Đi một mình lại càng tệ, ra về không khóc là may. Vậy mà cả bốn lần đến Vườn địa đàng tôi đều đi cùng những bạn đồng hành chẳng phù hợp chút nào.
Nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất hành tinh
Có hàng triệu nơi để ngắm hoàng hôn trên khắp Trái đất này, nhưng Santorini - một hòn đảo nằm trên Địa Trung Hải lại được các tạp chí du lịch hàng đầu bình chọn là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất hành tinh. Mà cái điểm để ngắm hoàng hôn lại nằm ở Oia - một ngôi làng dễ thương bậc nhất thể hiện thẩm mỹ tinh tế của các chủ nhân người Hy Lạp, mà chỉ riêng cách kết hợp màu sắc của họ đã vô cùng lịch lãm. Nhìn từ xa, những ngôi nhà trong làng Oia xếp lớp trên vách đá như một bức tranh nhiều màu sắc. Những tiệm cà phê xinh xắn nhất thế giới với các ban công nhìn ra vùng biển xanh hoặc nằm khiêm tốn trong ngõ nhỏ. Bận ấy tôi đi xuyên Nam Âu cùng nhóm phượt quen thuộc gồm 6 người. Nhưng những lúc như thế này, ngắm bộ bàn ghế sắt đen xinh đẹp nhường ấy bên những kệ thủy tinh màu, những bể bơi xanh ngọc nép mình trên vách đá và khoảnh khắc lang thang trên những trảng đồi hùng vĩ bạt ngàn gió tát, lúc đứng lặng ngắm hoàng hôn trên vùng biển Santorini, chợt thấy những kẻ đồng hành… trở nên vô duyên. Lẽ ra nơi này chỉ nên dành cho tuần trăng mật. Chỉ cần 72 giờ lãng mạn bình yên thiên đường cũng đủ cho cả đời làm lụng lam lũ và 72 năm còn lại không cần hạnh phúc. Lúc ấy hứng lên tôi ngẩn người nghĩ như thế, tưởng tượng ra một hiệp sĩ đứng cheo leo trên vách đá, trước khi bị quấy rầy bởi những tiếng léo nhéo của đội phượt đang giục đi nhanh lên kẻo đói bụng vì đã một giờ chiều rồi.
Bali - Đảo thiên đường.
Hoàng hôn Santorini buông dần với tiếng gió hú, hơi lạnh buốt đầu hạ và mây trắng treo đỉnh đầu. Mây nơi này lạ, nó sà thấp đến mức mang lại cảm giác có thể bắc thang lên mà với. Ban ngày, mây dày như bông và bay vùn vụt qua nền trời xanh thẳm. Khi hoàng hôn xuống, vùng trời chuyển dần sắc cam, hồng và tím nhạt, rồi đến tím sẫm, nhưng mây thì ngày càng dày đặc. Gió thốc thác lạnh thấu xương và hú u u từng chập. Gió gọi những đám mây vội vã. Mây lang thang xuống tận lưng đồi và tất tả về trời. Ngôi làng lặng câm như cổ tích, thản nhiên bao thế kỷ chìm đắm trong không gian huyền hoặc này. Tôi co ro trong tiếng gió, cố khép lại tà áo mỏng manh trong khi những người bạn đồng hành vội vã đuổi mặt trời bằng những cú bấm máy liên hoàn không đèn flash. “Người mẫu” ngồi ghế bể bơi, ra vẻ bâng khuâng ngắm ánh tàn nơi hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Hoàng hôn ở đâu thì nào có khác nhau, chỉ riêng đây, kéo theo tiếng gió u hoài về với biển. Ừ thì đồi gió hú, rừng gió hú, thảo nguyên gió hú đã trải qua hết rồi, nhưng chưa bao giờ tôi biết rằng biển Santorini ban ngày lặng câm không tiếng sóng vỗ để đêm đêm gọi gió về. Hoàng hôn mùa hạ rơi vào quãng tám giờ, mãi đến chín rưỡi, vùng biển mới trở thành một vũng đen khổng lồ. Santorini lên đèn. Ánh vàng tím huyền ảo trên những ngôi nhà màu trắng. Đã chẳng còn ai đi lại trên đường làng.
