Những nguy cơ gặp phải khi bị cầu cơ động mạch vành

30-10-2017 08:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cầu cơ động mạch vành là một bất thường bẩm sinh của hệ thống động mạch nuôi cơ tim. Dị tật này thường là lành tính và ít được phát hiện ra.

Nó thường chỉ tình cờ được phát hiện khi chúng ta kiểm tra hệ thống động mạch vành. Một số nhỏ nhóm bệnh nhân này có thể có những biến chứng như co thắt động mạch vành, cơn đau thắt ngực, tim nhanh thất. Nhiều người thường thấy nặng ở ngực kéo dài.

Nguy cơ khi bị cầu cơ động mạch vành

Bình thường cơ tim của chúng ta được nuôi bởi hệ thống mạch máu gọi là động mạch vành. Động mạch vành này thường nằm ở mặt trên cơ tim của chúng ta. Cầu cơ động mạch vành là một dải cơ tim nằm vắt qua động mạch vành, thay vì dải cơ này phải nằm dưới động mạch vành. Cầu cơ chỉ có một phần của động mạch vành nằm dưới vùng cơ tim mà thôi sau đó mạch này lại chạy lên nằm bên trên của cơ tim chúng ta. Vị trí thường hay gặp nhất của cầu cơ động mạch vành nằm ở nhánh động mạch vách liên thất trước.

Khoảng 5% người bình thường có dị tật này. Hầu hết các trường hợp, cầu cơ là vô hại. Hầu hết bệnh nhân có cầu cơ từ khi sinh ra nhưng gần như không hề biết mình có bệnh lý này vì gần như họ không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể có triệu chứng thiếu máu cơ tim do cầu cơ gây ra. Bình thường khi quả tim co bóp cũng sẽ đồng thời tống máu vào cả động mạch vành. Với những bệnh nhân có cầu cơ, khi co bóp cơ tim cũng làm vùng động mạch vành nằm dưới cơ tim bị thít hẹp hơn so với vùng động mạch vành ở phía xa nên có thể gây ra hiện tượng máu không cung cấp đủ cho vùng cơ tim. Hiện tượng này sẽ xảy ra nhiều hơn khi bệnh nhân có gắng sức nhiều hơn hoặc khi tim đập nhanh.

Những nguy cơ gặp phải khi bị cầu cơ động mạch vànhPhẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành.

Thường dưới 30 tuổi cầu cơ gần như không gây ra triệu chứng gì. Nhưng theo năm tháng, động mạch vành của chúng ta có thể bị xơ vữa. Vị trí xơ vữa gây hẹp và có thể gây tắc động mạch vành hay xảy ra ngay phía trên của cầu cơ động mạch vành. Điều này được giải thích do các tác nhân gây co mạch do cầu cơ như nitric oxide nội mạc, endothelin 1 và men chuyển dạng angiotensin xuất hiện trong quá trình xơ vữa ở trên những bệnh nhân có cầu nối động mạch vành.

Triệu chứng khi có bệnh

Trên 1/3 bệnh nhân cầu cơ động mạch vành không hề có triệu chứng, thậm chí dù tim của họ không có đủ máu nuôi đoạn dưới cầu cơ. Triệu chứng thường xuất hiện khi có thiếu máu và hay có các triệu chứng như sau: đau ngực; cảm giác bó chặt ở ngực hay cảm giác bị đè nặng ở phía trước ngực; đau ngực lan ra tay trái hoặc lên phía dưới hàm; khó thở; mệt. Một số trường hợp bệnh nhân có thể có các triệu chứng của thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, co thắt động mạch vành.

Một số tình trạng lâm sàng hiếm gặp hơn trên những bệnh nhân này là rối loạn nhịp gây ra khi gắng sức như tim nhanh trên thất hoặc tim nhanh thất, blốc nhĩ thất hoặc tình trạng rối loạn thất trái thoáng qua, ngất hoặc thậm chí đột tử.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Các xét nghiệm chẩn đoán không xâm lấn: chụp cắt lớp vi tính đa nhát cắt (Multiple-slice computer tomography- MSCT), siêu âm tim gắng sức hoặc SPECT gắng sức có thể dùng để chẩn đoán được cầu cơ động mạch vành. Sự phát triển của một số kỹ thuật cũng như kinh nghiệm gia tăng từ các bác sĩ hiện nay đã giúp chẩn đoán được chính xác nhiều ca cầu cơ động mạch vành. Chụp SPECT gắng sức có thể giúp phát hiện vùng cơ tim bị thiếu máu ở bệnh nhân có cầu cơ và liên quan mức độ thiếu máu với mức độ hẹp trong thời kỳ tâm thu. Siêu âm tim gắng sức cũng có thể phát hiện cầu cơ động mạch vành nhưng giá trị chính xác không cao.

Các xét nghiệm chẩn đoán xâm lấn: chụp động mạch vành qua da là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định cầu cơ động mạch vành. Chẩn đoán cầu cơ động mạch vành khi thấy khẩu kính động mạch vành thay đổi giữa thời kỳ tâm thu (cơ tim bóp) và thời kỳ tâm trương (tim nghỉ). Cầu cơ này có thể tăng lên nếu chúng ta tiêm nitroglycerin động mạch vành. Siêu âm tim trong lòng mạch (IVUS) có thể phát hiện được đoạn cầu cơ động mạch vành cũng như đánh giá được mức độ xơ vữa ở phía trước của cầu cơ. Đo dự trữ dòng chảy động mạch vành (FFR) có thể được sử dụng để đánh giá mức độ hẹp có ảnh hưởng đến huyết động hay không của động mạch vành.

Điều trị thế nào?

Hầu hết bệnh nhân không cần điều trị gì nếu không có triệu chứng. Khi có triệu chứng do cầu cơ động mạch vành gây ra, đa phần là chỉ dùng thuốc đơn thuần. Các biện pháp khác như đặt stent, mổ bắc cầu nối chỉ nên tiến hành trên một số nhóm bệnh nhân đặc biệt.

Điều trị thuốc cho cầu cơ động mạch vành: Điều trị thuốc cho cầu cơ động mạch vành chỉ khi có triệu chứng. Thuốc hay được kê cho cầu cơ động mạch vành là chẹn kênh canxi như tildiem. Lựa chọn thứ hai cho cầu cơ động mạch vành là các thuốc chẹn bêta như betaloc, concor, nebilet... Các thuốc giãn mạch như nitrates (thuốc thường hay được sử dụng trong điều trị các cơn đau khi do bệnh lý động mạch vành) lại không nên dùng ở những bệnh nhân này.

Can thiệp động mạch vành: Đặt stent động mạch vành có thể tiến hành nếu cầu cơ gây ra hẹp đáng kể động mạch vành cũng như gây ra triệu chứng rõ ràng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đặt stent động mạch vành trong cầu cơ có thể làm stent dễ bị biến dạng, gãy stent, tái hẹp trong stent và huyết khối trong stent.

Phẫu thuật: Có thể tiến hành 2 cách đó là mổ bắc cầu nối động mạch vành hoặc mổ tách dải cơ bắc ngang qua động mạch vành. Tuy nhiên phẫu thuật này có hạn chế do có thể gây phình vách thất, thủng tim, chảy máu trong mổ. Do đó chỉ nên tiến hành ở những bệnh nhân có triệu chứng nặng nề.


TS.BS. Phạm Như Hùng
Ý kiến của bạn
Tags: