Tai biến sản khoa rất cao khi sinh con tại nhà
Theo Báo cáo Nghiên cứu đánh giá chỉ số đầu vào và xác định nhu cầu cho can thiệp sức khỏe bà mẹ dân tộc ít người tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ đẻ tại nhà của phụ nữ dân tộc thiểu số còn phổ biến.
Tỷ lệ đẻ tại nhà/nương rẫy cũng ở mức cao với trung bình tại 60 xã là 52,8%. Trong đó có tới 20 xã (33,3%) có tỷ lệ đẻ tại nhà cao hơn 80% (Pa Vệ Sủ, Nậm Manh, Tủa Sỉn Chải, Làng Mô, Pú Đao, Tà Tổng, Mù Sang, Tá Bạ, Tả Ngào, Tung Qua Lin, Nậm Pì, Nậm Chà (12 xã tại Lai Châu), Xím Vàng, Háng Đồng, Kim Bon, Hang Chú (4 xã tại Sơn La), Đăk Trôi, Đê Ar, Kon Chiêng (3 xã của Gia Lai) và Đăk Nên (1 xã Kon Tum).
Tỷ lệ phụ nữ đẻ có nhân viên y tế (NVYT) được đào tạo đỡ trong nghiên cứu này cũng thấp hơn so với tỷ lệ trong Báo cáo Hộ sinh Việt Nam lần thứ nhất tại các khu vực nơi đồng bào dân tộc ít người sinh sống là 68%. Đáng lưu ý là tỷ lệ đẻ tại nhà nhưng có NVYT và cô đỡ thôn bản (CĐTB_ đỡ chỉ đạt 31,2%. Kết quả cho thấy việc chăm sóc bà mẹ trong khi sinh còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc đào tạo cô đỡ người dân tộc ít người và hỗ trợ cho họ hoạt động cần được ưu tiên cho các vùng tỷ lệ đẻ tại nhà cao.
Về tai biến sản khoa, hàng năm đều có các cấp cứu sản khoa xảy ra tại các trạm y tế (TYT) và với 4,4% số ca đẻ phải chuyển tuyến trên trong năm 2020. Tuy nhiên số lượng tai biến hàng năm chỉ có 9 ca/60 xã, trong đó xếp theo thứ tự lần lượt từ cao xuống thấp là sản giật (3 ca), chảy máu (2 ca), nhiễm trùng (2 ca) và phá thai (2 ca). Con số này là tương đối thấp nếu so sánh với tỷ lệ 15% các thai phụ có nguy cơ mắc một tai biến nghiêm trọng trên toàn thế giới (28) hay tỷ lệ ước tính 12% ca đẻ có tai biến. Con số này có thể do tỷ lệ đẻ tại nhà cao nên khó ghi nhận các ca tai biến từ trường hợp đẻ tại nhà.
Về tử vong mẹ, thống kê trong 3 năm giai đoạn 2019-2021 ghi nhận 18 ca chết mẹ (năm 2018 và 2019 có 5 ca và năm 2021 có 8 ca). Nguyên nhân tử vong mẹ được báo cáo chủ yếu là băng huyết.
Về sức khoẻ trẻ sơ sinh, số trẻ sinh sống hàng năm cũng có dao động lớn ở 60 xã nghiên cứu, trong đó trung bình là 95,1 trẻ (dao động từ thấp nhất tới cao nhất là 22-402). Biến chứng sau đẻ thường gặp nhất là ngạt với số lượng là 10 trẻ tại 5 xã vào năm 2020 là: Chiềng En (Sông Mã, Sơn La), Đăk Ngo (Tuy Đức, Đắk Nông), Quảng Hòa (Đăk Glong, Đắk Nông), Bờ Ê (Kon Plong, Kon Tum) và Đê Ar (Mang Yang, Gia Lai).
TS Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn tồn tại hạn chế. Tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 cao gấp 3,5 lần so với vùng 1, trong khi đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc H'Mong cao gấp 7 - 8 lần so với dân tộc Kinh, Tày. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số với dân tộc kinh ngày càng gia tăng (năm 2006 là 1,35 lần; năm 2014 là 4,3 lần). Bên cạnh đó, tỷ lệ tử lệ tử vong sơ sinh còn cao, chiếm đến 70 - 80% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, 50 - 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi.
Cần phát huy vai trò của cô đỡ thôn bản
TS Trần Đăng Khoa cho biết, hiện ngành y tế đang cố gắng giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh. Vì giảm tử vong trẻ sơ sinh sẽ giảm được tỷ lệ tử vong đối với trẻ dưới 1 tuổi. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến trẻ sơ sinh tử vong. Đơn cử như quá trình khám thai đầy đủ, phải đảm bảo 4 lần khám trong suốt thời gian thai kỳ. Các trường hợp đẻ khó, khó can thiệp và cứu chữa.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có hơn 3.000 cô đỡ thôn, bản đã được đào tạo, nhưng đến nay chỉ có khoảng 50% cô đỡ đang hoạt động.
Các số liệu nói trên đã vẽ nên nên bức tranh khái quát về thực trạng liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em các dân tộc thiểu số; đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ không được chăm sóc, khám thai định kỳ cũng như tình trạng sinh nở ngoài các cơ sở y tế và tỷ suất chết trẻ em dưới dưới 01 tuổi còn rất cao; đặc biệt là ở các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; trong khi đó, số lượng và tỷ lệ cô đỡ thôn, bản đang hoạt động lại rất thấp.
Bức tranh trên tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng chỉ ra nguyên nhân, trong đó ngoài nguyên nhân khách quan về điều kiện địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, một số phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan mà một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là: Chưa phát huy hết vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Từ đó đến nay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng, duy trì và phát triển mạng lưới Cô đỡ thôn bản; trong đó Thông tư 07/2013 đã chính thức công nhận Cô đỡ thôn bản là một loại hình nhân viên y tế thôn bản chuyên về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản hoạt động tại các vùng miền núi khó khăn.
Cô đỡ thôn bản là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do những khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán. Ưu điểm của cô đỡ thôn bản là có cùng văn hóa, phong tục tập quán nên dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản...
Tuy nhiên, đến nay do hạn chế về kính phí, cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Ông Khoa cũng cho biết, hiện Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - trẻ em đang phối hợp xây dựng Nghị quyết Chính phủ về giải pháp ổn định và phát triển đội ngũ y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản. Huy động nhân lực, vận động tài trợ và cung cấp nhiều trang thiết bị, vật tư cho các địa phương, góp phần duy trì công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em liên tục trong điều kiện dịch bệnh, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 18/9: Tiếp Nhận Gần 50 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Nạn Nhân Vụ Cháy CCMN, BV Bạch Mai Còn 1 Ca Thở Máy |SKĐS