Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới

31-03-2013 14:00 | Dược

Những người phụ nữ này đã góp phần làm thay đổi cuộc sống cũng như làm thay đổi cách nhìn nhận thế giới.

Trong lịch sử, các nhà nữ khoa học thường âm thầm đóng góp những công trình nghiên cứu khoa học của mình cho nhân loại. Trong số đó rất nhiều công trình chậm được công nhận thậm chí không hề được vinh danh. Họ thường phải chịu những định kiến nhất định và trải qua rất nhiều gian nan trong hành trình cống hiến cho khoa học. Mặc dù vậy, nhiều tài năng rực rỡ vẫn tiếp tục tỏa sáng, khẳng định trí tuệ và ngọn lửa đam mê. Những người phụ nữ này đã góp phần làm thay đổi cuộc sống cũng như làm thay đổi cách nhìn nhận thế giới.

Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới 1

Hypatia (370-415), ở đỉnh cao của sự nổi tiếng, nhà nữ toán học, thiên văn học và triết gia Hy Lạp tài năng này đã từng là người đứng đầu Trường Neoplatonic ở Alexandria và là một người thầy được kính trọng. Tuy nhiên, bà phải chịu một số phận vô cùng bi thảm. Thời đại của bà diễn ra cuộc thanh trừng tà giáo của đạo Thiên Chúa. Một bộ phận dân chúng Thiên Chúa giáo đã kết tội bà theo tà giáo, kéo bà qua các con phố, giết và đem thiêu. Ngày nay, các di sản của Hypatia giúp bà trở thành nhà nữ khoa học đầu tiên được công nhận trong lịch sử.

Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới 2
Barbara McClintock (1902-1992) là một nhà nghiên cứu về di truyền học người Mỹ. Bà đi trước thời đại đến hàng thập kỷ. Làm việc cùng với cây ngô, bà đề xuất khái niệm “chuyển vị gen”, một số chuỗi của ADN có thể di chuyển xung quanh những vị trí khác nhau trong bộ gen của một tế bào đơn lẻ. Sự chuyển vị gen ảnh hưởng đến ADN của tế bào và dẫn đến những biến đổi như màu lá hay chiều cao của cây. Bà được nhận giải thưởng Nobel năm 1983, sau 30 năm miệt mài nghiên cứu. Các nhà khoa học ngày nay đã tận dụng chuyển vị gen để tạo ra và nghiên cứu các đột biến mới như vi khuẩn kháng kháng sinh.
Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới 3

Marie Curie (1867-1934), gốc Ba Lan: Những thành tựu của Marie Curie đã khiến bà trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại. Là người đầu tiên dành được 2 giải Nobel, bà là người phụ nữ đầu tiên giảng dạy tại Trường ĐH Sorbonne ở Paris. Cùng với chồng Pierre Curie, họ đã phát hiện ra 2 nguyên tố hóa học mới: polonium và radium. Vợ chồng Curie đã mở cánh cửa cho việc sử dụng phóng xạ hiện đại, bao gồm các biện pháp điều trị bệnh ung thư. Nguyên tố thứ 96 - curium được đặt theo tên hai nhà khoa học nhằm vinh danh tên tuổi của vợ chồng Curie.

Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới 4

Irene Joliot-Curie (1897-1956), người Pháp. Theo nhiều cách, cuộc đời của Irene cũng gây tiếng vang như người mẹ nổi tiếng Marie Curie. Cùng với chồng Frederic, họ nghiên cứu hoạt động của phóng xạ và là những người đầu tiên tạo ra nguyên tố phóng xạ nhân tạo, đưa họ tới giải Nobel Hóa học năm 1935. Công trình của Irene về các nguyên tố nặng trở thành nhân tố chính dẫn tới quy trình phân chia hạt nhân, khâu cơ bản của năng lượng hạt nhân.

Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới 5

Dorothy Crowfoot Hodgkin (1910-1994): nhà khoa học người Anh Dorothy sử dụng kỹ thuật mới tinh thể học Xquang và những máy tính đầu tiên nhằm phát hiện cấu trúc phân tử của penicillin, vitamin B12 và insulin. Công trình của bà để vẽ bản đồ protein phức tạp đã được đón chào như một thành tựu vĩ đại. Từ đó, các nhà khoa học có thể thay đổi và tổng hợp các chủng mới của penicillin, insulin và B12, giúp cứu sống được vô số người. Bà là một nhà khoa học hàng đầu dành giải Nobel năm 1964, bà cũng là một nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho hòa bình và giải trừ quân bị trên thế giới.

Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới 6

Caroline Lucretia Herschel (1750-1848) mang hai dòng máu Anh và Đức. Herschel vốn là một ca sĩ tài năng nhưng lại chuyển nghiệp sang một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: thiên văn học. Caroline làm trợ lý cho người anh trai là nhà thiên văn học của Hoàng gia. Caroline phát hiện ra 3 tinh vân và 8 sao chổi mới. Caroline trở thành nữ thiên văn học đầu tiên và tiểu hành tinh Lucretia, được đặt theo tên bà.

Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới 7

Rosalind Franklin (1920-1958), người Anh: cuộc đua nhằm vẽ bản đồ cấu trúc ADN đã đạt được vào năm 1953 khi James Watson và Francis Crick xuất bản công trình nổi tiếng của họ trên tạp chí Nature. Nhưng chính một nhà nữ khoa học người Anh có tên Rosalind Franklin đã đóng nhân tố chính trong việc tìm ra mảnh ghép ADN cuối cùng nhờ các hình ảnh tinh thể học Xquang. Chính những dữ liệu chưa được công bố của bà đã giúp họ tìm ra bản chất xoắn ốc của phân tử. Ngày nay, Rosalind Franklin được tưởng nhớ nhờ sự đóng góp thiết yếu của bà cho việc tìm ra cấu trúc ADN.

       LiLy (Theo Sciencephotolibrary)

 

 

 


Ý kiến của bạn