Hà Nội

Những nguyên tắc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng

21-09-2023 20:46 | Dinh dưỡng mẹ và bé
google news

SKĐS - Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.

Vi chất dinh dưỡng bao gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E…) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, sắt, phospho, kẽm, I-ốt, selen, đồng…). Đây là những chất rất cần thiết tham gia vào mọi quá trình hoạt động của cơ thể con người. Những chất này tuy cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ (tính bằng mcg đến mg) nhưng lại có vai trò rất quan trọng.

Khi thiếu vi chất sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sự phát triển và hoạt động của cơ thể, đặc biệt với đối tượng là phụ nữ và trẻ em. Việc cung cấp cho cơ thể đủ lượng vitamin và khoáng chất hàng ngày là cơ sở cho một sức khỏe tối ưu và còn có thể giúp chống lại nhiều bệnh tật.

Hơn nữa, một số vitamin và khoáng chất có thể hoạt động như chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể chống lại các tổn thương tế bào có liên quan đến một số bệnh thường gặp, ví dụ bệnh Alzheimer, béo phì, bệnh tim mạch và thậm chí ung thư.

Những nguyên tắc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng - Ảnh 1.

Các loại thực phẩm giúp bổ sung vitamin A.

Theo Bộ Y tế, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…), giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn. Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế.

Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 59 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6; đợt 2 vào tháng 12). Thời gian qua, các chiến dịch bổ sung vitamin A đã giúp VN thanh toán được bệnh mù lòa do thiếu vitamin A vào năm 2000.

Bộ Y tế khuyến cáo 6 nguyên tắc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng như sau:

1/ Mọi người, mọi gia đình hãy thực hiện bữa ăn hằng ngày đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

2/ Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

3/ Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hằng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.

4/ Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A 2 lần/năm.

5/ Trẻ từ 24 - 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.

6/ Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Theo số liệu Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2020 thì tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã cải thiện rõ rệt ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em.

- Thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 14,2% xuống còn 9,5%, vitamin A trong sữa mẹ thấp đã giảm từ 35,5% xuống còn 18,3%. Đạt được kết quả đó, là do tỷ lệ bao phủ viên nang vitamin A một năm 2 lần cho trẻ em trong độ tuổi được uống là 98,8%. Tỷ lệ bà mẹ sau khi sinh con trong vòng 1 tháng được uống vitamin A là trên 90%.

- Thiếu sắt sẽ dẫn tới thiếu máu, ảnh hưởng đến khả năng lao động và học tập. Thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi đều được cải thiện. Năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, phụ nữ là có thai là 25,6% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 16,2% so với năm 2010 (thì tỷ lệ thiếu máu của các đối tượng trên là 29,2%, 36,5% và 28,8%).

- Tình trạng thiếu kẽm ở phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã được cải thiện rõ rệt: Thiếu kẽm ở phụ nữ có thai đã giảm từ 80,3% năm 2010 xuống còn 63,5% năm 2020, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 69,4% xuống còn 58,0%.



PV
Ý kiến của bạn