Gần đây, vấn đề này ngày càng được chú trọng, nhiều bệnh viện đã cho tiến hành việc cải tạo, sửa chữa và nâng cấp khu nhà vệ sinh lên mức tiện ích.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành nâng cấp, sửa chữa nhiều nhà vệ sinh sạch sẽ, khang trang để đạt chuẩn theo yêu cầu Bộ Y tế.
Dù là bệnh viện công, lại là tuyến quận, huyện nhưng BV Q. Gò Vấp (TP.HCM) được ví như “khách sạn” bởi sự thông thoáng, sạch sẽ, tươm tất ở mọi bộ phận, đặc biệt là nhà vệ sinh. Bệnh viện có 1 trệt 2 lầu nhưng có đến 12 nhà vệ sinh dành cho người bệnh (chưa kể nhà vệ sinh ở khoa, phòng) đủ đối tượng nam, nữ, nhi và người khuyết tật.
Tại BV Q.Gò Vấp, nhân viên vệ sinh có mặt lau dọn thường xuyên nên việc nhà vệ sinh dơ bẩn hầu như không có.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu nhà vệ sinh chốc chốc người bệnh bước ra lại có nhân viên vệ sinh vào lau dọn nên nền nhà vệ sinh luôn bóng sạch. Không chỉ rộng, sạch sẽ, có gương lớn và có kệ để các loại xà bông rửa tay, tại một số bồn rửa mặt bệnh viện còn thiết kế các chậu cây cảnh xinh xắn khiến không gian bệnh viện như… ở nhà. Đây là điều ít thấy ở các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện công vốn ngột ngạt vì quá tải.
Theo chia sẻ của BS. Phạm Hữu Quốc - Giám đốc BV Q. Gò Vấp: Tiêu chí của bệnh viện là không có mùi khai, hôi và các chất thải của bệnh nhân. Từ khi chúng tôi thiết kế hệ thống nhà vệ sinh này, bệnh nhân tỏ ra rất hài lòng, chưa có bệnh nhân nào than vãn về tình trạng nhà vệ sinh bẩn hay bốc mùi cả. Đồng thời, BS. Quốc cũng cho biết: Hiện tại bệnh viện đang hợp đồng với một công ty vệ sinh. Mỗi tháng bệnh viện phải trả chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài việc hợp đồng với công ty, bệnh viện cũng luôn có một bộ phận công tác xã hội để giám sát nghiêm công tác vệ sinh.
Nhà vệ sinh có trang bị dép để các bà bầu không bị ướt chân, cũng không sợ trơn trượt.
Tương tự BV Q. Gò Vấp, gần đây khu vệ sinh BV Phụ sản Hà Nội cũng được nhiều bà bầu hài lòng ở mức tiện ích, khang trang, sạch sẽ, sự phục vụ chu đáo, dịch vụ tốt,… Một bà bầu (quê Phú Xuyên, Hà Nội), mang thai 39 tuần đang chờ đẻ tại BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ: Mỗi ngày tôi phải đi vệ sinh rất nhiều lần. Thế nhưng may mắn vì bệnh viện có nhà vệ sinh sạch sẽ, mà cũng khá tiện khi chúng tôi không phải vác bụng bầu đi mấy tầng nhà chỉ để đi tiểu. Với những bà bầu như chúng tôi, nhà vệ sinh không ẩm ướt, không hôi, có nước xả và nước rửa tay là mừng lắm rồi. Nhưng ở bệnh viện này, họ thêm cả dép để chúng tôi thay, vừa đỡ bẩn mà cũng không sợ trơn trượt.
Các chậu cây cảnh xinh xắn khiến không gian khu vệ sinh bệnh viện Q.Gò Vấp tiện nghi như... “khách sạn”.
Có thể coi đó là tín hiệu đáng mừng của hệ thống ngành y khi các bệnh viện đã nhận được mức độ hài lòng của người bệnh về nhà vệ sinh bệnh viện. Vì mới đây, trong một cuộc khảo sát chỉ số hài lòng người bệnh do Bộ Y tế tiến hành, điểm thấp nhất rơi vào nhà vệ sinh bệnh viện. Và điều này cũng được ngành y tế lần nữa thừa nhận tại Hội nghị Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện vừa diễn ra gần đây: “Nhiều bệnh viện, ngay cả bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện rất bẩn, không có xà phòng cho chính nhân viên y tế rửa tay. Đôi khi, nhiễm trùng bệnh viện cũng từ bàn tay không được vệ sinh sạch mà ra”.
Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng cần quan tâm, đó là ngay cả khi các bệnh viện có sự đầu tư tới nhà vệ sinh, nhưng nhiều người dân ý thức sử dụng còn rất kém. Dù có biển báo không đặt chân lên bệ cầu, xả nước sau khi đi vệ sinh nhưng nhiều người vẫn ngó lơ và tùy ý làm theo ý mình. Xét đến cùng, để khâu “giải quyết nỗi buồn” không còn là sự ám ảnh, ngoài việc cơ sở y tế phải nâng cao nhận thức, đầu tư cho nhà vệ sinh, chính bản thân những người bệnh cũng cần thay đổi ý thức.