Mặc dù Việt Nam là một trong 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhưng đã đạt được các mục tiêu của WHO về triển khai DOTS thành công. Từ năm 1997, Việt Nam đã đạt chỉ tiêu của WHO về tỷ lệ phát hiện bệnh trên 70%, tỷ lệ điều trị khỏi trên 85% và duy trì tỷ lệ này ở mức phát hiện ước tính đạt 84% và điều trị thành công đạt 93% trong nhiều năm, đạt mức độ bao phủ 100% vào năm 2000. Việt Nam đã xây dựng và cam kết thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo với mục tiêu giảm tổn thất cho nhóm đối tượng này và công tác chống lao đã được đặt vào vị trí ưu tiên trong lộ trình phát triển.
Tăng cường các hoạt động mít tinh tuyên truyền phòng chống lao. Ảnh: TM
Về hệ thống phòng chống lao bao gồm 4 tuyến: Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã. Càng xuống tuyến cơ sở (tuyến huyện và xã), mạng lưới chống lao càng lồng ghép vào hệ thống y tế chung và các Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người dân có điều kiện tiếp cận với dịch vụ phòng chống bệnh lao có chất lượng cao. Tại các tuyến sẽ có sự phối hợp lồng ghép với hệ thống y tế tư, y tế công, các đối tác, tổ chức xã hội cùng tham gia phòng, chống bệnh lao.
Có thể nói, với những nỗ lực hoạt động của công tác phòng chống lao đã góp phần làm giảm tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam. Với các số liệu ước tính về xu hướng giảm khoảng 4,6%/ năm tỷ lệ hiện mắc lao, có thể thấy mục tiêu thiên niên kỷ “Năm 2015, tỷ lệ hiện mắc lao giảm 50% so với năm 2000” hoàn toàn có thể đạt được nếu chương trình phòng chống lao nhận được sự quan tâm đầu tư thỏa đáng.
Tuy nhiên hiện nay, công tác phòng chống lao cũng bộc lộ một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy đã đạt được các mục tiêu của WHO nhưng trước mắt, chương trình còn phải đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm diễn biến phức tạp của tình hình dịch tễ bệnh lao với ảnh hưởng mang tính đồng hành của đại dịch HIV/AIDS, bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB), những khó khăn về nguồn nhân lực trong mạng lưới chống lao, hệ thống y tế và đặc biệt là khả năng duy trì nguồn tài chính bền vững cho công tác chống lao trong những năm tiếp theo, khi Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình, nguồn kinh phí viện trợ quốc tế ngày càng giảm đi.
Bên cạnh đó là khó khăn về dịch tễ lao có diễn biến phức tạp: tỷ lệ phát hiện bệnh lao theo ước tính của WHO hiện tại mới đạt 56%, như vậy còn trên 40% số bệnh nhân lao chưa phát hiện là nguồn lây bệnh tiếp tục tồn tại trong cộng đồng. Đặc biệt, tại các khu vực đặc biệt, khép kín như trại giam, bệnh có thể lây lan nhanh chóng dẫn đến tỷ lệ mắc lao trong các trại giam cao hơn rất nhiều so với cộng đồng chung và tỷ lệ kháng đa thuốc cao gần gấp 2 lần. Khả năng cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao kháng thuốc hiện nay còn hạn chế, dự kiến tới năm 2015, khoảng 50% số tỉnh sẽ được triển khai hoạt động quản lý bệnh lao kháng đa thuốc, do vậy, chưa thể giảm ngay nguồn lây truyền bệnh lao kháng thuốc trong cộng đồng. Việc thiếu kinh phí mua thuốc chống lao dẫn đến hết thuốc năm 2014 cũng sẽ tác động mạnh tới hiệu quả kiểm soát tình hình dịch tễ bệnh lao và lao kháng thuốc.
Hồng Ánh