Qua mạng xã hội và những người cùng hoàn cảnh giới thiệu, chị Thiết biết đến mạng lưới Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường- nơi những người bị ung thư vú tìm đến nhau chia sẻ, động viên để chống chọi với bệnh tật, tìm lại niềm vui và sự cân bằng trong cuộc sống. Thấy hiệu quả thiết thực của mạng lưới, chị Thiết tham gia và kêu gọi những người cùng hoàn cảnh tham gia mạng lưới.

Nhiều chị em phụ nữ bị ung thư vú tại Quảng Bình cũng tham gia mạng lưới Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường.
"Tôi hiểu ai nhận tin mình mắc ung thư cũng sẽ có cảm giác hoang mang, tuyệt vọng, có những người buông xuôi. Dù có người thân, bạn bè động viên nhưng đôi khi vẫn thấy buồn tủi. Nhưng khi những người cùng hoàn cảnh gắn kết lại với nhau có thể hiểu, san sẻ, động viên nhau tốt hơn. Khi tâm lý được giải tỏa thì bệnh tật khó mà đẩy chúng tôi vào đường cùng", chị Thiết chia sẻ.
Hơn 3 năm hoạt động, Câu lạc bộ ung thư vú thành phố Đồng Hới có hơn 30 thành viên. Họ là những bệnh nhân ung thư với đủ mọi lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình nhưng cùng chung nghị lực.


Thành viên câu lạc bộ luôn muốn làm những điều ý nghĩa cho những người cùng cảnh ngộ.
Theo chị Thiết, ngoài việc gặp gỡ chia sẻ, động viên nhau vượt qua bệnh tật, câu lạc bộ còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Với những người còn trong cơn hoảng loạn khi vừa mắc bệnh, chị em câu lạc bộ tiếp cận để động viên, san sẻ tâm tư cùng họ. Hội viên câu lạc bộ còn đóng góp, kêu gọi nhằm giúp đỡ những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ tập thể để gắn kết và nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần của hội viên.
"Câu lạc bộ là nơi chia sẻ tâm tư, động viên giúp đỡ nhau mạnh mẽ chống chọi với bệnh tật. Chúng tôi luôn nói với nhau phải tin vào y học hiện đại không mù quáng tin vào các biện pháp chưa được khoa học kiểm chứng. Tôi nhận thấy sự tích cực của bản thân và nhiều chị em từ khi tham gia câu lạc bộ", chị Thiết cho biết.

Câu lạc bộ trở thành một mái nhà chung cho những người phụ nữ chống chọi với căn bệnh quái ác.
Là người có "thâm niên bệnh" lâu nhất câu lạc bộ với 9 năm chống chọi, bà Nguyễn Thị Bình (63 tuổi) thấy bản thân may mắn khi có những người cùng cảnh ngộ đồng hành. Từ cảm giác buông xuôi với bệnh tật đến nay, từ người từng sống khá khép kín, bà Bình đã năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện, văn nghệ của câu lạc bộ.
"Tôi rất sốc khi biết tin mình bị ung thư, cứ tưởng đó là "án tử" cho bản thân rồi. Nhưng khi tham gia câu lạc bộ cùng chị em tôi thấy mình không đơn độc trong quá trình trị bệnh. Chị em động viên, mang lại niềm vui sống cho nhau. Đôi lúc nghĩ rằng nếu không mắc bệnh sẽ không có cơ hội gặp những người thay đổi cách mình sống như bây giờ", bà Bình chia sẻ.
Qua những trải nghiệm của bản thân, các chị, các mẹ muốn nhắn nhủ tới những bệnh nhân ung thư rằng "Ung thư không phải là dấu chấm hết, hãy sống lạc quan để quên đi bệnh. Chúng tôi luôn sẵn sàng sẻ chia, đồng hành cùng bạn trong hành trình trị bệnh".