Những nỗi bất an, phụ nữ dễ bị tổn thương nhất

19-07-2018 11:01 | Đời sống
google news

SKĐS - Cuộc sống càng hiện đại, những nỗi sợ hãi lo âu gần như càng lan tỏa ngày càng nhiều ở khắp nơi. Những trải nghiệm về sự an toàn dường như bấp bênh hơn bao giờ hết. Phụ nữ là đối tượng bị tấn công một cách mạnh mẽ bởi nỗi sợ cấp tính, dù rằng khá vô lý. Họ phải làm sao để dập tắt những ám ảnh?

Nhiều người rối loạn lo âu

Chúng ta đang bị những thảm họa bao vây, nhất là khi mới đây, chúng ta từng liên tiếp nhận được thông tin máy bay mất tích như chiếc máy bay M370 của hãng hàng không Malaysia; rồi lại đắm chìm trong nỗi hoảng sợ vì vụ lật phà ở Hàn Quốc. Chúng ta chắc không thể quên vụ thảm cháy Carina khiến hàng chục người chết, và hàng chục người khác bị thương. Không hoài nghi khi trên các phương tiện thông tin đại chúng, những thảm họa này và đâu đó, đang dần đẩy con người đến bờ vực “tuyệt vọng”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, cứ 5 người trưởng thành có 1 người bị rối loạn lo âu. Và bất chấp chỉ số cảm xúc cao đến đâu, theo các giáo sư chuyên khoa tâm lý - tâm thần học ĐH North Carolina (Mỹ), so với nam giới, phụ nữ bị ám ảnh làm tổn thương cao gấp 4 lần. Về mặt thực thể, nỗi ám ảnh là những nỗi sợ hãi vô lý về lý thuyết hầu như nằm trong những trạng huống không gây thương tổn cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này làm cho phụ nữ thường gánh chịu những rối loạn lo âu dù chỉ là những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.

Những nỗi bất an, phụ nữ dễ bị tổn thương nhấtCứ 5 người trưởng thành có 1 người bị rối loạn lo âu

Ví dụ, nếu như bạn sợ ong, bạn sẽ tìm cách tránh nó; nhưng nếu bạn có nỗi “ám ảnh vì ong”, bạn sẽ dành thời gian tìm mọi cách né tránh ong, và hãi sợ bất cứ côn trùng có cánh nào trên đường đi. Con người với nỗi ám ảnh, thường có những quyết định đúng đắn trong bất cứ công việc nào diễn ra hàng ngày như cái thang máy này an toàn, những viên đá quý không thể giết chết mình; nhưng lại bất lực hoảng loạn trước sinh vật gọi là “ong”. Một chức năng nào đó trong não gặp sự cố.

Những nỗi ám ảnh sợ nghe có vẻ vô lý nhưng lại làm nhiều người khốn khổ. Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực TP.HCM, chia sẻ, trong thời gian làm trong ngành tâm thần bản thân ông đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị ám ảnh sợ.

“Đó là qua một câu chuyện của người bạn thân có vợ bị ám ảnh sợ hơn 10 năm nay. Anh rất buồn rầu và lo lắng cho vợ. Anh chỉ có 2 người con, vợ anh bị ám ảnh vớicác triệu chứng sợ phong phú. Có một lần chị bị con chó cắn nhẹ vào chân sau đó chị sợ bệnh dại nên đi chích ngừa phòng dại. Kể từ đó chị ít đi ra ngoài đường. Chị ở trong nhà thường xuyên. Mặt khác chị cấm các con nói tên con chó. Chị còn sợ cục pin, bất kể cục pin gắn trong thiết bị gì (remote đèn pin, đồng hồ) cứ ngồi cạnh các vật dụng đó là chị né tránh”, BS. Quang kể.

Tiếp theo, ông gặp không ít trường hợp “sợ vi trùng”, sợ dơ bẩn. Khi có khách đến chơi ngồi trên cái ghế nào đó. Sau khi khách ra về chị lấy khăn lau chùi cái ghế mà khách ngồi vì sợ dơ bẩn mặc dù cô ấy biết không đúng nhưng cô vẫn phải làm.

