Vai trò của collagen đối với da
Collagen là một protein dạng sợi chiếm khoảng 30% lượng protein trong cơ thể, chiếm 70% cấu trúc da. Các sợi collagen dài và mảnh, đan quyện lấy nhau, tạo ra mạng collagen. Mạng collagen chính là nền tảng của da. Collagen có vai trò kết nối các tế bào da, kích thích quá trình trao đổi chất của tế bào da, tạo độ đàn hồi, săn chắc cho da, làm lành vết thương. Vì vậy, collagen là thành phần chính giúp da săn chắc, mịn màng, là yếu tố quyết định vẻ đẹp của làn da. Trong da, collagen tập trung nhiều nhất ở lớp hạ bì.
Khi collagen thiếu hụt do thoái hóa theo thời gian, các sợi collagen bên dưới da suy giảm về cả số lượng và chất lượng, làn da sẽ đối mặt với sự xuống dốc không phanh. Bởi lúc này, bộ khung của da suy yếu dần, khả năng chống đỡ kém, bắt đầu xuất hiện nếp nhăn, da bị chùng nhão, nặng hơn nữa là các nếp gấp và sự chảy xệ.
Sự suy giảm collagen là quá trình tự nhiên của cơ thể. Sau tuổi 25, lượng collagen trong cơ thể bị suy giảm theo hai khuynh hướng:
Giảm số lượng: Cứ mỗi năm, lượng collagen giảm 1%. Đến tuổi 30, số lượng collagen thiếu hụt đáng kể. Điều này làm cho lượng collagen giảm dần, cấu trúc mạng collagen trở nên lỏng lẻo, yếu ớt. Da bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu
lão hóa.
Giảm chất lượng: Do sợi collagen thoái hóa theo thời gian: Bị giãn, nhão và đứt gãy làm cho làn da không còn duy trì được sự săn chắc, đàn hồi, mịn màng nữa. Da trở nên xỉn màu, khô sạm. Collagen giảm đi trong mỗi năm được tính như sau: Sau tuổi 25: Da thiếu hụt 1,5% lượng collagen; sau tuổi 30 thiếu hụt 15% lượng collagen; sau tuổi 40 thiếu hụt 30% lượng collagen và sau tuổi 50 thiếu hụt 45% lượng collagen.
Stress, căng thẳng làm giảm quá trình sản sinh collagen tự nhiên.
Các yếu tố nào làm giảm collagen?
Bị tổn thương bởi tia UV: Nhiều nghiên cứu cho thấy, có đến 90% nguyên nhân của lão hóa da là do ánh nắng mặt trời tác động và chỉ có 10% là do các yếu tố bên trong cơ thể. Tia UV trong ánh mặt trời có thể gây tổn thương da, làm suy giảm collagen trong da. Việc tiếp xúc với tia UV có thể làm tổn thương collagen thông qua nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm gây tổn thương DNA của các tế bào sản sinh collagen, cũng như thúc đẩy sản sinh các gốc tự do gây tác động trực tiếp tới collagen trong da.
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe, bao gồm cả thúc đẩy quá trình lão hóa sớm. Hút thuốc lá có thể làm giảm lượng oxy tới các mô, khiến các mô không thể tái tạo, bị hư tổn và chết đi. Điều này có thể dẫn tới hình thành nếp nhăn sớm.
Chế độ ăn gây viêm: Tình trạng viêm là một trong những “kẻ thù” chính của các mô trong cơ thể, bao gồm cả các mô liên kết từ collagen. Chế độ ăn gây viêm là chế độ ăn uống nhiều đường, nhiều carbohydrate đơn giản, các loại thực phẩm chế biến sẵn… có thể kích thích hệ miễn dịch, thúc đẩy tình trạng viêm trong cơ thể. Đặc biệt, hàm lượng đường cao trong cơ thể khiến collagen trong da bị cứng lại, vỡ ra, làm cho da bị suy yếu, thúc đẩy tình trạng lão hóa sớm.
Căng thẳng, stress, mất ngủ: Tình trạng căng thẳng quá mức có thể kích hoạt quá trình viêm, làm giảm khả năng sản sinh collagen tự nhiên trong cơ thể. Căng thẳng, stress cũng làm gia tăng hormon cortisol, từ đó góp phần làm giảm quá trình sản sinh collagen
tự nhiên.
Di truyền: Di truyền là một yếu tố quan trọng, có thể quyết định lượng collagen cơ thể phá vỡ và tái tạo. Do đó, nếu ông bà, cha mẹ mình giữ được làn da đẹp, trẻ trung lâu, rất có khả năng bạn cũng sẽ được thừa hưởng điều này.
Làm thế nào để bổ sung collagen?
Chăm sóc da
Massage mặt: Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả. Mỗi ngày bạn thực hiện massage da mặt khoảng 10-15 phút có thể kích thích sản xuất collagen và tăng cường sự lưu thông của máu,
Sử dụng các chất dưỡng ẩm cho da: Có thể áp dụng các cách đắp mặt nạ tự nhiên tại nhà như mặt nạ nha đam, mặt nạ mật ong và lòng đỏ trứng gà để cho da luôn sạch thoáng, săn chắc và mềm mịn.
Thay đổi lối sống
Bỏ hút thuốc và ăn giảm lượng đường.
Bảo vệ da khỏi tác động của tia UV: Khi ra đường bạn nên dùng nón mũ rộng vành, kính râm, khẩu trang, áo chống nắng để bảo vệ làn da, dùng kem chống nắng ngay cả khi trời không nắng.
Tăng cường vận động tập thể dục thể thao: Tập thể dục tạo điều kiện cho máu lưu thông nhiều hơn, sâu hơn, làm da sáng rạng ngời và đều màu. Tập thể dục đều đặn sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa vì nó thúc đẩy cơ chế sản sinh collagen.
Khi da đầy đủ Collagen sẽ trở nên săn chắc và trẻ trung.
Phục hồi collagen bằng thực phẩm
Chọn thực phẩm giàu vitamin C: Bổ sung collagen tự nhiên bằng các loại trái cây như cam, chanh, việt quất, bưởi cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C dồi dào. Đây được xem là một hoạt chất chống oxy hóa mạnh mẽ, vừa có tác dụng loại bỏ các gốc tự do gây hại, vừa giúp kích thích cơ thể sản xuất collagen, duy trì đàn hồi cho da và chống lại quá trình lão hóa làn da hiệu quả. Vitamin C là thành phần chủ chốt trong việc hình thành collagen. Nếu cơ thể thiếu vitamin C, các amino acid không thể kết nối để tạo ra collagen.
Rau màu xanh đậm giúp bổ sung collagen dồi dào: Các loại rau có màu xanh đậm như rau bina, bắp cải, măng tây, bông cải... chứa nhiều dưỡng chất vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn các gốc tự do gây hại, nâng cao sức đề kháng của da và kích thích cơ thể tăng cường sản xuất collagen hiệu quả.
Trái cây và rau củ có màu đỏ: Thành phần của các loại thực phẩm này chứa dồi dào hoạt chất chống oxy hóa có tên là lycopene. Chất này vừa đóng vai trò như một kem chống nắng tự nhiên và vừa giúp kích thích cơ thể tăng cường sản xuất collagen hiệu quả. Do vậy, bạn nên tăng cường bổ sung các loại rau củ có màu đỏ như ớt chuông, cà chua, dâu tây, cà rốt, quả lưu, dưa hấu...
Ngoài ra quả bơ, đậu đũa, đậu nành, tỏi… là các thực phẩm giúp phục hồi collagen rất hiệu quả.