Ngoài tác dụng phụ phổ biến gây tiêu chảy, những nguy cơ sau có thể xảy ra mà người dùng còn chưa chú ý nhiều...
Gây các vấn đề tiêu hóa
Thống kê cho thấy cứ 10 bệnh nhân dùng kháng sinh thì có một người gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như nôn, buồn nôn, khó tiêu, tiêu chảy, đầy hơi... Một số bệnh nhân còn gặp cảm giác thèm ăn. Đau bụng là một tác dụng phụ thường gặp của kháng sinh. Trong hầu hết các trường hợp, những phản ứng này không nghiêm trọng, có thể ổn định sau khi ngưng dùng kháng sinh mà không cần điều trị gì. Nếu vấn đề tiêu hóa vẫn tồn tại ngay cả sau khi dừng hẳn kháng sinh cần đi khám bác sĩ.
Kháng sinh làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột gây nhiều tác dụng phụ.
Giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chuyển hóa
Hệ thống miễn dịch có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc kháng sinh trực tiếp ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột. Khi số lượng vi khuẩn lành mạnh trong ruột giảm xuống, sẽ có tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch. Bình thường tỷ lệ phần trăm các vi khuẩn lành mạnh trong ruột cao hơn vi khuẩn gây bệnh, nhưng thuốc kháng sinh có thể giết chết những vi khuẩn tốt, làm các vi khuẩn gây bệnh có cơ hội xâm nhập đường tiêu hóa và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Sử dụng kháng sinh lâu dài cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa. Sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột gây ra bởi kháng sinh làm tăng nguy cơ rối loạn tự miễn dịch và các rối loạn viêm, thậm chí dẫn đến rối loạn chuyển hóa, như đái tháo đường, béo phì và hội chứng chuyển hóa. Viêm mạn tính có thể gây ra sự tích tụ chất béo và dẫn đến bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường týp 2 và bệnh tim mạch.
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 1
Kháng sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 1 ở phụ nữ. Một số nghiên cứu đã xác định được mối liên quan giữa sử dụng kháng sinh và bệnh đái tháo đường týp 1. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng nhận thấy rằng một đợt kháng sinh duy nhất có thể không làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường typ 1, nhưng nguy cơ gia tăng đáng kể sau 4-5 đợt dùng kháng sinh. Nguy cơ cao hơn khi sử dụng kéo dài các kháng sinh nhóm macrolide, quinolone, penicillin và cephalosporin.
Nhiễm nấm
Sử dụng kháng sinh kéo dài có thể dẫn đến tăng đáng kể nguy cơ nhiễm nấm âm đạo. Sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột có thể làm các loài nấm như Candida albicans phát triển theo cấp số nhân. Có thể làm giảm nguy cơ nhiễm nấm âm đạo bằng việc dùng viên nén lactobacillus acidophilus, tăng cường lượng sữa chua và probiotic cũng có thể giúp ích trong việc phòng ngừa nhiễm nấm.
Các vết loét miệng và đổi màu răng
Bằng cách tác động đến hệ vi sinh đường ruột, kháng sinh có thể gây ra một số vấn đề bệnh lý răng miệng, đặc biệt chứng loét miệng, bệnh nhiễm nấm Candida albicans ở miệng. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ phát triển các vết loét miệng cao hơn đáng kể với các loại kháng sinh như amoxicillin.
Một trong nhiều phản ứng phụ của kháng sinh là đổi màu răng. Điều này đặc biệt đúng đối với kháng sinh nhóm beta-lactam và tetracyclin. Tetracyclin dẫn đến sự đổi màu vĩnh viễn khi cho trẻ dưới 8 tuổi sử dụng. Điều quan trọng là phải tránh dùng tetracyclin trong thời gian mang thai bởi vì nó có thể ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt nếu bạn dùng kháng sinh trong 3 tháng giữa thai kỳ. Ở người lớn, các hiệu ứng đổi màu răng do kháng sinh ít xảy ra.
Gia tăng chứng trầm cảm
Stress có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, làm cho bạn dễ bị nhiễm khuẩn và khi đó bạn phải dùng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn. Vấn đề là lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây trầm cảm. Các bác sĩ kê đơn kháng sinh để điều trị các loại nhiễm khuẩn khác nhau. Thuốc không chỉ ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn mà còn loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù kháng sinh không gây trầm cảm, nhưng chắc chắn kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng. Lý do là kháng sinh có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột của bạn và giảm số lượng vi khuẩn lành mạnh trong đường tiêu hóa. Sự thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Điều đáng nói là những triệu chứng này không phải phổ biến và hầu hết mọi người không gặp vấn đề nghiêm trọng nào trong khi dùng kháng sinh. Trong trường hợp bạn đang gặp một số triệu chứng nhẹ liên quan đến tâm thần kinh, hãy nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức và bắt đầu dùng probiotic giúp tăng số lượng vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột của bạn.