Đảo thiên đường
Bali là hòn đảo bị đánh bom nhiều nhất ở Indonesia, nhưng bất chấp điều đó, khách du lịch vẫn nườm nượp. Có cả ngàn thú vui để tiêu khiển trên đảo như du lịch mạo hiểm, chèo thuyền kayak, rafting, ăn trưa bên miệng núi lửa, vào rừng xem tục thiên táng hoang dã của thổ dân đảo, mua sắm ở những khu phố cổ, thăm các làng nghề truyền thống, xem biểu diễn Barong Dance, thăm cung điện khỉ và vô số những đền đài Hindu. Nhưng điều mà du khách mong muốn nhất không phải đi lễ đền mà ngắm hoàng hôn rơi trên mặt biển. Vị trí của đền Tanah Lot là nơi lý tưởng nhất Bali để ngắm hoàng hôn. Lần này chúng tôi bị trễ lịch trình mất 30 phút, đành đoạn ngồi trên xe mà nhìn qua cửa kính tiếc nuối những ánh hoàng hôn cuối cùng rơi rớt trên các lùm cây. Anh lái xe bản địa hiểu rằng khách du lịch cả đời có khi chỉ đến Bali một lần và đến Bali không thể không ngắm hoàng hôn đang tỏa ánh vàng trên Tanah Lot, mới phóng xe như điên trên những con đường quanh co trong thị trấn đang vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, cho dù anh ta có gắn thêm vài động cơ nữa vào xe thì cũng không kịp, hoàng hôn đã lụi dần rồi mất tích sau dãy núi Gunung Agung. Chúng tôi đi như chạy lên mũi Tanah Lot chỉ để nhìn thấy ráng trời tím sẫm viền trên mặt biển. Dù sao, cảnh vật từ trên mỏm núi đẹp đến nỗi nhiều người nói rằng nhất định sẽ quay lại Bali chỉ để được thêm một lần ngắm hoàng hôn. Từ ngôi đền nhỏ tí xíu của Tahnah Lot nhìn sang mỏm núi bên kia là một nhà hàng buffet cho khách du lịch. Cũng chẳng mấy nhà hàng trên Trái đất này có vị trí đẹp như thế để làm dịch vụ. Mũi đá sinh ra như dành riêng cho chủ nhà hàng kê bàn ghế ngoài trời và thắp nến lên để du khách tận hưởng một bữa tối độc nhất vô nhị. Trong vô vàn ánh nến lấp lánh dưới trời đêm, những đôi tình nhân tìm thấy khoảnh khắc lãng mạn nhất cuộc đời mình, để rồi, chỉ một khoảnh khắc thôi có thể đủ dư vị cho cả cuộc đời. Ấy mà đang bàng hoàng vì một hoàng hôn tím lịm thì đám phượt vô duyên đi cùng lại nhăn nhó giục giã sau khi chụp vội vài tấm hình: Thôi nhanh lên còn về khách sạn thay quần áo, ướt át ngứa ngáy lắm rồi.
Chả là trước ấy chúng tôi vừa chèo xuồng mạo hiểm trên thác và bị ướt lướt thướt cả buổi chiều còn lại hôm đó.
Ký họa chân dung tại cao nguyên Lệ Giang.
Bản tình ca mùa đông
Chẳng có người lãng mạn nào lại không biết đến Bản tình ca mùa đông - bộ phim không chỉ làm mưa làm gió ở Hàn Quốc một thời mà còn khuynh đảo cả giới trẻ châu Á. Phim ấy quay ở đảo Nami và cũng từ ấy mà Nami trở nên quá nổi tiếng với khách du lịch trong ngoài. Từ Seoul, người ta vượt quãng đường 80 cây số nhưng tới tận 4 tiếng đồng hồ trên xe chỉ vì tắc đường để đến đảo Nami. Đi qua phà, Nami chào đón du khách bằng những con đường hai hàng cây lãng mạn, những bờ nước ngọt ngào, những thảm cỏ xanh bất tận cùng những tiệm đồ lưu niệm xinh xắn bán các tặng vật dễ thương cũng chỉ dành cho người đang yêu. Ở trung tâm của đảo có tấm pano khổ lớn in hình cặp đôi diễn viên chính trong bộ phim là Bae Yong Joon và Choi Ji Woo. 12 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên Bản tình ca mùa đông xuất hiện, các đôi uyên ương Hàn Quốc đều cố gắng được một lần đến đảo Nami để nắm tay nhau dạo bước trên con đường ngút tầm mắt với hai hàng cây ngả màu lá đỏ lúc thu về. Rồi khi đông tới, khi những cành khẳng khiu trút lá hiu hắt trong bản tình ca Winter Sonata, khi tuyết đã lắc rắc lấp lánh dưới mỗi bước chân của hai con người có trái tim nóng bỏng, chàng trai khẽ ôm chặt cô gái để che những cơn gió lạnh đang xuyên qua các lối mòn từ bờ nước.
Ấy là kịch bản phải như thế. Nhưng bữa đó tôi đi theo tour cùng con gái, gã guide lắm mồm luôn miệng giục sau đúng 30 phút nữa phải có mặt ở bến để kịp bắt phà sang bờ bên kia, nếu về trễ sẽ gặp giờ cao điểm trên xa lộ, đến đêm mới mò về khách sạn được. Con gái thấy thế cũng cuống lên lôi mẹ xềnh xệch bỏ qua tất cả những điểm cần đứng lặng mà chiêm ngắm, mục đích chỉ là: Nhanh lên, cho con vào cửa hàng kia, con cần mua mấy thứ. Thành thử hầu hết thời gian trên đảo Nami, tôi buộc phải dành cho shopping và mướt mồ hôi chen chúc trong những ô cửa hàng nhỏ xíu.
Đảo Santorini - Nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất hành tinh.
Cao nguyên lộng lẫy của những câu chuyện tình
Nếu như đến Santorini, bạn có thể thuê một chiếc xe máy để rong ruổi cùng người tình trên những con đường vàng rực hoa cúc dọc bờ Địa Trung Hải hay phiêu lưu trong ngôi làng Pyrgos ma mị; Nếu đến Bali, bạn cùng nhau ăn trưa bên miệng núi lửa Kintanami mù sương, ăn tối dưới ánh nến lấp lánh trên mũi Tahnah Lot để ngắm hoàng hôn đang lịm dần xuống mặt biển; Nếu đến Nami, bạn sẽ trao nhau một nụ hôn dài dưới hàng cây xao xác lá đỏ thì đến Lệ Giang, bạn có thể cùng nhau phi ngựa trên những thảo nguyên bao la lốm đốm hoa vàng, sẽ viết lời thề nguyện vào một chiếc chuông gió rồi treo lên cây ở Ngọc Long Tuyết Sơn - ngọn núi quanh năm phủ tuyết của Trung Hoa đại lục. Chuyện tình Lệ Giang - cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hoa Nam đã kích thích hàng triệu cặp nam nữ mua vé lên cao nguyên để được ngồi trong một quán bar ở Đại Nghiên Cổ Trấn cho đúng như trong truyện.
Giữa buổi trưa hè, cảm giác được lang thang trong những con ngõ cổ kính thật yên ả và an lành. Bạn có thể ngắm nhìn những lữ khách trẻ trung ngồi uống cocktail trên một ban công gỗ đầy hoa, cũng có thể dừng lại quan sát một nghệ nhân đang chạm bạc ngay trên hiên nhà, những cô gái ngồi dệt vải ngũ sắc giữa tiệm hàng ngổn ngang vải vóc hoặc ngắm một thiếu nữ đi giày đỏ đang ngồi thảnh thơi cho chàng trai chủ tiệm vẽ chân dung lên áo pull. Để khi đã chồn chân mỏi gối, hãy rẽ vào khu chợ bán đồ tươi chọn cho mình một túi hoa quả cao nguyên ngọt lịm trong số bạt ngàn lê, táo, nho, mận, xoài, đào và anh đào. Nếu muốn nạp thêm năng lượng, hãy bước qua bậc thềm vào hẳn một ngôi nhà cổ mà giờ đã biến thành nhà hàng có kê bàn ghế gỗ nhỏ nhắn trải khăn vải ca rô. Bạn vừa nhấm nháp sữa chua lạnh ủ trong hũ sành vừa kín đáo khẽ liếc nhìn vào trong sân gạch, mà cả bây giờ và vài trăm năm trước, người Nahsi vẫn dùng để giặt giũ quần áo và xếp những thùng bột mì, hoa quả. Qua khung cửa sổ gỗ tạp, hãy ngắm nhìn bóng nắng lặng lẽ rơi trên bức tường trắng sơn vẽ những ký tự tượng hình ngộ nghĩnh của nền văn hóa Đông Ba.
Đang vui thì mưa bất chợt nên tôi tấp đại vào một quán bar. Có thể chưa nơi nào mưa rơi xuống mà lại buồn như Lệ Giang. Quán này có mỗi mình tôi và cha tôi là khách duy nhất. Và ngoài kia mưa vẫn rơi rả rích trên những cây cầu nhỏ xíu và các ô cửa xù xì khiến lớp gỗ sẫm đen càng thêm thâm u. Những người đàn bà lội suối đãi hến giờ đã biến mất, cả những cô gái tươi tắn chào mời trong đủ sắc áo cũng trốn đâu đó trong phòng. Chỉ còn lác đác vài người khách cầm ô đi lại bên bờ suối chảy siết. Người ca sĩ vẫn ôm đàn kiên nhẫn hát một bài gì đó mà tôi không biết. Tôi tự an ủi bằng cách lẩm bẩm: “Thôi thì cũng biết thế nào là mưa Lệ Giang”. Cha tôi bâng quơ đáp lời: Mưa ở đâu mà chả như thế hả con. Mưa Lệ Giang với mưa Hà Nội thì có khác gì nhau đâu.