Meloxicam dùng khi nào?
Meloxicam thuộc họ oxicam có tính kháng viêm mạnh cho tất cả các loại viêm. Cơ chế chung của những tác dụng trên là do meloxicam có khả năng ức chế sinh tổng hợp các chất trung gian gây viêm (prostaglandine), có nghĩa là thuốc hoạt động bằng cách giảm kích thích tố gây ra tình trạng viêm và đau trong cơ thể. Vì vậy, thuốc chủ yếu được chỉ định trong các trường hợp bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp. Có hai loại thông dụng là dạng viên uống và dạng tiêm bắp. Dạng viên uống được chỉ định điều trị triệu chứng dài hạn các cơn viêm, đau mạn tính của viêm đau xương khớp (hư khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp). Dạng tiêm bắp thường dùng để điều trị giảm đau cấp, giảm viêm ngắn ngày.
Ai không được dùng?
Không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng thuốc meloxicam để điều trị các chứng đau, sưng do bệnh khớp gây ra. Trước tiên là những người đã bị dị ứng với thuốc hay đã có một lần dị ứng với thuốc thuộc nhóm NSAID (kháng viêm không steroid) không được dùng thuốc này. Nếu dùng tình trạng dị ứng thuốc sẽ trầm trọng hơn rất nhiều. Tiếp theo là những người đã từng có dấu hiệu hen hoặc đang bị hen suyễn, viêm mũi xoang dị ứng, nổi mề đay, viêm da dị ứng, chàm, tổ đỉa, polyp mũi, phù mạch hoặc bệnh về dạ dày tá tràng, đường ruột, bệnh gan, bệnh thận cũng không dùng thuốc. Meloxicam là thuốc chỉ được dùng theo sự kê đơn của bác sĩ nên người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết bệnh lý kèm theo của mình cũng như các thuốc đang sử dụng để được cân nhắc dùng thuốc tốt nhất. Ngoài ra, để tránh những tác dụng không mong muốn, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh không tự mua thuốc theo lời mách bảo để dùng.
Người mắc các bệnh gan, thận không dùng meloxicam chữa viêm khớp.
Và những nguy cơ...
Giống như các thuốc NSAID khác, meloxicam là thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn trên nhiều cơ quan trong cơ thể.
Với hệ tiêu hóa: Thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện khó tiêu, buồn nôn, nôn, táo bón, đầy hơi, ợ hơi, hoặc tiêu chảy. Mặc dù tỷ lệ gặp thấp nhưng thuốc có thể làm tăng men gan hay tăng sắc tố mật (bilirrubin máu) và có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng, chảy máu đường tiêu hóa, thậm chí gây thủng dạ dày.
Với hệ hô hấp: Meloxicam có tác dụng làm co thắt phế quản nên rất có khả năng gây cơn hen cấp, nhất là người có tiền sử bệnh hen hoặc đang bị hen suyễn. Một số trường hợp dùng meloxicam có thể bị chóng mặt, ù tai, buồn ngủ (ngủ gật).
Với tim mạch: Một tỷ lệ nhỏ (khoảng 1%) người sử dụng thuốc gặp tác dụng phụ của thuốc gây hồi hộp, đánh trống ngực, tăng huyết áp. Không chỉ thế, meloxicam có thể đe dọa tính mạng nếu xảy ra tình trạng đau tim hay đột quỵ, nhất là khi sử dụng thuốc lâu dài mà không có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Bên cạnh đó, thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống tăng huyết áp như các thuốc thuộc nhóm chẹn bêta, ức chế men chuyển, giãn mạch, lợi tiểu. Vì vậy, nếu người đang bị tăng huyết áp và dùng thuốc này cần hết sức thận trọng những tương tác thuốc.
Với thận: Mặc dù ít gặp nhưng thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến thận, gây viêm cầu thận, viêm thận kẽ, hoại tử tủy thận gây suy thận...
Khi dùng meloxicam cần chú ý gì?
Về ăn uống: Khi uống meloxicam không có chú ý đặc biệt gì về thực phẩm nhưng những người được chỉ định dùng thuốc này cần kiêng rượu, bia do có thể làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày hoặc thủng dạ dày.
Về liều lượng và thời gian uống thuốc: Về liều lượng cần lưu ý không được dùng quá 15mg mỗi ngày dưới dạng đơn thuần hay kết hợp viên nén và tiêm bắp. Loại thuốc meloxicam tiêm bắp chỉ được sử dụng trong những ngày đầu tiên của đợt điều trị và tiêm bắp sâu (tiêm mông) những ngày tiếp theo. Nếu vẫn tiếp tục điều trị phải dùng viên thuốc uống (viên nén). Thời gian dùng thuốc tốt nhất là sau khi ăn no. Với lứa tuổi trẻ em và phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không dùng meloxicam. Khi đang dùng meloxicam nếu thấy bất thường cần ngưng thuốc ngay và báo cho bác sĩ biết hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời.