Viêm nướu là tình trạng nướu bị nhiễm trùng, sưng đau, gây ra bởi các mảng bám (chứa vi khuẩn) tích tụ trên răng và gây tổn thương đường chân nướu. Bệnh nướu răng có thể được điều trị hoặc phòng ngừa bằng cách duy trì chế độ sức khỏe răng miệng tốt. Nếu không có chế độ chăm sóc răng miệng thích hợp, viêm nướu có thể tiến triển thành một tình trạng nghiêm trọng hơn, được gọi là bệnh viêm nha chu, làm suy yếu các cấu trúc hỗ trợ của răng, dẫn đến gãy răng (mất răng) và phá hủy xương hàm. Tình trạng sức khỏe này còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển một số bệnh bao gồm Alzheimer, ung thư và bệnh phổi.
Tăng nguy cơ sa sút trí tuệ
Việc chăm sóc răng lợi tốt sẽ giúp bảo vệ não. Đó là thông điệp của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc vừa đưa ra sau khi nghiên cứu cho thấy, mối liên hệ giữa bệnh nướu răng nghiêm trọng, hay viêm nha chu với tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe năm 2005-2015 trên 262.349 người từ 50 tuổi trở lên từ Tổ chức Sàng lọc dịch vụ bảo hiểm y tế quốc gia của Hàn Quốc. Phân tích cho thấy những người đã được chẩn đoán viêm nha chu mạn tính có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 6% so với những người không mắc bệnh. Nguy cơ đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh Alzheimer.
Theo các tác giả, nguyên nhân gây nên tình trạng này là do: Vi khuẩn từ nướu bị nhiễm bệnh xâm nhập vào máu và sau đó vượt qua hàng rào máu não vào não, kích hoạt viêm mô não và thậm chí thúc đẩy sản xuất các protein độc hại (là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer). Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy sự có mặt của Porphyromonas gingivalis (P. gingivalis), một loại vi khuẩn gây bệnh nướu răng, trong não của những người mắc bệnh Alzheimer. Tiếp theo, nhiễm trùng nướu có thể thiết lập một “tình trạng viêm toàn thân” giải phóng các tác nhân thúc đẩy viêm. Những tác nhân này cũng có thể vượt qua hàng rào máu não để kích hoạt tình trạng viêm trong mô não, nếu kéo dài cũng có thể góp phần tích tụ protein độc hại...
Những phát hiện này kết hợp với báo cáo được công bố gần đây về vi khuẩn P. gingivalis gây bệnh nướu răng, sẽ khiến tất cả chúng ta suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc tối ưu hóa các biện pháp vệ sinh và chăm sóc răng miệng để giúp bảo vệ não bộ của bệnh nhân Alzheimer nói riêng và của cộng đồng nói chung.
Mảng bám răng là nguyên nhân gây viêm nướu.
Liên quan đến các bệnh tim mạch
Mặc dù không phải ai mắc bệnh tim cũng mắc bệnh nướu răng và không phải ai mắc bệnh nướu răng cũng mắc bệnh tim mạch. Cho dù bệnh nướu răng là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với bệnh tim vẫn đang được thảo luận, nhưng có một số lý thuyết cho rằng dường như hai vấn đề này cũng có một mối liên kết với nhau.
Mối liên kết này có thể liên quan đến viêm. Viêm là một phản ứng của cơ thể với các chất kích thích hoặc mầm bệnh, nó là một cơ chế bảo vệ cơ thể trước các tổn thương. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm tiếp tục trong một thời gian dài, nó có thể làm hỏng các mô và cơ quan. Tình trạng viêm ở nướu có thể tạo đã kích hoạt một loạt các phản ứng khác trong cơ thể và cuối cùng dẫn tới viêm trong hệ tim mạch.
Một giả thiết khác là mối liên hệ giữa bệnh tim mạch và bệnh răng lợi có thể do vi khuẩn gây ra. Các vi khuẩn trong nướu có thể đi vào máu và di chuyển tới các vùng khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả tim, nơi chúng có thể gây viêm và làm tổn thương. Vi khuẩn P.gingivalis thường được tìm thấy nhất trong động mạch vành.
Nguy cơ ung thư tăng
Năm 2008, các nhà nghiên cứu đã xem xét sự rụng răng và ung thư trên 48.375 bệnh nhân nam, cho biết, bệnh nha chu có liên hệ với một sự gia tăng nhỏ trong nguy cơ mắc ung thư nói chung.
Một nghiên cứu khác, mới hơn, trên hơn 68.000 người trưởng thành tìm thấy một mối liên hệ mạnh mẽ giữa bệnh về nướu và nguy cơ mắc ung thư nói chung, đặc biệt là ung thư tuyến tụy. Các nhà nghiên cứu thấy rằng một enzym được sản sinh ra bởi một loại vi khuẩn gây bệnh về nướu là Treponema denticola, thường được tìm thấy ở một số khối u trong hệ tiêu hóa. Enzym này có tên là T. denticola chymotrypsin-like proteinase. Nó giúp vi khuẩn xâm lấn mô của người mắc bệnh về nướu. Các nhà khoa học cũng thấy rằng nó hoạt hóa các enzym khác làm thúc đẩy tế bào ung thư khi chúng di căn tới các mô lành.
Liên quan tới bệnh phổi
Mối liên kết giữa nướu và bệnh phổi ít gây ngạc nhiên hơn so với một số bệnh khác mà chúng ta đã gặp phải. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2019 đã điều tra hồ sơ của 1.380 người đàn ông. Các tác giả đã tìm thấy một mối quan hệ đáng kể giữa viêm nha chu mạn tính và giảm chức năng hô hấp. Liên kết này vẫn có ý nghĩa, ngay cả sau khi kiểm soát các biến gây nhiễu, chẳng hạn như hút thuốc.
Một lần nữa, viêm có thể là liên kết giữa yếu tố này. Nếu các phế nang trong phổi mang không khí bị viêm, chúng sẽ hẹp hơn và luồng không khí bị hạn chế. Bên cạnh đó, vi khuẩn có trong miệng cũng có thể được hít vào phổi, có thể kích hoạt các bệnh nhiễm trùng trực tiếp dẫn đến viêm.
Một phân tích tổng hợp gần đây đã điều tra các liên kết tiềm năng giữa bệnh nướu răng và ung thư phổi, cho biết, hít phải vi khuẩn, chẳng hạn như P. gingivalis, từ miệng có thể gây nhiễm trùng. Tương tự, các enzym được sản xuất trong quá trình bệnh nướu răng có thể đi vào phổi, giúp mầm bệnh lây lan và xâm chiếm mô phổi. Về lâu dài, tình trạng viêm gây ra những thay đổi trong các tế bào làm tăng khả năng phát triển ung thư.