Hà Nội

Những nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và dấu hiệu nhận biết để phòng tránh

31-07-2023 09:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Mưa lớn kéo dài nhiều ngày dẫn đến đất bị bão hòa trên 90%, nguy cơ xảy ra sạt lở rất lớn ở nhiều tỉnh trong đó có Lâm Đồng, nơi vừa xảy ra sạt lở làm 4 người thiệt mạng.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo LộcThủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc

SKĐS - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 691/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nguy cơ cao ở những lưu vực có sườn dốc

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (31/7), ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to; khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 30/7 đến 07h ngày 31/7 có nơi trên 60mm như: Hua Trai (Sơn La) 92.4mm, Chiềng Lao (Hòa Bình) 80.2mm, Liễu Đô (Yên Bái) 132.0mm, Linh Hồ (Hà Giang) 84.2mm, Nga Sơn (Thanh Hóa) 105.2mm, Đông Giang (Bình Thuận) 89.4mm, Ma Đa Guôi (Lâm Đồng) 78.8mm, Đắk Dục (Kon Tum) 67.0mm,…

Những nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và dấu hiệu nhận biết để phòng tránh - Ảnh 2.

Mưa lớn kéo dài khiến sạt lở nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Từ ngày 31/7-02/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 200mm. Từ ngày 31/7-02/8, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 60-120mm, có nơi trên 180mm.

Khu vực

Thời gian ảnh hưởng

Tổng lượng (mm)

Vùng núi và trung du Bắc Bộ

Từ 13h/31/7-13h/01/8

40-80, có nơi trên 100

Tây Nguyên và Nam Bộ

Từ 13h/31/7-13h/01/8

20-50, có nơi trên 100

Vùng núi và trung du Bắc Bộ

Từ 13h/01/7-13h/02/8

30-70, có nơi trên 100

Tây Nguyên và Nam Bộ

Từ 13h/01/7-13h/02/8

40-70, có nơi trên 100


Ngoài ra, trong ngày và đêm 31/7, những nơi khác ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (mưa tập trung vào chiều tối và đêm). Cảnh báo mưa dông ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 03/8 (thời gian mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm); ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới.

Cơ quan khí tượng lưu ý, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh.

Nguyên nhân chính gây ra lũ quét thường là mưa lớn với cường độ cao. Tuy nhiên, lũ quét chỉ thực sự nguy hiểm khi xảy ra ở lưu vực có sườn núi dốc, địa hình bị chia cắt mạnh mẽ tạo thành các hẻm, vực sâu, lớp phủ thực vật thưa bị phá hủy bừa bãi. Ngoài ra, lưu vực các sông suối có mặt lưu vực bị phong hóa mạnh, kết cấu kém cũng dễ xảy ra lũ quét.

Đặc điểm chính của lũ quét là chứa một lượng vật rắn rất lớn, thường là bùn, đá... nên còn được gọi là lũ bùn đá, rất hay xảy ra ở nước ta. Lũ quét thường xảy ra nhất vào ban đêm và sáng sớm, kéo dài từ 3 - 6 tiếng trong các tháng mùa lũ.

Di chuyển ngay khi nghe thấy âm thanh lạ

Trượt lở đất xảy ra nhiều ở các sườn đồi núi dốc, đường giao thông, hệ thống đê đập, các bờ mỏ khai thác khoáng sản, các hố đào xây dựng công trình... Đây là loại hình tai biến thường có qui mô từ trung bình tới lớn, phạm vi phát triển rộng, diễn biến từ rất chậm (2- 5cm/năm) gây chủ quan cho con người, tới cực nhanh (lớn hơn 3m/s) làm cho con người không đối phó kịp. Đất đá trượt lở từ vài chục vạn m3 tới 1 - 2 triệu m3, trườn đi xa tới 0,5 - 1 km, đủ lớn để chặn dòng sông suối, dòng nước, tạo nên lũ quét nghẽn dòng, đặc biệt nguy hiểm cho các cụm dân cư ở hạ du.

Sụt lở đất hay xảy ra ở các tuyến đường giao thông, các tuyến đê. Sụt lở đất ở các triền đồi núi thường làm mất một phần mặt đường hoặc cả đoạn đường đồi núi, phá hoại cả một tuyến đường, gây ách tắc vận chuyển và hệ quả kinh tế xã hội nghiêm trọng.

Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, người dân có thể nhận biết khả năng xảy ra sạt lở đất bao gồm: mưa nhiều ngày, mưa lớn; khi các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi hội tụ dòng chảy) xuất hiện các vết sạt, trượt lở, thay đổi hướng dòng chảy; hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển; cửa nhà hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần thạch cao, gạch nền.

Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng; xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống; Những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau. Khi nghe thấy tiếng rơi với âm lượng tăng dần của đất đá, tức là sạt, trượt lở đất có thể sắp xảy ra.

Trong thời gian tới, tại khu vực Tây Nguyên và thành phố Đà Lạt bước vào thời kỳ mưa lũ chính vụ, với nguy cơ mưa lớn kéo dài nhiều ngày, người dân cần luôn đề cao cảnh giác với các hiện tượng mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ thường xuyên cập nhật tình hình để ban hành các bản tin cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Người dân có thể theo dõi các thông tin dự báo, cảnh báo được cập nhật liên tục tại trang thông tin www.nchmf.gov.vn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Tìm thấy thi thể 3 chiến sĩ CSGT và người dân vụ sạt lở tại Lâm ĐồngTìm thấy thi thể 3 chiến sĩ CSGT và người dân vụ sạt lở tại Lâm Đồng

Tỉnh Lâm Đồng đã huy động hàng trăm người cùng nhiều phương tiện để tìm kiếm 4 người mất tích do sạt lở đất tại Chốt Cảnh sát Giao thông đèo Bảo Lộc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đèo Bảo Lộc Sạt Lở Nghiêm Trọng Vùi Lấp Trạm CSGT Khiến 3 Chiến Sĩ Mất Tích | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn