Mặc dù số phát hiện nhiễm mới HIV của tỉnh Thái Nguyên có giảm, song vẫn là tỉnh đứng 4/10 tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất toàn quốc trên 100 ngàn dân. Lây nhiễm HIV ở đây vẫn chủ yếu tập trung trong nhóm tiêm chích ma túy...
Đẩy mạnh dự phòng...
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Thái Nguyên vào tháng 7/1996, đến 31/8/2013, lũy tích số nhiễm HIV của tỉnh được phát hiện, được báo cáo là 9.045 người. Mặc dù số phát hiện nhiễm mới trong 9 tháng đầu năm 2013 (là 268 trường hợp) đã giảm 12,58% so với cùng kỳ năm trước (307 trường hợp) nhưng Thái Nguyên vẫn là tỉnh xếp thứ 4/10 tỉnh trong toàn quốc có số phát hiện nhiễm HIV/AIDS và tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao (nhận định của Bộ Y tế đến 31/12/2012).
Nhân viên tiếp cận cộng đồng đi thu gom bơm kim tiêm bẩn.
Bà Lê Ái Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, số người nhiễm HIV mới vẫn tiếp tục được phát hiện và trong vòng 2-3 năm gần đây có giảm đi. Ví dụ, trước đây trung bình mỗi năm có thể phát hiện 100-1.500 người nhiễm HIV mới thì năm 2012 chỉ phát hiện trên 600 người và 9 tháng đầu năm 2013 mới dừng lại ở khoảng gần 300 người. Đặc điểm lớn nhất ở Thái Nguyên là người nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở nhóm tiêm chích ma túy, chiếm tới 59,73%. Nhưng thời gian gần đây dịch HIV có xu hướng chuyển từ nam sang nữ rất rõ ràng. Nữ nhiễm HIV được phát hiện luôn tăng trong các năm gần đây.
Để ứng phó với dịch HIV/AIDS, trong thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Nói về những thuận lợi, bà Lê Ái Kim Anh đánh giá cao sự ủng hộ và tham gia tích cực của các ban/ngành/đoàn thể, các tổ chức xã hội đặc biệt là sự nhiệt tình tham gia của người nhiễm HIV vào các hoạt động này... Nhận thức người dân về HIV/AIDS được nâng cao, giảm bớt sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, đặc biệt là có sự thay đổi thái độ và hành vi của mọi người trong cộng đồng về HIV/AIDS.
Các hoạt động can thiệp giảm tác hại như trao đổi bơm kim tiêm, phát bao cao su được triển khai tới nhóm đối tượng đích thu hút được sự vào cuộc tích cực của các giáo dục viên đồng đẳng, nhân viên tiếp cận cộng đồng... Đây là những “sứ giả” truyền thông có hiệu quả cung cấp kiến thức, kỹ năng tiêm chích an toàn, tình dục an toàn tới nhóm người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm... giúp cho tỷ lệ thực hành các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV ở nhóm người này tăng lên, làm giảm số người nhiễm mới HIV.
Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được triển khai từ tháng 9/2011 với 6 cơ sở điều trị ở 5 huyện/thành. Hiện toàn tỉnh đang có 1.468 bệnh nhân được điều trị, đáp ứng được một phần nhu cầu của cộng đồng.
Ngoài triển khai các biện pháp dự phòng, tỉnh chú trọng triển khai chương trình chăm sóc điều trị. Tính đến tháng 9/2013, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị thuốc kháng virut là 3.947. Trong năm 2013, tỉnh mở mới 3 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virut tại 3 huyện: Võ Nhai, Định Hoá và Sông Công, 26 điểm cấp phát thuốc kháng virut HIV tại tuyến xã/phường (dự kiến triển khai trong quý 4)... Các hoạt động dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cũng được chú trọng, giảm đáng kể trẻ em sinh ra từ những bà mẹ nhiễm HIV không bị HIV.
Và ứng phó trong thời gian tới
Bên cạnh những nỗ lực trên, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian tới. Bà Lê Ái Kim Anh cho biết, khó khăn đầu tiên phải nói đến là nhân lực. Hầu hết tất cả các cán bộ tham gia chương trình phòng, chống HIV/AIDS, trừ các cán bộ chuyên trách của trung tâm, còn tất cả các lĩnh vực còn lại từ dự phòng đến chăm sóc, điều trị cũng như can thiệp giảm tác hại hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm. Vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt kỳ thị của cộng đồng với người nhiễm HIV/AIDS là rào cản để họ tiếp cận với các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS,... vì thế vẫn rất cần nhiều thời gian và nguồn lực để làm công tác truyền thông nâng cao nhận thức và triển khai mạnh mẽ các hoạt động dự phòng lây nhiễm, can thiệp giảm tác hại và chăm sóc điều trị... Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS (cả quốc tế và trong nước) thì ngày một giảm. Bà Lê Ái Kim Anh cho biết thêm, hầu hết từ trước tới nay có khoảng 60-80% nguồn lực của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Thái Nguyên là do các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Với sự sụt giảm mạnh các nguồn lực này thì việc duy trì được những kết quả, thành tựu thời gian vừa qua trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS là rất khó khăn.
Để ứng phó với dịch HIV/AIDS trong thời gian tới, bà Lê Ái Kim Anh cho biết, một mặt Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS sẽ xây dựng kế hoạch đề xuất với địa phương, có thể chủ động tăng ngân sách cho công tác này. Bởi cho tới thời điểm hiện nay những thành quả trong phòng chống HIV/AIDS và khống chế dịch mà chúng ta phải nỗ lực trong suốt 10 năm qua mới đạt được là rất đáng khích lệ. Nếu vì không có nguồn lực mà dừng lại đột ngột thì việc bùng phát dịch rất dễ xảy ra. Hơn nữa, cần tiến tới công tác xã hội hóa trong phòng, chống HIV/AIDS như xã hội hóa trong công tác xét nghiệm, điều trị và một số lĩnh vực khác... Nếu làm được như vậy thì chương trình mới bền vững.
Thu Hương