Ðiều này được thể hiện trên thực tế thời gian qua, các cơ sở y tế đã luôn nỗ lực ứng dụng các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, luôn tìm cách để làm sao người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đi khám chữa bệnh từ những điều đơn giản nhất… Cùng với đó, Tư lệnh ngành y - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã liên tiếp chủ trì các cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ngoài giờ, đi thị sát thực tế vào ngày nghỉ ở cả hai miền Nam - Bắc để kịp thời đưa ra các chỉ đạo cho công tác phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn “dịch ngoại xâm nhập, dịch nội bùng phát và lan rộng”…
Quyết liệt phòng chống dịch
“Tôi rất sốt ruột trước dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng tại Hà Nội” - đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi chủ trì các cuộc họp ngoài giờ (thường từ 5h30 thứ 5 hàng tuần) để lắng nghe những thực tiễn trong công tác phòng chống dịch bệnh, từ đó kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp. Cùng với đó, Bộ trưởng cũng trực tiếp đi thị sát công tác phòng chống dịch ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, những giải pháp phòng chống dịch quyết liệt đã được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu triển khai thực hiện, đó là việc các bệnh viện phải phân tuyến và lọc bệnh hợp lý, rõ ràng, không được để xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân, không để bệnh nhân phải nằm ghép, lây chéo bệnh bởi như thế sẽ gây ra hoang mang, lo sợ không đáng có cho người dân về dịch bệnh SXH. Tuy nhiên, Tư lệnh ngành y cũng không quên nhắc các cơ sở điều trị, chúng ta quyết liệt với dịch bệnh sốt xuất huyết cả trên phương diện điều trị và dự phòng, nhưng không thể lơ là các dịch bệnh khác, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm sẵn sàng lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như tay chân miệng, cúm…
Cán bộ y tế phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết . Ảnh: TM
Còn nhớ tại cuộc họp với ngành y tế Hà Nội mới đây, khi nghe báo cáo về việc Hà Nội đang thiếu máy phun hóa chất cỡ to để phun mù nóng, phun sương diệt muỗi, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã lập tức yêu cầu các đơn vị đầu mối của Bộ liên hệ với ngành y tế các tỉnh lân cận để sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội chống dịch. Ngay sau đó, 20 tỉnh, thành phố đã đồng loạt cho Hà Nội mượn máy phun hóa chất để diệt muỗi. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã cấp cho Hà Nội 30 máy phun ULV đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200 để phục vụ công tác phòng chống dịch SXH; cử các đoàn chuyên gia và sinh viên các Trường đại học Y Hà Nội, Y tế công cộng hỗ trợ ngành y tế Hà Nội tham gia chống dịch. Cùng với nỗ lực của ngành y tế, của các tổ diệt bọ gậy, của các đơn vị liên quan, khoảng 3 tuần gần đây, số ca bệnh SXH của Hà Nội đã chững lại…
“Chúng ta quyết liệt làm tất cả các giải pháp để làm sao hạ hỏa được dịch sốt xuất huyết và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu
Xác định y tế cơ sở là nền tảng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ, các chính sách y tế ưu tiên cho y tế cơ sở, đảm bảo cho tuyến y tế này hoạt động hiệu quả theo mô hình cung ứng dịch vụ đã được ngành y tế tích cực triển khai nhằm hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và chất lượng ngay tại nơi sinh sống.
Theo đó, nhiều dự án đầu tư cho y tế cơ sở đã được triển khai rộng khắp. Tại nhiều địa phương trên cả nước, các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện huyện… được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất như khoác trên mình tấm áo mới. Đó là trạm y tế của các tỉnh miền núi phía Bắc, của khu vực Tây Nguyên và ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã và đang hút người bệnh đến thăm khám nhiều hơn. Rồi đó là hình ảnh các bệnh viện tuyến quận, huyện đã và đang làm chủ các kỹ thuật cao của tuyến trên, giúp người dân được thăm khám, điều trị ngay tại địa phương mà không phải vất vả vượt tuyến, đồng thời cũng giúp cho các bệnh viện tuyến trên không bị quá tải.
Thêm vào đó, để y tế tuyến dưới được hỗ trợ về chuyên môn bền vững, cùng với các Đề án 1816, đề án Bệnh viện vệ tinh đang phát huy hiệu quả, Bộ Y tế đã triển khai Dự án 585 - đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên 62 huyện nghèo. Trước khi về công tác tại khu vực khó khăn, các bác sĩ này được đào tạo chuyên khoa cấp 1 (theo chương trình riêng, chú trọng đào tạo kiến thức lâm sàng); được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về làm việc tại các bệnh viện (nơi các bác sĩ đã được xét tuyển vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn).
TS. Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án 585 cho biết: Khảo sát thực trạng nguồn nhân lực, nhu cầu bác sĩ, nhu cầu đào tạo theo từng chuyên khoa kết hợp khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị, mô hình bệnh tật tại 62 huyện nghèo cho thấy còn thiếu khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa. Hiện dự án đang đào tạo 5 khóa bác sĩ chuyên khoa cấp 1 cho 78 bác sĩ thuộc 9 chuyên ngành tại Trường đại học Y Hà Nội. Đến nay đã khớp được cung cầu và tuyển dụng được 25 bác sĩ thành viên chức của 12 bệnh viên tuyến Trung ương trước khi đưa về công tác tại các huyện vùng khó khăn. Dự kiến từ nay tới năm 2020 sẽ đưa khoảng từ 300 - 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở địa phương còn khó khăn, qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội...
Viết nên kỳ tích...
Cùng với những nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh, liên tiếp trong thời gian gần đây, các cơ sở khám chữa bệnh trên mọi miền đất nước từ tuyến quận, huyện đến tuyến trên đã ghi nhiều dấu ấn trong điều trị thành công các ca bệnh khó, hiếm gặp. Đó là lần đầu tiên BVĐK tỉnh Thanh Hóa phẫu thuật bóc tách thành công khối u não lớn 12cm cho bệnh nhân đã 57 tuổi; rồi các bác sĩ BV Sản - Nhi Cà Mau bằng sự quyết đoán và nhanh trí xử lý tình huống đã kịp thời cứu sống 1 sản phụ bị ngưng tim đến 5 lần và nỗ lực của họ thật xứng đáng để nhận các tấm bằng khen, lời động viên từ lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau vào cuối tháng 8 vừa qua…
Cũng trung tuần tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên các thầy thuốc chuyên ngành vô sinh hiếm muộn ở nước ta đã viết nên kỳ tích khi “biến” người đàn ông 33 tuổi có tinh trùng bất động 100% được hạnh phúc với thiên chức làm cha. Chia sẻ với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có mặt tại hội trường của BV Bưu điện hôm đó, anh Trần Quốc Hảo (33 tuổi) và chị Vũ Hồng Nhung (25 tuổi) ở Ninh Bình đôi lúc nghẹn lại khi chia sẻ về hành trình hạnh phúc nhất đời mình - hành trình được làm cha mẹ của hai cô con gái xinh xắn. “Với nhiều người được làm bố ở tuổi 33 là chuyện bình thường nhưng với tôi đó là một kỳ tích”, người đàn ông nhỏ bé chia sẻ niềm hạnh phúc được làm cha của mình bằng câu nói khiến nhiều người có mặt tại hội trường rất tò mò. Anh Hảo kể, vợ chồng anh lập gia đình được 5 năm, 2 năm đầu không thấy có con, vợ anh Hảo lo lắng, nghĩ nguyên nhân do mình, chị uống đủ thứ thuốc Đông y, ai mách chỗ nào chị cũng đến khám, bốc thuốc uống. Nhưng mãi không có kết quả, đi khám bác sĩ kết luận chị bình thường. Đến khi cả hai vợ chồng đi khám cả hai mới biết lý do chị không có bầu là vì tinh trùng của anh Hảo bất động… 100%.
Hay mới đây, câu chuyện của hai vợ chồng đều ngồi xe lăn, chồng bị khiếm khuyết tinh trùng, từng thụ tinh thất bại nhưng cuối cùng hạnh phúc được làm cha mẹ cũng mỉm cười với họ bởi các thầy thuốc của BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội đã khiến cho bao cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, khuyết tật được tiếp thêm ngọn lửa hy vọng...
Phun thuốc diệt muỗi tại trường học. Ảnh: TM
Ðã có sự chuyển biến đáng ghi nhận về phong cách phục vụ người bệnh
Mới đây nhất, đoàn công tác của ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do đồng chí Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn đã làm việc tại Bộ Y tế về công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế cũng như ý kiến các thành viên của đoàn công tác về những nỗ lực của ngành y tế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã đánh giá cao việc ngành y tế tự kiểm tra, đánh giá chỉ số hài lòng của người dân về các hoạt động của ngành, trong đó có các dịch vụ công. Thực tế cho thấy, đến nay, Bộ Y tế đã hoàn thành việc đơn giản hóa 222/225 thủ tục hành chính,100% các thủ tục hành chính công đã được cung cấp ở mức độ 2, trong đó 34 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4... Bên cạnh đó, nhờ tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh nên chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh đã đạt mức trên 87%.
“Hiện chỉ số hài lòng của người dân về phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đã đạt 87% - vượt mức 80% mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 phải đạt được. Chỉ số hài lòng của người dân là kết quả đánh giá chỉ số cải cách thủ tục hành chính. Đây là kết quả đáng ghi nhận”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Khách quan nhìn nhận có thể thấy thời gian qua, người dân nói chung, người bệnh nói riêng đã thực sự cảm nhận được sự thay đổi về phong cách, thái độ phục vụ của ngành y tế tập trung hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Lần đầu tiên Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra độc lập khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại 29 BV đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam. Kết quả cho thấy một tỉ lệ lớn người bệnh đã cảm thấy hài lòng trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở này. Theo đó, trong tổng số 1.287 người bệnh trả lời phỏng vấn, có 89,9% hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Chỉ số này có tỉ lệ cao nhất tại tuyến tỉnh (92,3%), tiếp đến là tuyến Trung ương (87,9%) và thấp nhất là tại tuyến huyện (89,1%).
Thêm một minh chứng cho thay đổi này - đó là công bố mới đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016 cho thấy tỉ lệ người dân hài lòng hơn với dịch vụ y tế công lập cao hơn so với những năm khảo sát trước. Cụ thể, nhận thức của người dân về y tế công lập cải thiện rõ rệt do số lượng người có BHYT tăng từ 62% năm 2015 lên 73% năm 2016; chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em tăng mạnh, khi 32% người được khảo sát cho biết dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em dưới 6 tuổi ở mức “rất tốt”, cao hơn so với tỉ lệ 23% năm 2015.
“Điều này khẳng định những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế, đặc biệt là đánh giá của người dân về chất lượng ngành y tế, thái độ của viên chức ngành y tế đã được cải thiện qua từng năm, bởi cái khó nhất vẫn chính là sự hài lòng của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.