“Hiện nay những người bệnh như vậy đang phải theo dõi và dùng thuốc tâm thần. Người bệnh trở nên buồn bã không muốn tiếp xúc với ai. Người bệnh rất lo sợ điều gì đó sẽ đến, bất an, sợ trống trải, sợ cô đơn. Bản thân bệnh nhân biết là mình làm những điều trên cũng như suy nghĩ là rất vô lý nhưng cứ lặp đi lặp lại nên bệnh nhân, đa số là phụ nữ, càng trở nên đau khổ, bi quan, chán nản”, BS. Quang chia sẻ.

Theo một thống kê ở Mỹ, trong những nỗi ám ảnh sợ, 50% số người phụ nữ sợ các loại côn trùng - rắn hoặc các loại chim, 48% sợ độ cao; 34% sợ các khoảng không gian chật hẹp như thang máy, đường ống, hang động; 31% sợ các chuyến bay.

Ám ảnh vẫn có ý nghĩa tích cực

Những sự cố cụ thể giống như thảm hoạ được báo trước có thể bùng phát dữ dội như cái đánh lửa trong xe, khơi dậy những ám ảnh. Ví dụ, “nỗi ám ảnh này diễn ra rất tinh tế, trải qua nhiều đoạn thời gian, sau khi đọc được tin máy bay rơi đâu đó trên báo”. Hay đó là những tích tụ kéo dài, hằn sâu trong trí não sau một sự cố sinh tử. Có vẻ như nỗi ám ảnh được hình thành cũng phụ thuộc vào nền tảng gia đình và giáo dục, đồng thời dựa vào các hóa chất có trong bộ não.

Theo BS. Ngọc Quang, ở đây chúng ta đề cập đến gen di truyền đóng vai trò hàng đầu gây ra chứng bệnh ám ảnh sợ. Những người có bố, mẹ hoặc anh, chị, em có chứng bệnh ám ảnh sợ thường có nguy cơ bị ám ảnh sợ hoặc rối loạn nhân cách cao gấp 10 lần người bình thường.

Theo các nghiên cứu của Học viện Trầm cảm và Rối loạn stress (Anxiety and Stress Disorder Institute) của Maryland (Mỹ), đầu tiên phải nói đến tác nhân bên ngoài, đó là bất an không thoải mái trong một môi trường mà chúng ta không thể kiểm soát được. Cả nữ giới và nam giới đều có khả năng kiểm soát tốt những biến đổi bất thường, “ngay từ thưở ban sơ, các cậu bé đã được khuyến khích mặt đối mặt với những sợ hãi, và tất cả chúng ta đều biết đó là cách tốt nhất để ứng phó với các ám ảnh về sau”. Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng với những bộ não của nữ giới thường tìm cách giải quyết nhẹ nhàng hơn để thích ứng với nỗi sợ hãi, thoạt tiên sẽ giúp nữ giới vượt qua hoàn cảnh, nhưng lâu dần sẽ dễ có nguy cơ hình thành nỗi ám ảnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng “sợ hãi có thể làm cho con người ta mạnh mẽ hơn”. Lo âu không hoàn toàn là một phản ứng tiêu cực, về mặt nào đó, nó có thể báo động cho chúng ta về các nguy hiểm, là động cơ khiến ta rời khỏi giường, và thúc đẩy chúng ta hoàn thành công việc đúng thời hạn. Điều quan trọng chúng ta sử dụng nỗi ám ảnh thành “liều morphin” và học được cách xoa dịu bản thân từ các phản ứng do ám ảnh sợ hãi mang tới.

