9 nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng
Nghị định 47 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nêu rõ từ ngày 1/7/2017 mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng (thay cho mức cũ là 1.210.000 đồng/tháng).
Nghị định trên quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Người hưởng lương, phụ cấp nêu trên gồm:
1 - Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
2 - Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
3 - Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010.
4 - Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, gồm:
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
5 - Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
6 - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
7 - Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
8 - Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
9 - Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Tăng tiền lưu trú công tác của cán bộ công chức
Từ ngày 1/7, Thông tư 40/2017/TT-BTC do Bộ Tài Chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực. Theo đó, cán bộ công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác hoặc làm nhiệm vụ trên biển, đảo được hưởng phụ cấp lưu trú 250.000 đồng/người/ngày (áp dụng cho cả những ngày đi, về và làm việc trên biển, đảo).
Lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên có mức khoán 1.000.000 đồng/ngày/người; không phân biệt nơi đến công tác.
Lương, phụ cấp trong quân đội
Thông tư 145/2017/TT-BQP hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 31/7.
Thông tư ban hành kèm theo là danh mục bảng lương, nâng lương và phụ cấp áp dụng từ ngày 1/7. Với cấp bậc quân hàm sĩ quan Đại tướng sẽ có hệ số 10,40 với mức lương thực là 13.520.000 đồng. Cấp bậc quân hàm sĩ quan cấp Đại tá, cấp hàm bậc 8, hệ số 8,00 sẽ có mức lương là 10.400.000 đồng.
Thông tư cũng, hướng dẫn thực hiện cách tính lương, phụ cấp, trợ cấp theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng.
Thủ tục hải quan đối với hàng xuất nhập khẩu bị lưu giữ
Nghị định 169 về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị lưu giữ do người nhận hàng không đến nhận, hoặc từ chối nhận hàng, thì người vận chuyển được mang bán đấu giá nhưng phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa theo quy định.
Hướng dẫn điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
Từ ngày 3/7, Thông tư 53 hướng dẫn Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vụ mua bán nợ có hiệu lực. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vụ mua bán nợ cần lưu ý một số điều kiện như: khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được ban hành bởi cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quy định tại điều lệ.
Vốn điều lệ/vốn đầu tư thực góp hạch toán trên bảng cân đối kế toán phải lớn hơn hoặc bằng mức vốn tối thiểu quy định tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ...
Quang Phong