Những nhận định sai lầm về vitamin và đường

03-05-2017 09:42 | Dược
google news

SKĐS - Có một số chất mà trong cơ thể không thể thiếu, do vậy thường có những sự lạm dụng dẫn đến thừa chất. Hoặc cũng có nhưng thông tin về tác hại của một chất nào đó (như đường) dẫn đến sự bài trừ nên cơ thể cũng sẽ bị thiếu đường.

Sự thừa hay thiếu vi chất đều dẫn đến nhưng tác hại đối với sức khỏe con người. Do đó chỉ nên dùng đủ chứ không nên thừa hoặc thiếu.

Quan niệm sai lầm về vitamin

Các vitamin là những vi chất cần thiết của cơ thể. Tuy nhiên, vitamin không phải giúp cơ thể khỏe mạnh mà nó chỉ giúp điều chỉnh các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Do vậy, cần bổ sung khi cơ thể thiếu vitamin, bởi nếu bạn thừa vitamin, chúng sẽ làm hại cơ thể.

Thừa vitamin cũng gây hại cho sức khỏe

Cụ thể, khi thiếu vitamin A gây ra các bệnh về mắt; thiếu vitamin C khiến làn da khô, sạm; thiếu hụt vitamin D tác động đến quá trình tạo xương và hấp thu canxi. Trong khi đó, thiếu vitamin nhóm B làm giảm quá trình tạo năng lượng và sản sinh tế bào máu, thiếu vitamin E gây khô da, rụng tóc, lão hóa nhanh…

Khi thừa vitamin thì cơ thể cũng có những phản ứng có hại. Chẳng hạn, thừa vitamin A có thể gây ngộ độc với các triệu chứng: mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sút cân, nôn, rối loạn tiêu hóa, sốt, gan - lách to, da bị biến đổi, rụng tóc, tóc khô ròn, môi nứt nẻ và chảy máu, thiếu máu, nhức đầu, calci huyết cao, phù nề dưới da, đau ở xương và khớp. Vitamin A cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho mẹ ngay trước thời kỳ mang thai và đặc biệt không nên dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Khi thừa vitamin D liều cao hoặc kéo dài thì trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, làm tăng canxi máu; ở trẻ dưới 1 tuổi có thể gây kích thích, co giật, xương hóa sụn sớm. Với người lớn, liều cao có thể gây chán ăn, nôn, tiêu chảy, rối loạn tâm thần, thậm chí có thể tử vong.

Sử dụng liều cao vitamin C (hơn 1g/ngày) theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy, sỏi thận khi dùng dài ngày. Nếu lạm dụng qua đường tiêm sẽ gây toan huyết hoặc có thể gây tan máu, mất ngủ, kích động, sỏi thận, giảm tiết insulin, giảm thời gian đông máu... Biểu hiện dài ngày có thể bị viêm loét dạ dày, tiêu chảy và đau bụng, ngoài ra còn có thể đọng oxalate, urat dễ gây sỏi thận. Nếu dùng đường tiêm liều cao có thể gây tán huyết làm giảm thời gian đông máu. Nếu dùng quá liều vitamin E (dùng liều cao trên 300UI/ngày) gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu, rối loạn thị giác, ức chế chức năng sinh dục, gây tổn thương thận nếu dùng liều cao hơn nữa sẽ ức chế sinh dục, tổn thương chức năng thận. Vitamin nhóm B ít khi thấy thừa trong cơ thể, một phần vì cơ thể không tự tổng hợp được, phải dựa vào nguồn thực phẩm, mặt khác, vì chúng rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ cao và điều kiện bảo quản không tốt.

Tuy nhiên, khi lạm dụng vitamin B dưới dạng thuốc, tiêm hoặc truyền cũng sẽ gây nên những phản ứng không mong muốn. Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin. Biểu hiện là các rối loạn viêm da, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi, chảy máu và những triệu chứng khác. Thừa vitamin B12 có thể gây hoạt hóa hệ đông máu làm tăng đông, gây tắc mạch.

Những quan niệm sai lầm về đường

Đường là một trong 4 nhóm chất quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, khi tỉ lệ thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, bệnh đái tháo đường… ngày càng gia tăng thì đường có vẻ như là một “tội đồ” dẫn đến các bệnh này, do đó đường đã bị một số người “bài trừ” tuyệt đối. Nhưng sự thật là cả khi thừa và thiếu đường thì đều không có lợi cho sức khỏe. Nếu ăn quá ít đường, bạn sẽ hấp thụ đủ lượng carbohydrate mỗi ngày cho sự hoạt động của cơ thể; thức ăn không được chuyển hóa…

Đường nâu tốt hơn đường trắng: Người ta vẫn nhận định rằng đường nâu lành mạnh hơn đường trắng. Song thực tế, đường trắng và nâu đều có công dụng giống nhau và hàm lượng dinh dưỡng giữa 2 loại này về cơ bản giống nhau. Cả đường nâu lẫn đường trắng đều có hàm lượng calorie như nhau. Mỗi thìa đường đều chứa khoảng 17 calorie, tức là chưa đầy 1% hàm lượng calorie một người cần tiêu thụ hàng ngày (2.000 calorie).  Cả đường nâu lẫn đường trắng đều không có chất béo. Tuy nhiên, đường có thể kết hợp với những nguyên liệu khác chứa chất béo, làm thành món ăn không tốt cho sức khỏe. Sự khác biệt duy nhất giữa hai loại đường nâu và đường trắng là đường nâu chứa mật đường. Do đó, không thể nói đường nâu tốt hơn đường trắng.

Đường nây và đường trắng có công dụng như nhau

Đường làm trẻ hiếu động: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh đường không phải là thủ phạm khiến trẻ hiếu động thái quá. Đường cung cấp calo nghĩa là năng lượng. Vì vậy, một số trẻ em ăn nhiều đồ ngọt, chúng vận động chỉ là cách để giải tỏa năng lượng. Các chuyên gia chăm sóc trẻ em chỉ khuyên không nên ăn quá nhiều đường hay đồ ngọt vì dễ sâu răng... chứ chưa hề khuyên hạn chế cho trẻ ăn đường để ngừa bệnh hiếu động thái quá.

Đường gây nghiện: Trước đây, một thí nghiệm trên chuột cho thấy chúng bị nghiện đường và không thể sống nếu thiếu đường khi các nhà khoa học cho chúng ăn một lượng lớn đường vòng vài ngày. Tuy nhiên, khi thí nghiệm được lặp lại với con người, kết quả tương tự không xảy ra. Do vậy, không thể kết luận là đường có khả năng gây nghiện.


Bùi Sỹ Thành
Ý kiến của bạn