Những nỗi đau còn lại…

29-04-2021 20:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cựu chiến binh Mỹ, những người từng có thời gian tham chiến tại Việt Nam, hơn ai hết, họ hiểu và thấm thía những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Ngay từ những ngày chứng kiến những tội ác của quân đội Mỹ tại Việt Nam, họ đã nhận ra và đứng lên góp tiếng nói vào phong trào phản chiến.

 Từ một nhiếp  ảnh gia ….

Cựu chiến binh người Mỹ Mike Hastie sống ở Portland, Mỹ là thành viên của Hội cựu chiến binh Vì hòa bình (Tổ chức Veterans For Peace). Giờ đây ở tuổi “thất thập cổ  lai hy”, ông vẫn không nguôi nỗi niềm day dứt về cuộc chiến tranh mà mình đã tham gia tại Việt Nam, mặc dù khi đó ông chỉ tham gia với tư cách là một nhiếp ảnh gia, một nhân viên y tế của Mỹ.

Thời thơ ấu, gia đình Hastie  sống ở bờ Đông rồi chuyển sang bờ Tây của  nước Mỹ, di chuyển qua nhiều nước,  từ Đức đến  Nhật Bản. Cha ông vốn là một quân nhân, nên Hastie cũng được định hướng theo con đường binh nghiệp. Năm 24 tuổi Hastie nhập ngũ. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo y khoa  tại Trung tâm Y tế Quân đội Fitzsimons ở Aurora, Colo, Hastie lên đường sang Việt Nam vào những năm 1970. Ông  là nhiếp ảnh gia trong đoàn chăm sóc y tế ở chiến trường An Khê - Gia Lai, giai đoạn 1970 – 1971.  Nói về cuộc chiến tranh tại Việt Nam,  Hastie cho rằng có rất nhiều thương vong trong chiến tranh.  "Chúng tôi đã chứng kiến những vụ giết người", “Tôi biết mình là kẻ thù của người dân Việt Nam”, “Chúng tôi không có quyền ném bom Việt Nam, nhưng mỗi ngày chúng tôi đều thực hiện những hành vi tàn bạo đó”…. Đây là những lời tâm sự từ tận đáy lòng của ông Hastie với một tờ báo địa phương ở Mỹ.

Cựu binh Mike Hastie, ông đã có dịp tới Việt Nam năm 2018

Đã rất nhiều lần ông Hastie đề cập đến vụ thảm sát kinh hoàng ở Mỹ Lai của binh lính Mỹ. Tuy không phải là người trực tiếp tham gia vụ thảm sát ở thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), nhưng người cựu binh Mỹ ấy, trong chuyến trở lại Việt Nam hồi năm 2018, lại cảm thấy hổ thẹn khi đối diện với dân làng.  Những hồi ức của cuộc chiến đó khiến ông khi trở lại quê hương vẫn còn bị ám ảnh. Ông đã từng phải điều trị dài ngày tại bệnh viện với căn bệnh lúc nào cũng muốn tự tử. Trong chuyến trở lại Việt Nam năm 2018, ông Mike Hastie  đã được trực tiếp trò chuyện  với những người dân còn sống sót trong vụ thảm sát năm ấy. Giờ đây, những người dân Việt Nam bình dị  đã gác lại quá khứ, mở rộng vòng tay bao dung, chân tình đón tiếp những người ở bên kia chiến tuyến năm nào.

Cựu chiến binh Mike Hastie  xúc động cho biết: “Chúng tôi đã nói chuyện với những nhân chứng còn sống sót sau vụ thảm sát này, với chính những người thân còn lại của những nạn nhân”.

Trở thành nhà hoạt động phản đối chiến tranh

Từ một nhiếp ảnh gia, khi rời Việt Nam Mike Hastie đã trở thành nhà hoạt động phản đối chiến tranh. Ông quyết định trở thành một y tá. M.Hastie đã hoàn thành chương trình điều dưỡng tại trường Cao đẳng cộng đồng Lane và sống  tại Portland, Mỹ.  20 năm  làm việc tại phòng cấp cứu với tư cách là một y tá nhưng những di chứng của cuộc chiến tranh vẫn đeo bám ông. Ông bị  rối loạn căng thẳng sau chấn thương và thường xuyên có ý định tự tử. Có khoảng thời gian ông Hastie phải điều trị liên tục tại bệnh viện.  

Ông Hastie nói: “Điều duy nhất tôi nhận được trong cuộc Chiến tranh Việt Nam là tôi cảm thấy mình mất phương hướng. Tôi là một người hoàn toàn xa  lạ ở một vùng đất lạ lẫm, không thuộc về mình". Điều này đã thức tỉnh ông, thúc giục ông cần phải  gắn kết với những con người cùng suy nghĩ. Hàng thập kỷ sau, Mike Hastie vẫn theo đuổi phong trào phản đối chiến tranh.

Chia sẻ với tờ báo địa phương –tờ Street Roots, ông Hastie khẳng định bên cạnh công việc y tá, ông  là một nhiếp ảnh gia về hòa bình,  vai trò mà ông đã gắn bó trong suốt hơn 40 năm qua. Chỉ với hai chiếc máy ảnh Nikon, ông đã ghi lại những hình ảnh về các cuộc chiến ở nhiều nơi từ Palestine, Nhật Bản, Nicaragua, Lebanon đến cả  Việt Nam.

Cựu binh Daniel Shea

Sau khi xuất ngũ, ông Hastie đã có mặt ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia khác, ông xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, phản đối các cuộc xâm lược của Mỹ ở nước ngoài. Ông nói: “Tôi đã kể cho mọi người biết lý do tại sao tôi biểu tình,  mọi người cần phải biết Chính phủ Mỹ  đã làm những gì trong cuộc chiến tại Việt Nam.”

Không chỉ có Mike Hastie, rất nhiều thành viên của Hội cựu chiến binh vì Hòa Bình trở về từ những cuộc chiến tranh đã đứng lên kêu gọi mọi người đấu tranh cho hòa bình. Cựu binh Joey King chia sẻ, ông từng là lính nhảy dù của quân đội Mỹ, nhưng “Tôi đã sớm nhận ra rằng chúng tôi cần phải lên tiếng về vấn đề xã hội quan tâm nhất và kêu gọi mọi người chiến đấu vì nó, đó là hòa bình”.

Cựu chiến binh Mỹ Daniel Shea, người trước kia chiến đấu tại chiến trường Đà Nẵng đã viết lên những dòng chia sẻ: “Thực tế của cuộc chiến làm tôi hiểu và quý trọng giá trị của cuộc sống. Tôi đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến vì bị nhiễm chất độc hóa học của chính quân đội Mỹ đã rải xuống Đà Nẵng. Con trai tôi bị di chứng của chất độc hóa học,  mắc dị tật bẩm sinh, nó đã sớm ra đi… . Tất cả chuỗi sự kiện trong cuộc đời tôi đã đưa tôi đến với phong trào phản chiến. Tôi đã cùng các cựu binh Mỹ đấu tranh vì hòa bình”.

Một người cựu chiến binh khác trong  cuộc chiến tranh Việt Nam, ông Ken Barger, sống tại Indianapolis kể lại, khi tôi ngồi trên chiếc trực thăng nhìn xuống khung cảnh của đất nước Việt Nam tôi đã nghĩ rằng nếu tôi là một nông dân Việt Nam, tôi cũng sẽ đứng lên để đánh Mỹ.  Cùng với thời gian, tôi đã nhận ra rằng, chúng tôi đang giết người và tàn phá quê hương của những người đang tự bảo vệ mình khỏi những kẻ xâm lược như chúng tôi. “Chiến tranh thực sự là địa ngục”, ông Ken Banger cho biết. Khi trở về ông đã gia nhập hàng ngũ của những cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh.

Trong lần trở lại Việt Nam vào năm 2018 thăm Mỹ Lai,  cựu binh Mike Hastie nói: “Chúng ta phải đối diện vì nó là một phần quan trọng để hàn gắn vết thương chiến tranh. Ngày nay, chính phủ 2 nước đã bình thường hóa quan hệ, muốn cùng nhau xây dựng quan hệ và phát triển kinh tế”. Mỹ Lai, Sơn Mỹ từng là biểu tượng cho nỗi đau trong chiến tranh giờ đây đang  trở thành  điểm đến của hòa bình….

 


Trần Hải
Ý kiến của bạn