Những nhà văn lớn là nạn nhân ma túy

12-09-2018 14:54 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Như tất cả đối tượng khác - vì nhiều lý do khác nhau, có những nhà văn không may dính ma túy và nhiều người trong số họ đã gặp kết cục bi đát.

Philip K. Dick - nghiện LSD

Một trong những tên tuổi lừng danh nhất dòng văn học viễn tưởng, Philip K. Dick (1928-1982) là nạn nhân của LSD (Lysergic Acid Diethylamide, hoạt chất kích thích thần kinh cực mạnh). Vì sớm nghiện ngập, dù chỉ sống đến 54 tuổi, Dick có đến 5 lần cưới vợ, nhưng chỉ có 3 con.

Về tệ nghiện ma túy của mình, văn hào Mỹ lý giải, bởi từ nhỏ đã phải uống nhiều loại thuốc an thần (nghi ngờ mắc bệnh tâm thần phân liệt và ảo giác hoang tưởng). Một số nhà nghiên cứu gắn tệ nghiện ma túy của Dick với tốc độ viết kinh ngạc của nhà văn: trong vòng 2 năm, thời gian Dick nghiện nặng nhất, ông xuất bản tới 11 tiểu thuyết và khoảng 60 truyện ngắn (trong đó có tiểu thuyết The Three Stigmata of Eldritch). Dường như nỗi đau ma túy cũng trở thành gợi ý, để Dick viết cuốn Lăng kính màu đen (A Scanner Darkly), xuất bản năm 1977, tác giả mô tả viễn cảnh thế giới bị tha hóa cả bởi ma túy, cũng như bộ máy tham nhũng ngăn ngừa ma túy.

Jack Kerouac qua đời năm 47 tuổi vì nghiện amphetamin.

Jack Kerouac qua đời năm 47 tuổi vì nghiện amphetamin.

Jack Kerouac – nghiện amphetamin

Jack Kerouac, nhà văn nổi loạn được yêu thích ở Mỹ sinh năm 1922 không phải vô cớ trở thành thần tượng của thế hệ Beat và hiện thân phong trào Hippi cuối thập kỷ 60, thế kỷ XX. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Jack Kerouac là tiểu thuyết On the Road (Trên đường) ra mắt bạn đọc năm 1957 (đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản năm 2008 và 2014). Trên đường mô tả chuyến đi 3 tuần điên loạn khắp nước Mỹ. Phần lớn những sự kiện diễn ra trong cuốn sách là hiện thực, những nhân vật tiểu thuyết là bản thân tác giả và một số người bạn. Kerouac thuật lại cuộc sống hoang dã bản thân và những người bạn từng trải nghiệm. Sống buông thả, ông sớm sa vào rượu mạnh và amphetamin (dạng ma túy có nguồn gốc tổng hợp). Chính vì nghiện amphetamin, năm 1969, nhà văn nổi loạn đã qua đời, khi mới 47 tuổi.

Jean-Paul Sartre - amphetamin, mescalin

Nhà văn kiêm triết gia Pháp nổi tiếng Jean-Paul Sartre (1905-1980) năm 1964 được trao giải thưởng Nobel Văn học cho tiểu thuyết Les Mots, nhưng ông đã dứt khoát từ chối.

Trước đó, ông cũng từ chối nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh và danh hiệu Giáo sư danh dự của College de France (thành lập năm 1530, cơ sở đào tạo uy tín nhất hệ thống giáo dục Pháp). Mỗi lần từ chối giải thưởng và danh hiệu cao quý, người nổi tiếng đều giải thích, giải thưởng/danh hiệu cao quý sẽ hạn chế tự do của ông.

Jean-Paul Sartre không chỉ đi vào lịch sử bằng những tác phẩm văn học và nhiều công trình nghiên cứu triết học hiện sinh, mà còn bởi tệ nghiện nặng amphetamin, mescalin cùng những chất gây ảo giác khác.

Stephen King - cocain

Với hơn 350 triệu cuốn sách đã bán trên toàn thế giới và nhiều giải thưởng lớn như National Medal of Art, British Fantasy Scociety Award, Stephen King xứng đáng là ông hoàng tiểu thuyết kinh dị. Đến nay, King cũng là tác giả duy nhất có hơn 30 cuốn sách đứng đầu danh mục “sách bán chạy nhất thế giới”.

Sinh năm 1947, cha đẻ những tiểu thuyết kinh dị như Carrie, Christine, Mist, The Green Mile... Stephen King từng là nạn nhân của cocain trong những năm 1978-1986. Bây giờ ông thừa nhận, cho dù đa số tác phẩm của ông được sáng tác vào thời gian đó, song tiểu thuyết The Tommyknockers ông viết vào đỉnh điểm nghiện nặng là một trong những sáng tác kém nhất. Hiện nhà văn đã cai nghiện thành công, ông vẫn sống và viết khỏe.

Ayn Rand – amphetamin

Nữ văn hào Mỹ nổi tiếng gốc Do Thái Nga Ayn Rand chào đời năm 1905 ở Peterburg, qua đời 1982 ở New York. Tác giả trường phái triết học chủ nghĩa duy tâm khách quan sáng tác tiểu thuyết giới thiệu hình ảnh nhân vật, bất chấp sự trớ trêu của số phận và mâu thuẫn trong cuộc sống, bao giờ cũng đạt được mục đích cuộc đời nhờ sự kiên trì bền bỉ của bản thân, trí thông minh, đức cần cù và trước hết - lòng trung thành với đạo lý duy tâm khách quan. Hai tiểu thuyết nổi tiếng nhất: The Fountainhead (1943) và Atlas Shrugged (1957) được Ayn Rand viết trong thời gian 3 thập kỷ sử dụng amphetamin. Nhà văn lớn qua đời năm 77 vì chứng suy tim.

Aldous Huxley - LSD, mescalin

Sinh năm 1894 ở Godalming, qua đời năm 1963 ở Los Angeles, ngay từ những năm 20, thế kỷ XX, nhà văn Anh Aldous Huxley đã bắt đầu cuộc sống chu du đến nhiều vùng đất khác nhau. Ông đã sống 7 năm tại Italia (1923-1930), sau đó chuyển sang miền Nam nước Pháp, rồi vượt Đại Tây Dương sang Trung Mỹ và cuối cùng định cư tại California (1937).

Khởi đầu nhà văn Anh ham khám phá thế giới chuyên sáng tác và xuất bản các tập thơ, tuy nhiên cùng với thời gian mối quan tâm của Huxley chuyển sang văn xuôi. Crome Yellow, tiểu thuyết đầu tay của ông ra mắt độc giả năm 1921 được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt. Thế giới Mới, Tuyệt vời là 2 tiểu tác phẩm mang lại cho Huxley vinh quang lớn nhất. Những năm cuối đời, nhà văn nghiện LSD nặng, ngay trước khi trút hơi thở cuối cùng, năm 69 tuổi, Huxley còn yêu cầu vợ chích cho ông một liều LSD.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn