Những nỗ lực đổi thay vì người bệnh

27-02-2018 07:19 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hầu hết các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương đã có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ sở vật chất, trang thiết bị…, được người dân ghi nhận và đánh giá cao.

Không gian nhiều cây xanh, nơi chờ khám được ví như phòng chờ sân bay có điều hòa, tivi…, điều đó cho thấy nỗ lực cải cách của ngành y tế đã được hiện thực hóa.

Nơi chờ khám như sân bay

Nói bệnh viện là bộ mặt của ngành y tế thì nơi chờ khám là bộ mặt của bệnh viện. Có một thời, khoa khám bệnh và nơi chờ khám của các bệnh viện không được quan tâm đúng mức. Thiếu ghế ngồi, không gian chật hẹp, không quạt điện… làm người dân khi đến bệnh viện vô cùng nhức nhối. Thấy được điều đó, lãnh đạo Bộ Y tế, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều chỉ đạo sát sao, trực tiếp, yêu cầu giám đốc các bệnh viện phải giải quyết, cải tạo cơ sở vật chất của khoa khám bệnh, đưa vào quy định kiểm tra bệnh viện hàng năm. Nhờ sự chỉ đạo này, đến nay khoa khám bệnh của các bệnh viện đã thay đổi nhanh chóng, ghế inox sáng bóng, có tivi, quạt điện… nhiều lãnh đạo bệnh viện còn mạnh tay trang bị hệ thống điều hòa, không thua kém với phòng chờ ở sân bay.

Cây xanh được chăm sóc thường xuyên tại BV PHCN Nghệ An.

Cây xanh được chăm sóc thường xuyên tại BV PHCN Nghệ An.

Hội đồng chấm điểm các bệnh viện của Bộ Y tế sau khi chấm điểm các bệnh viện trong năm 2017 theo 83 tiêu chí cho thấy: về chất lượng, dịch vụ, cơ sở hạ tầng và các tiêu chí về sự hài lòng, xanh - sạch - đẹp. Kết quả chung cho thấy, hơn 80% người bệnh hài lòng về chất lượng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng của bệnh viện.

Một trong những dấu ấn đậm nét nhất đối với các bệnh viện địa phương là mô hình bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Hưởng ứng xây dựng mô hình này, hệ thống y tế từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh đã có sự “lột xác” hoàn toàn. Nếu như trước đây vấn đề  này hầu như bị bỏ ngỏ thì nay những tín hiệu vui đã và đang bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An là bệnh viện chuyên ngành hẹp nhưng nỗ lực của ThS. Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An trong việc cải tạo cảnh quan, môi trường bệnh viện tạo sự thân thiện, gần gũi cho người bệnh là điều đáng ghi nhân. Qua đợt kiểm tra bệnh viện cuối năm, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An được đánh giá là bệnh viện xuất sắc của tỉnh Nghệ An. ThS. Thái Thị Xuân cho rằng, để người bệnh đến điều trị tại bệnh viện được thoải mái về tinh thần đã là cơ hội để người bệnh nhanh chóng được khỏi bệnh. Vì vậy, bằng nỗ lực của lãnh đạo bệnh viện, chúng tôi dành kinh phí đáng kể mua thêm cây xanh trang bị ở khoa phòng, cải tạo nơi tiếp đón, chờ khám, sân vườn được trang trí như công viên để người bệnh cũng như người nhà không còn cảm giác khi đến bệnh viện.

Đến BVĐK tỉnh Hà Tĩnh hôm nay không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi rõ rệt về bộ mặt của bệnh viện. TTND, BSCKII. Nguyễn Viết Đồng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh cho biết, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp - an toàn là nỗ lực của tập thể bệnh viện cùng sự giúp sức của người bệnh và người nhà đã làm thay đổi hình ảnh cơ sở y tế của chúng tôi. Chúng tôi đã trồng bổ sung cây xanh, vườn hoa, cây cảnh. Thảm cỏ xanh của bệnh viện được chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên, không có cây dại mọc trong khuôn viên bệnh viện. Đến nay, chúng tôi tự hào đảm bảo phủ xanh cây bóng mát thuộc khuôn viên bệnh viện. Khuôn viên, các khoa/phòng, buồng bệnh, nhà vệ sinh, đường đi luôn sạch sẽ. Có đầy đủ nước ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh; cung cấp vật dụng cá nhân sạch sẽ, tốt cho người bệnh; có đủ nhà vệ sinh, bồn rửa tay và xà phòng, dung dịch rửa tay, giấy vệ sinh cho người bệnh, người nhà người bệnh và cán bộ y tế rửa tay có phòng vệ sinh cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Bệnh viện phối hợp tốt với cơ quan công an trên địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra trộm cắp tài sản và các vụ việc mất an ninh trật tự; thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy. BVĐK tỉnh Hà Tĩnh là một trong 6 bệnh viện đạt điểm cao cả nước trong hoạt động đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2017.

Trước năm 2012, nhiều bệnh viện chỉ có ghế đá, ghế nhựa và nhiều lúc cũng không đủ chỗ ngồi cho bệnh nhân. Thì nay, không chỉ các bệnh viện tuyến Trung ương, mà bệnh viện tuyến huyện cũng thay đổi hẳn, phòng ốc khang trang, bộ mặt khoa khám bệnh thay đổi, ghế ngồi chờ như sân bay, khám bệnh thì lấy số điện tử, có nhiều bệnh viện đẹp như công viên. Giường bệnh những năm trước là trải chiếu, chỉ có quạt, không có máy lạnh, tủ đầu giường hoen gỉ thì nay đã thay đệm, điều hòa, giường bệnh đạt chuẩn.

Bệnh nhân vào viện thay vì tự mò mẫm tìm nơi khám, nay có bàn tiếp đón. Thành quả này đã đem lại niềm tin nơi người bệnh vào các cơ sở y tế.

Ca mổ tim hở tại BV quận Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh.

Ca mổ tim hở tại BV quận Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh.

Phát triển nhanh về chất lượng điều trị

Nếu chỉ dừng lại ở xanh - sạch - đẹp và không có sự đột phá về chất lượng điều trị tại các bệnh viện địa phương thì người bệnh đổ xô về các thành phố lớn, gây quá tải và tốn kém cho người dân. Xác định được điều này, song song với xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp - an toàn, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đã có nhiều bước nhảy vọt về chất lượng khám chữa bệnh.

Một trong những bệnh viện để lại dấu ấn nổi bật nhất là BV quận Thủ Đức TP. HCM khi trở thành một bệnh viện tuyến quận đầu tiên của cả nước mổ tim hở thành công. Theo đó, chị P.T.Đ (23 tuổi) bị phát hiện thông liên nhĩ và đã đến BV quận Thủ Đức khám, tại đây các bác sĩ đã chỉ định chị phải mổ tim. Ca mổ được thực hiện bởi ê kíp phẫu thuật viên, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên gây mê, bác sĩ, điều dưỡng tuần hoàn ngoài cơ thể của cả Viện Tim và BV quận Thủ Đức TP. HCM và ca mổ đã thành công.

Theo BS. Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị từ lâu cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhất là đào tạo nguồn nhân lực kéo dài hơn 4 năm của bệnh viện. Được biết, sau khi được Sở Y tế TP. HCM đồng ý chủ trương triển khai kỹ thuật mổ tim hở tại BV quận Thủ Đức, bác sĩ, điều dưỡng với sự trợ giúp, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia của Viện Tim. Thành công này mở ra một bước tiến mới cho sự phát triển Trung tâm Tim mạch của BV quận Thủ Đức và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mở ra một bước tiến mới cho sự phát triển Trung tâm Tim mạch BV và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Cũng tương tự, BVĐK Mộc Châu đã ghi danh thêm vào danh sách những bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện thành công phẫu thuật thần kinh sọ não mở, cứu sống được nhiều ca bệnh nặng. BS. Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BVĐK Mộc Châu cho biết, nếu cách đây 3 năm, các bác sĩ nơi đây cũng không dám “mơ” thực hiện được những kỹ thuật này. Tuy nhiên, trước nhu cầu của xã hội, đặc biệt với bà con dân tộc miền núi đến đi lại, giao tiếp đã sợ, thậm chí, nhiều bệnh nhân được giới thiệu chuyển tuyến nhưng vì tâm lý e ngại hoặc điều kiện kinh tế eo hẹp đã bỏ về không chữa trị… Ngoài ra, với nhiều ca bệnh như chấn thương sọ não, khi từng giây từng phút là vàng thì việc chuyển tuyến bệnh nhân với 4 giờ xuôi về Hà Nội hay 2 giờ ngược lên Sơn La là đánh mất đi cơ hội sống của bệnh nhân đã thôi thúc bệnh viện phải thực hiện.

Ở hầu hết các bệnh viện trên cả nước nhiều kỹ thuật tương đương tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đã được các bệnh viện cập nhật, triển khai đồng bộ như: phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo, nối bàn tay chân đứt rời do tai nạn lao động, hoặc về nội khoa trong các lĩnh vực hồi sức tích cực, chăm sóc nhi khoa, phẫu thuật nội soi ổ bụng… được các bệnh viện thực hiện thành thạo.

Trước năm 2012, các ca mổ nội soi, thụ tinh nhân tạo, mổ sọ não, chấn thương chỉnh hình hầu hết phải chuyển lên tuyến Trung ương nhưng đến nay, bệnh viện tuyến tỉnh đã ghép được thận, đã thực hiện thụ tinh tạo…

Một nền y tế cơ sở phát triển gần dân và vì dân đã và đang ngày càng hiện hữu rõ nét đó là những tín hiệu vui báo hiệu một mùa xuân khởi sắc.

Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2015-2017 đã giúp giảm quá tải khu vực ngoại trú: Quy trình khám bệnh giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm cho xã hội. Công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương giảm, tăng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện.


Nguyễn Anh
Ý kiến của bạn