Những nguy hiểm khôn lường cho sức khỏe khi đi biển

23-06-2015 09:40 | Y học 360
google news

Có thể bạn không lo lắng về cá mập hoặc đã chuẩn bị sẵn sàng kem chống nắng tránh ung thư da, nhưng vẫn còn nhiều mối quan tâm khác mà bạn cần phòng bị trước khi chuẩn bị đi biển.

Mùa hè là mùa du lịch, đặc biệt là đi biển. Ngoài các bãi biển gần, người Việt đang khám phá những nơi hoang sơ, xa xôi hơn như các đảo, vùng biển nước ngoài.

Có thể bạn không lo về cá dữ tấn công trong những vùng biển được tiếng an toàn, nhưng bạn luôn cần ghi nhớ những quy tắc khi đi biển: Luôn bơi thành nhóm, không tắm biển khi bị vết thương hở, tránh đeo trang sức đá quý, tránh xa các vùng nước âm u và không bơi vào buổi tối.

Cá độc

Khi bơi ở những bãi biển hoang sơ hoặc lặn đảo, bạn có thể giẫm phải hoặc chạm phải các loài cá có độc, ví dụ như cá đuối. Thông thường chúng tránh xa con người và chỉ chích, cắn để tự vệ, nhưng bạn có thể vô tình đạp phải chúng đang ẩn mình trong vùng nước nông.

Để tránh trường hợp này, bạn nên đi từng bước nhỏ trượt trên cát thay vì bước những bước lớn, cát rung động sẽ báo cho chúng biết để tránh xa bạn.

Sứa

Ước tính có khoảng 150 triệu trường hợp bị dị ứng bởi sứa mỗi năm ở Mỹ. Những loài sứa thường gặp không gây ngứa ngáy cho bạn quá nhiều, nhưng loại sứa biển thường thấy ở vùng Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong mùa hè có thể gây ra những tổn thương, dị ứng nghiêm trọng, gây đau nhức và chuột rút.

Loại sứa khác trong mùa lạnh hơn lại gây nhức nhối khó chịu đựng nổi và khó thở. Những loài sứa độc hại nhất có thể gây dị ứng trầm trọng, ói mửa, sưng tấy, khó thở, thậm chí có thể gây tử vong. Và điều khó khăn nhất là không thể xác định được vùng biển có chúng để tránh.

Cách tốt nhất để tránh tiếp xúc với sứa là không nên xuống những vùng nước mà dân địa phương hoặc hướng dẫn viên cho biết là có sứa. Nếu bị đau nhức, hãy ngay lập tức tìm bác sĩ hoặc người điều trị. Bạn có thể rửa vết sưng trong nước biển (tránh cát vào vết thương) và đắp da với dung dịch ½ giấm táo, ½ nước làm dịu da trong vòng 30 phút để loại bỏ các xúc tu bám vào da. Kem có chứa thuốc giảm đau, kháng histamin hoặc corticosteroid cũng có tác dụng.

Vi khuẩn ăn thịt

Vi khuẩn Vibrio vulnificus đã lây nhiễm cho 7 người và gây tử vong cho 2 người tại Florida trong năm nay. Và loại vi khuẩn này đang lan rộng trong thời tiết đang ngày càng nóng lên.

Mọi người có thể bị nhiễm Vibrio vulnificus khi ăn sò ốc. Và vì loài vi khuẩn này thường sống trong vùng nước ấm, người có vết thương hở có thể bị nhiễm Vibrio vulnificus ngay khi xuống nước.

Khi vào cơ thể, Vibrio vulnificus có thể gây ra những vấn đề đường ruột nghiêm trọng như nôn mửa, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Nếu nhiễm qua vết thương hở, nó có thể gây ra tụ huyết, nhiễm trùng máu, hoại tử hoặc gây ra những tổn thương dẫn đến phải cắt bỏ tứ chi. Loài vi khuẩn này đặc biệt nguy hiểm với những người bị các bệnh tiềm ẩn như bệnh gan và các bệnh về hệ miễn dịch.

Để tự bảo vệ mình, bạn nên nấu chín kỹ sò ốc khi ăn, không ăn đồ nguội, thiu hay được để lạnh. Bạn không nên xuống nước khi bị vết thương hở và khi tiếp xúc với sinh vật biển, ví dụ như đi lặn mò trai, ốc, nên mặc đồ phòng hộ đúng cách.

Thùng giữ nhiệt là nơi vi khuẩn sinh sôi

Nên cẩn thận khi bạn chuẩn bị thức ăn khi đi biển. Thời tiết nóng thúc đẩy vi khuẩn phát triển rất nhanh, và thùng giữ nhiệt không đủ độ lạnh tiêu chuẩn chỉ là nơi vi khuẩn sinh sôi nảy nở thêm. Thực phẩm cần phải được giữ lạnh dưới 5 độ C bằng đá hoặc bọc gel lạnh. Và bạn cần để cách các thực phẩm dễ hư với đồ uống vì nước uống là thứ mọi người thường hay lấy ra nhất, làm thay đổi nhiệt độ cũng như vi khuẩn bám trên nó.

Bạn nên bọc thịt, hải sản thật kỹ nếu cất chung vào thùng lạnh với trái cây, rau. Khi đem thực phẩm ra chế biến, không để chúng bên ngoài quá 2 giờ.

Đuối nước khô

Mối nguy hiểm lớn nhất khi đi biển là bị đuối nước, dù vùng nước sâu hay nông, và trẻ em từ 1-4 tuổi có nguy cơ cao nhất. Những cơn sóng lớn hoặc dòng nước ngầm có thể cuốn trôi ngay cả người bơi giỏi nhất ra biển, bạn nên bơi chung thành nhóm và cẩn thận trông chừng những tín hiệu nguy hiểm ở biển như cờ báo hiệu hoặc dòng nước đổi màu, bọt sóng đang trôi xa bờ... Nếu thấy nguy hiểm, bạn nên bơi song song với bờ biển cho đến khi thoát khỏi dòng nước ấy.

Một mối nguy tuy hiếm nhưng rất đáng sợ là «đuối nước khô» ở trẻ nhỏ, xảy ra khi trẻ đãlên trên bờ hoặc khi còn ở trong nước. Một ít nước có thể tắc trong miệng, mũi trẻ, khiến đường thở bị ngạt. Trường hợp khác là nước trôi vào phổi trẻ, gây kích ứng, sưng tấy, có thể dẫn tới sụt giảm mức độ oxy trong máu. Điều này có thê xảy ra trong 1-24 giờ sau khi lên bờ, thường không hơn 8 giờ. Nếu phụ huynh thấy con bị khó thở, ho liên tục, ói mửa, hôn mê và các triệu chứng khác, nên lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

LAN THẢO (theo goodhousekeeping)

 

 


Ý kiến của bạn