Những nhà giáo giữ mạch tri thức dưới tán rừng Trường Sơn

20-11-2024 11:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Để con em đồng bào, khu vực biên giới say mê với từng con chữ, những người giáo viên nơi đây đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Người giáo viên vùng biên luôn mong mỏi, tri thức luôn chảy trong tâm thức con em đồng bào như dòng suối thiêng của người Ma Coong.

30 năm trồng người dưới dãy Giăng Màn

Dưới chân dãy Giăng Màn ở huyện miền núi phía Tây Quảng Bình, những con em đồng bào Chứt, Bru – Vân Kiều vẫn đang ê a từng con chữ. Để niềm đam mê học tập dần "ngấm" vào từng thế hệ của những mầm non nơi đây là sự kiên trì, hy sinh của những người làm công tác giáo dục.

Những nhà giáo giữ mạch tri thức dưới tán rừng Trường Sơn- Ảnh 1.

Học sinh đồng bào Mã Liềng tại xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Về với xã Lâm Hóa, một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), không ai không biết đến thầy giáo Hoàng Xuân Dục, người có gần 30 năm gắn bó với công tác dạy học nơi đây.

Thầy Dục kể, năm 1995 sau khi tốt nghiệp, thầy được phân công về giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa. Thời điểm đó, khu vực này "toàn không" như không điện, không đường, không nước sạch... Cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, việc học của con em không được xem trọng. Học sinh thường vào rừng lấy măng, bắt cá... hoặc nghỉ học ở nhà chơi.

Để hiểu và vận động học trò đến lớp, thầy Dục đã cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các học sinh. Từ đó, thầy hiểu được suy nghĩ, khó khăn của trò và học trò cũng yêu mến và nghe lời thầy dạy.

Những nhà giáo giữ mạch tri thức dưới tán rừng Trường Sơn- Ảnh 2.

Thầy cô đến tận nhà vận động học sinh tới trường.

"Ngoài giảng dạy trên lớp, cuối tuần tôi phải tranh thủ đến tận nhà vận động học sinh quay lại lớp và dạy xóa mù chữ cho dân bản. Vì có nhiều người nên phải chia ra thành các lớp dạy từ sáng đến tối, lúc chưa có điện phải dùng đèn dầu để có ánh sáng dạy và học. Cùng học, cùng ăn ở với dân bản và học trò nên chúng tôi gần gũi, chia sẻ, để từ đó tin tưởng nhau hơn", thầy Dục cho biết.

Nhiều năm về trước, dân bản nơi đây vẫn còn nhiều hủ tục và tư tưởng lạc hậu. Mỗi khi ốm đau, dân bản thường đi "cúng" hoặc tìm đến các thầy "thổi" để hết bệnh. Thầy Dục nhớ lại, đã có lần phải gọi xe ôm đưa học trò đi nhập viện do ủ bệnh quá lâu, trong khi gia đình phụ huynh vẫn tin tưởng vào các hủ tục lạc hậu, ốm đau mời thầy mo, thầy cúng tới "chữa bệnh".

Vậy nên, cùng với việc dạy học ở trường, gần 30 năm qua thầy Dục còn là người chia sẻ, tuyên truyền các kiến thức xã hội, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe cho bà con dân bản. "Mưa dầm thấm lâu", nhận thức của đại bộ phận người dân ở đây đã được nâng cao, điều này khiến thầy giáo Hoàng Xuân Dục rất vui mừng.

Những nhà giáo giữ mạch tri thức dưới tán rừng Trường Sơn- Ảnh 3.

Thầy Dục, người có gần 30 năm gắn bó với việc dạy học ở xã nghèo Lâm Hóa. Thầy được học trò thương mến, kính trọng (trong ảnh là món quà của học sinh tặng thầy nhân dịp 20/11).

"Tôi thường xuyên nhắc nhở đồng bào và học sinh phải chú trọng việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ, luôn ăn đồ ăn, nước uống đun sôi, nấu chín. Đặc biệt, các hủ tục lạc hậu, mê tín vẫn còn tồn tại nên tôi cũng phải bỏ nhiều thời gian chia sẻ, tuyên truyền để dần loại bỏ", thầy Dục cho biết.

Với những đóng góp, nỗ lực không mệt mỏi, nhiều năm liền thầy Dục là giáo viên chủ nhiệm dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua cơ sở của trường, được Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa tặng Giấy khen. Năm 2024, thầy là một trong 60 tấm gương Nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.

"Thầy giáo xe ôm" của học trò vùng biên

Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú huyện Bố Trạch nằm ở địa bàn xã biên giới Thượng Trạch. Đây là nơi học tập của con em đồng bào Chứt và Bru - Vân Kiều. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng và nương rẫy nên còn nhiều thiếu thốn khó khăn. Dạy học ở vùng khó khăn nên những giáo viên nơi đây gặp không ít thách thức, nhưng với họ đó là một hành trình đáng nhớ trong sự nghiệp "trồng người".

Những nhà giáo giữ mạch tri thức dưới tán rừng Trường Sơn- Ảnh 4.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch nằm ở địa bàn xã biên giới Thượng Trạch. Đây là nơi học tập của con em đồng bào Chứt và Bru - Vân Kiều.

Thầy Hoàng Đức Hòa, Hiệu trưởng nhà trường được dân bản và chính quyền biết đến là người xông xáo để tri thức luôn "chảy" trong tâm thức con em đồng bào như dòng suối thiêng của người Ma Coong.

Những ngày nhận thức về việc học của con em đồng bào nơi đây còn chưa cao, thầy Hòa cùng giáo viên nhà trường "đi từng ngõ, gõ từng nhà" trò chuyện với phụ huynh, vận động học trò đi học. Nhiều người đùa rằng thầy Hòa là "thầy giáo xe ôm" khi thường xuyên đưa đón học sinh. Bởi nhiều em cuối tuần về nhà với gia đình rồi lại "quên" không tới lớp. Nên thầy Hòa lại cùng chiếc xe của mình vượt đường rừng, núi trơn trượt, hiểm trở đưa trò trở lại trường.

Những nhà giáo giữ mạch tri thức dưới tán rừng Trường Sơn- Ảnh 5.

Thầy Hòa cùng học sinh chuyển lương thực vào điểm trường (ảnh: NVCC).

Với vai trò quản lý, thầy Hòa cũng khuyến khích giáo viên gần gũi, chia sẻ với học trò, đổi mới phương thức dạy để tạo sự hứng thú trong mỗi bài học. Nhiều hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, trò chơi dân gian… cũng được nhà trường tổ chức. Cùng với đó thầy rất quan tâm đến sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho học sinh.

Nhiều năm gắn bó với học trò vùng biên, thầy Hòa vui mừng vì cơ sở vật chất, trường lớp ngày càng khang trang, thuận lợi hơn cho công tác dạy và học. Đời sống dân bản dần đổi thay, các gia đình đã chú trọng vào việc học của con cái. Trong 2 năm học trở lại đây, thầy cô của trường hạnh phúc khi các em tự đến trường.

Những nhà giáo giữ mạch tri thức dưới tán rừng Trường Sơn- Ảnh 6.

Ngoài học tập, thầy Hòa luôn quan tâm đến đời sống của học sinh (trong hình thầy Hòa cùng đồng nghiệp thăm học trò ốm nằm viện).

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và đóng góp cho tri thức của con em vùng biên, năm 2024, thầy Hoàng Đức Hòa được vinh danh là Nhân vật tiêu biểu tại Giải Báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Những nhà giáo giữ mạch tri thức dưới tán rừng Trường Sơn- Ảnh 7.

Thầy Hoàng Đức Hòa nhận Giải nhân vật tiêu biểu tại Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024.

"Tôi bất ngờ và vô cùng vinh dự. Với tôi, đây là công lao của tập thể giáo viên, tôi chỉ góp một phần nhỏ trong đó. Ở nơi này, học sinh còn khó khăn, nên tôi quyết tâm gắn bó để cùng dân bản và học trò phát triển", thầy Hòa chia sẻ.

ĐBQH nêu lý do để xếp lương, phụ cấp, ưu đãi cao nhất đối với nhà giáoĐBQH nêu lý do để xếp lương, phụ cấp, ưu đãi cao nhất đối với nhà giáo

SKĐS - Nhiều ĐBQH bày tỏ đồng tình với quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo: lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng...


Hùng Trần
Ý kiến của bạn