Những nỗi bất an, phụ nữ dễ bị tổn thương nhấtCần tiến hành một cách có hệ thống các bước đi đặc biệt để có thể tư vấn bệnh nhân vượt qua nỗi sợ hãi

Đối mặt với ám ảnh sợ

Kênh truyền hình AXN có một show truyền hình thực tế “the Hero - Anh hùng”, ở đó, nhiều người bình thường học cách thích ứng nỗi sợ, thử thách chính mình, vượt qua giới hạn. Ám ảnh sợ không có một liệu pháp thần diệu, nhanh chóng chữa được các tổn thương tâm lý. Tuy nhiên, cũng có một vài phương pháp để giúp bệnh nhân vượt qua các ám ảnh.

Về chuyên môn, theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Quang, rối loạn ám ảnh sợ còn gọi là rối loạn nghi thức ám ảnh (Obsessive - Compulsive Disorder - OCD) có biểu hiện là những ý nghĩ thường xuyên tái diễn liên quan tới những lo âu căng thẳng, những hoạt động tâm thần hoặc thể chất có chủ ý lặp đi lặp lại để giảm sợ hãi hoặc căng thẳng do ám ảnh gây ra. Phần lớn các ca OCD đều bắt đầu từ thời kỳ thiếu niên hoặc tuổi dậy thì.

“Nhiều người cho rằng những người bị chứng bệnh ám ảnh sợ  là do tính cách nhút nhát, rụt rè nhưng thật ra là họ bị thiếu chất Serotonin ở não, thực tế này ghi nhận ở tất cả các bệnh nhân. Theo một số nghiên cứu, chúng ta có thể quan tâm đến ám ảnh nghiện tình dục, chứng cuồng dâm có thể bắt nguồn từ những rối loạn ở não, rối loạn nội tiết tố gặp ở người nữ ngoài 40 tuổi, thời kỳ của tiền mãn kinh. Vì thế cần phải đi khám, tìm nguyên nhân để chữa trị hoặc tăng khả năng kiềm chế, kiểm soát hành vi hơn”, BS. Quang nói.

Theo đó, thực tế chúng ta đang nói về điều trị ám ảnh sợ bằng các phương pháp ngoài thuốc để điều trị bệnh này tùy theo từng ám ảnh. Chúng ta áp dụng bằng cách điều trị liệu pháp tâm lý , hành vi và nhận thức, thư giãn, nhóm, gia đình...

Như chúng ta đã biết có hơn 300 loại ám ảnh tùy theo ám ảnh mà chúng ta có cách điều trị khác nhau, không nên né tránh các tình huống gây sợ càng làm cho sợ hãi tăng lên cần tiến hành một cách có hệ thống các bước đi đặc biệt để có thể tư vấn bệnh nhân vượt qua nỗi sợ hãi. Nên tư vấn cho bệnh nhân và gia đình, chẳng hạn như khuyến khích người bệnh thực hiện phương pháp thở có kiểm soát để giảm các triệu chứng ám ảnh sợ.

- Yêu cầu người bệnh liệt kê các tình huống làm cho họ sợ hãi và tránh né, mặc dù người khác không như vậy.

- Thảo luận cách đấu tranh các sợ hãi đã được cường điệu, chẳng hạn như: “Tôi có cảm giác sợ vật dơ, bẩn”, “Làm thế nào cho cảm giác qua đi trong vài phút?”.

- Nên đặt kế hoạch với các bước tiến hành để giúp người bệnh có thể đương đầu và làm quen với các tình huống gây sợ.

- Nên định ra các bước đầu tiên với các tình huống gây sợ nếu tình huống gây sợ vẫn còn gây lo âu thì cần tiến hành thở chậm rãi và thư giãn và luôn tự nhủ rằng sự sợ hãy sẽ qua đi trong 30 phút.

Điều cần thiết không nên rời khỏi tình huống gây sợ cho đến khi tình huống gây sợ lắng đi và các bước ban đầu này cần thực hiện mỗi ngày một lần cho đến khi người bệnh không còn sợ hãi nữa.

- Không nên uống rượu hay thuốc chống lo âu trong thời gian ít nhất 4 giờ trước khi thực hiện các bước này.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn