Kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam - 60 năm Y tế Việt Nam làm theo lời Bác, cùng với nhiều thành tựu của ngành y tế trong những năm qua, một nỗ lực đồng thời cũng là quyết tâm chính trị của toàn ngành y tế đã được triển khai bước đầu có hiệu quả đó là thực hiện Ðề án Giảm tải bệnh viện (BV). Xung quanh việc thực hiện cam kết giảm tải bệnh viện, phóng viên báo Sức khỏe&Ðời sống đã trao đổi với đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cũng như lãnh đạo các BV cam kết giảm tải.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên: Yên tâm vào các BV đã ký cam kết giảm tải
Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm xây dựng mạng lưới khám bệnh chữa bệnh, nhất là tuyến huyện. Đã có hơn 700 BV tuyến huyện được đầu tư mở rộng và có hơn 200 BV được đầu tư, có cả những BV được xây mới, giường bệnh tương đối khá.
Bộ Y tế cũng có nhiều chỉ đạo như thực hiện Đề án BV vệ tinh hoặc Đề án 1816, Đề án Bác sĩ gia đình... nhằm giảm tải. Tôi nghĩ, trong năm nay cơ bản các BV không có tình trạng nằm ghép, sẽ theo được đúng đề án mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Từ nay đến năm 2020 chúng ta cơ bản sẽ giải quyết quá tải BV, Bộ Y tế sẽ phối hợp tốt với các ngành và các địa phương thực hiện tốt.
Bộ Y tế rất tin tưởng các BV ký cam kết giảm tải. Trước đó, Bộ đã trực tiếp làm việc với ban giám đốc BV, quán triệt đây là sự tự nguyện của các BV và phải họp Ban Cán sự Đảng, đoàn thể và tất cả các khoa phòng, xét thấy BV có thể cam kết được không nằm ghép thì mới thực hiện. Chúng tôi thấy 16 BV thuộc Bộ Y tế cam kết đều đủ điều kiện thực hiện.
Bộ Y tế không ép đơn vị nào trong việc ký kết này. BV nào cố gắng đến đâu thì báo cáo để làm. Đây là làm cho người dân, cho chính mình. Khi bệnh nhân vào nằm một mình một giường, được đối xử tử tế thì uy tín BV sẽ tăng.
PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi TW: Tăng cường giám sát, không để vì cam kết giảm tải mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân
Để triển khai công tác giảm tải BV, ngay từ giữa năm 2014, BV Nhi TW đã đưa ra nhiều giải pháp, BV sàng lọc bệnh nhân ngay từ khu khám bệnh, tăng gấp đôi phòng khám tiếp nhận bệnh nhân, từ 30 - 35 phòng khám trước đó lên 55 - 60 phòng. Bên cạnh đó, BV cũng đã điều động các bác sĩ có kinh nghiệm trong khu vực nội trú ra khám, giảm thời gian làm thủ tục hành chính, thời gian chờ xét nghiệm của bệnh nhân, để mỗi bác sĩ có thời gian khám và tư vấn kỹ càng hơn, bệnh nhân được chẩn đoán tốt hơn. Hiện nay trung bình mỗi bác sĩ của BV khám khoảng 60 bệnh nhi/ngày thay vì 100 cháu/ngày như trước.
Qua thăm khám, những trường hợp nặng thì được nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ sẽ được cho điều trị ngoại trú hoặc chuyển về tuyến dưới. BV cũng bố trí một khu lưu trú trong ngày để theo dõi những bệnh nhân trong 4 - 5 tiếng để chờ kết quả xét nghiệm. Khi nắm rõ tình hình bệnh, bác sĩ sẽ cho nhập viện hoặc điều trị ngoại trú để giảm tải BV.
Giải pháp thứ hai là tăng cường các phương tiện cận lâm sàng để tăng khả năng chẩn đoán, điều trị tối ưu tại các khoa, giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhi. Đồng thời, BV giao trách nhiệm trưởng, phó khoa đánh giá rõ ràng từ xét nghiệm đến khám bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị tối ưu để nhanh chóng điều trị khỏi sớm, ra viện sớm. Nếu như trước đây, thời gian điều trị trung bình của mỗi bệnh nhi là hơn 7 ngày thì nay đã giảm xuống là 6,8 ngày/đợt điều trị.
Đề án Giảm tải bệnh viện đã được triển khai có hiệu quả tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Trần Minh
Giải pháp tiếp theo là tăng cường hội chẩn, trao đổi với các bệnh viện chuyên khoa để thực hiện việc chuyển viện phù hợp trên nguyên tắc giải thích rõ ràng với gia đình bệnh nhân.
Đặc biệt, BV đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh tật trên website của bệnh viện. Mỗi ngày đều có 1 - 2 bài hướng dẫn cách phòng và điều trị các bệnh đơn giản để giúp người bệnh nâng cao ý thức phòng và điều trị bệnh.
Do kết hợp đồng bộ các giải pháp này, nên 4 tháng nay BV Nhi TW đã không còn tình trạng nằm ghép.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát các khoa, phòng, không để vì cam kết giảm tải mà đẩy bệnh nhân đáng lẽ được điều trị nội trú ra điều trị ngoại trú. Bởi tất cả mục đích của việc giảm tải BV cũng là để phục vụ bệnh nhân, vì bệnh nhân.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Ðức: Giảm tải vì người dân và vì uy tín của chính BV
Với BV Việt Đức, chuyện giảm tải, không nằm ghép chúng tôi đã làm từ lâu rồi. Từ hơn 10 năm nay (những năm 2003 - 2004) chúng tôi cũng có hiện tượng nằm ghép 2 - 3 bệnh nhân là thường.
Ngay từ năm 2004, BV Việt Đức chỉ có 430 giường bệnh nhưng mỗi năm mổ 16.000 ca, tình trạng nằm ghép 2 - 3 người/giường là phổ biến. Vấn đề nằm ghép khi đó cũng vô cùng bức xúc ở BV Việt Đức, bởi người vừa mổ lại phải nằm ghép quả là một cực hình. Vì thế, Chính phủ và Bộ Y tế đã rất quan tâm đến vấn đề này, nên Dự án BV vệ tinh đã ra đời, để BV Việt Đức huấn luyện cho các BV vệ tinh có các thầy thuốc giỏi, hạn chế bệnh nhân phải chuyển về BV Việt Đức, đồng thời, Bộ Y tế đầu tư xây dựng khu nhà 6 tầng cho BV Việt Đức. Từ khi ấy, chúng tôi đã quyết liệt thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Y tế, tăng thêm giường và tăng giờ làm việc, các bác sĩ làm cả ngày thứ bảy và chủ nhật, không để bệnh nhân nằm chờ mổ kéo dài. Thông thường, mổ phải có qui trình xét nghiệm, nhưng với bệnh nhân cấp cứu thì được mổ ngay. Chúng tôi cũng áp dụng công nghệ cao và phân loại bệnh nhân chặt chẽ. Những bệnh nhân nặng, đáng điều trị ở Việt Đức mới để, còn thì cho về BV tuyến dưới. BV Việt Đức không mổ các ca ruột thừa thông thường, mà chỉ mổ các ca ruột thừa khó, hay chửa ngoài tử cung, mổ lại của các nơi mổ không thành công...
Việc phân loại bệnh nhân giúp giảm tải rất nhiều. Dĩ nhiên, để làm được điều này, từ nhiều năm trước, chúng tôi đã tăng cường huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống BV vệ tinh ở Lào Cai, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thái Bình... Thực hiện tốt Đề án 1816 và tăng cường trao đổi kinh nghiệm với tuyến dưới là biện pháp chúng tôi chống quá tải từ xa cho BV Việt Đức.
Chúng tôi xác định, giảm tải vì người dân và vì uy tín của chính BV.
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW: Không để bệnh nhân nằm ghép sau 24 giờ nhập viện
Để triển khai việc không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép, BV đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân. Theo đó, lãnh đạo khoa cam kết với Giám đốc BV về việc không để bệnh nhân nằm ghép sau 24 giờ kể từ khi nhập viện; tăng số giường bệnh tại các khoa, phòng; thực hiện chế độ báo cáo tình hình bệnh nhân hàng ngày.
Đặc biệt, việc BV đã đạt Chứng chỉ công nhận hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 15189:2007 và ISO 900:2000 về lĩnh vực cấp cứu, điều trị tích cực và xét nghiệm đã góp phần không nhỏ giúp bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh, giảm thời gian nằm viện, giải phóng nhanh số lượng bệnh nhân... Bên cạnh đó, BV cũng tăng cường thực hiện công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến dưới; phát triển BV vệ tinh. Một trong những khó khăn nhất khi thực hiện cam kết không nằm ghép giường bệnh là số giường bệnh của BV ít trong khi nhu cầu bệnh nhân cao. Vì thế, từ tháng 9/2014, BV Bệnh Nhiệt đới TW bắt đầu đưa vào sử dụng cơ sở 2 tại xã Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội), do vậy đến nay BV có điều kiện thực hiện kế hoạch có thể tăng số giường bệnh từ 245 giường đến 300 giường, thậm chí lên đến 500 giường trong vài năm nữa.
Một thuận lợi nữa để BV có thể thực hiện giảm ghép giường bệnh là từ năm 2012, BV đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh biên giới phía Bắc có thể phát hiện, xử trí ngăn chặn ngay từ ban đầu đối với các loại dịch bệnh... Tuy nhiên theo tôi, mặc dù BV có cơ sở “chân rết” theo Đề án 1816 nhưng vẫn rất cần sự phối hợp đồng bộ của cơ quan bảo hiểm xã hội đảm bảo danh mục thuốc và dịch vụ được thanh toán theo đúng quy định để bệnh nhân được đảm bảo quyền lợi.
Nguyễn Hoàng
(thực hiện)