Sạt lở xảy ra ở nơi xung yếu về địa chất
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 6/8 đã có 7 người chết vì mưa lũ ở vùng núi phía Bắc, trong đó có 4 người Lai Châu, 2 người ở Yên Bái, 1 người ở Sơn La tử vong do đất đá sạt lở vào nhà và lũ cuốn. Tình hình mưa lũ kéo dài tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên khiến 1 người chết (huyện Đăk Mil, tỉnh Đắc Nông) do bị nước cuốn trôi khi lội qua suối và 1 người (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mất tích vẫn chưa tìm thấy. Mưa lũ cũng khiến khoảng 100 ngôi nhà bị hư hỏng và gần 300 ngôi nhà bị ngập, trong đó chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên.
Đặc biệt, có gần 8.880 ha lúa, hoa màu ở các tỉnh bị ngập úng, thiệt hại, gần 175 ha ao hồ bị tràn. Cùng đó, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lũ gây sạt lở 8.400 m3 đất, đá đường giao thông nông thôn và một số cầu dân sinh, cống thoát nước bị hư hỏng, cuốn trôi.
Nói về nguyên nhân mưa lớn gây sạt lở những ngày qua, TS. Vũ Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội Đệ tứ - Địa mạo Việt Nam cho biết, đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng là khu vực sạt lở, khu vực xung yếu về cấu trúc địa chất. Theo đó, khu vực sạt lở nằm ở vị trí giao nhau của 7 đứt gãy thuộc 4 hệ thống đứt gãy có phương, hướng cắm và góc dốc khác nhau. Đá bị dập vỡ mạnh, vỏ phong hóa có bề dày bất thường, dày hơn 20m, dày gấp 3-5 lần các khu xung quanh. Đó chính là nơi liên kết đất đá bị suy giảm mạnh, tập trung nước dưới đất, rất xung yếu về địa chất đối với nứt trượt lở đất. Đất đá khu sạt lở là các thành tạo phun trào trung tính, xen kẹp các đai mạch mafic xuyên cắt đá phun trào, làm cho tốc độ phong hóa mạnh hơn các khu vực xung quanh.
Ví dụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) có thể nhìn thấy quốc lộ 20 cắt vào phần thấp của khối trượt A1 ở độ cao 660 m, tạo ta luy cao tương đối 7-10 m, làm giảm sức chống đỡ bên hay làm tăng đáng kể một cách tương đối tải trọng của khối trượt, nguy cơ trượt lở đất.
Cũng theo chuyên gia, việc sạt lở còn do một số nhân tố kích hoạt. Do lượng mưa lớn tập trung và do tải trọng động được tạo ra do xe lưu thông trên quốc lộ 20. Khu xung yếu A1 là nơi tập trung 7 đứt gãy, chủ yếu theo phương á vĩ tuyến và á kinh tuyến (ảnh c), vỏ phong hóa có bề dày lớn nên đó chính là nơi có khả năng tập trung nhiều nước dưới đất.
Mưa lớn tập trung trong vài ngày làm cho nước trong khối đất đá bão hòa cực đại; tải trọng khối đất đá cũng đạt cực đại làm thúc đẩy, tăng cường trượt lở đất. Ở trạng thái bão hòa nước, dòng xe lưu thông trên quốc lộ 20 còn góp lực, tải trọng động, làm gia tăng tải trọng khối đất đá và nguy cơ tăng cường trượt lở đất. Trượt lở đất đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng đã xảy ra, về không gian, là tại điểm rất xung yếu về địa chất, rất bất ổn về địa mạo; về thời gian, tương ứng với thời điểm mưa lớn tập trung và tác động của giao thông trên quốc lộ 20.
Những nơi có nguy cơ cao sạt lở
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 13h/05/8-13h/06/8) tại khu vực các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Khoen On 345,2mm, TD Huội Quảng 271mm (Lai Châu), Chiềng Lao 2 245,6mm (Sơn La), Mồ Dề 150,2mm (Yên Bái), Mường Tùng 136,3mm (Điện Biên)... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh tại Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo, trong 06 giờ tới, tại khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 80mm. Trong 06 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện gồm: Lai Châu: Mường Tè, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên, Nậm Nhùn, Tam Đường, Sìn Hồ, TP Lai Châu. Sơn La: Quỳnh Nhai, Phù Yên, Mường La, Bắc Yên, Sông Mã, Thuận Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, TP. Sơn La, Yên Châu, Vân Hồ, Sốp Cộp.
Điện Biên: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, TX. Mường Lay, Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ, Tủa Chùa, Tuần Giáo; Lào Cai: Văn Bàn, Bắc Hà, Bát Xát, TX. Sa Pa, Si Ma Cai, Mường Khương; Yên Bái: Mù Căng Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu. Cao Bằng: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình; Hà Giang: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình
Nguy cơ cao ở những sườn đồi không còn rừng
Nêu một số nguyên nhân gây ra sạt lở, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành lý giải, với những sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất, đá xảy ra từ từ. Đất đá lở từ từ tạo thành trườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi có sự thay đổi bề mặt từ đất rừng sang đất trồng cây hay san phạt đất làm nhà, đường, xây hồ thủy điện…, cấu trúc của mặt đất đã thay đổi, dẫn tới nguy cơ sạt lở khi có lượng mưa lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, nhận thức và hành động của người dân đã được nâng cao. Đặc biệt, cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đều có tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ cao trên địa phương về hiện tượng sạt lở. Lực lượng thanh niên xung kích phòng, chống thiên tai cũng được đào tạo để rà soát trước những trận mưa lớn nhằm cảnh báo và hỗ trợ người dân di dời khi cần thiết.
GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở khắp nơi những ngày qua. Mưa quá lớn, cấp tập vượt quá khả năng thẩm thấu của đất, song nguyên nhân chính vẫn là do diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp.
"Nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét… Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1-2 giờ với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét", GS Nguyễn Ngọc Lung phân tích.
Để ứng phó với mưa kéo dài, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Các tỉnh vùng núi phía Bắc chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường đưa tin về tình hình mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Ngày 6/8 Đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đến kiểm tra tại một số điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn. Ngoài ra còn có 8 thành viên gồm lãnh đạo và chuyên gia của các cục: Thủy lợi, Quản lý đất đai và Phòng chống thiên tai… Đoàn công tác sẽ kiểm tra, đánh giá tình hình lũ, ngập lụt và sạt lở tại tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Trong ngày 6 - 7/8, Đoàn tiến hành kiểm tra tiền trạm công trình hồ chứa nước Đắk N'Ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong). Thời gian còn lại, Đoàn sẽ kiểm tra thực địa một số điểm sạt lở, ngập lụt khác.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mưa Lớn Không Dứt, Cảnh Báo Tình Trạng Lũ Quét, Sạt Lở Tại 52 Huyện Thị Xã | SKĐS