Hãy cùng tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra với sức khỏe nếu bạn lười tập thể dục hay ít hoạt động thể chất nhé!
Béo phì: Tổ chức Y tế Thế giới công bố rằng những người không tập thể dục thường xuyên có nguy cơ bị béo phì cao gấp đôi những người chăm chỉ rèn luyện thể chất. Đây là một mối lo ngại về sức khỏe nghiêm trọng đối với bất cứ ai, dù trẻ hay già. Có rất nhiều bệnh liên quan đến béo phì như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim và ngưng thở khi ngủ.
Nguy cơ cao bị sỏi mật: Nếu không tập thể dục, tốc độ chất thải đi qua đại tràng sẽ chậm lại. Điều này có thể gây sỏi mật, đặc biệt là khi có tăng triglyceride đi kèm. Nếu bị sỏi mật, các triệu chứng có thể thấy như buồn nôn, sốt và đau ở thượng vị.
Một trong những nguyên nhân gây loãng xương là ít vận động.
Tăng nguy cơ loãng xương: Nếu ít vận động, cơ thể có thể giảm dần khối lượng xương. Với thời gian xương càng ngày càng yếu đi. Tiếp theo sẽ là chứng loãng xương và sẽ dễ bị gãy xương hơn. Điều này thường thấy ở người cao tuổi. Tập thể dục và hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp củng cố xương và ngăn ngừa loãng xương.
Khả năng tăng huyết áp: Khi bạn không tập thể dục, lượng máu sẽ gây áp lực lên vách động mạch nhiều hơn, gây tăng huyết áp. Đây là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với các bệnh khác nhau như bệnh tim mạch, bệnh thận và đột quỵ. Với các hoạt động thể chất tích cực, trái tim sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn. Đồng nghĩa là trái tim và hệ tuần hoàn có thể bơm máu hiệu quả hơn.
Tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư đại tràng: Hoạt động thể dục không đầy đủ và thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Do quá trình tiêu hóa bị chậm lại, để lại chất thải trong ruột già lâu hơn. Vì vậy, cơ thể có thể bị tiếp xúc với chất gây ung thư lâu hơn. Tập thể dục giúp điều chỉnh lượng hormon giúp giảm nguy cơ ung thư vú.
Dễ mắc bệnh tim: Lưu lượng máu có thể bị suy giảm khi bạn không tập thể dục. Cholesterol cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim và cholesterol tăng khi bạn không hoạt động. Với các bài tập thể dục, sẽ giúp giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu) và tăng HDL (cholesterol tốt), đồng thời có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim.
Nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường týp 2: Bệnh đái tháo đường týp 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc hình thành tình trạng kháng insulin. Hai yếu tố vừa nêu có thể xuất hiện khi bạn thừa cân và không tập thể dục đầy đủ.
Khó thở: Nếu không có hoạt động thể chất thường xuyên, việc trao đổi ôxy trong cơ thể gặp trở ngại, do đó bạn cảm thấy như mình đang không có đủ không khí. Tập thể dục đều đặn có thể giúp mạch máu, sức khỏe tim và khả năng hoạt động phổi tốt hơn.
Ngủ kém: Thời gian ngủ có liên quan với tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa mất ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nếu không tập thể dục đầy đủ, chất lượng giấc ngủ sẽ kém hơn.
Chuyển hóa chậm: Khi không tập thể dục, cơ bắp của bạn giảm và lượng mỡ cơ thể sẽ tăng lên, làm chậm quá trình trao đổi chất. Để giúp chống lại điều này, tập thể dục thường xuyên và tập luyện có đối kháng mang lại hiệu quả.
Giảm năng lượng: Ty thể nằm trong tế bào được coi là các nhà máy sản xuất năng lượng. Khi trái tim không hoạt động đúng cách do ít vận động, số lượng ty thể trong tế bào sẽ giảm dẫn đến giảm cung cấp năng lượng cho cơ thể và gây ra mệt mỏi.
Các rối loạn về cơ bắp: Nếu không tập thể dục, cơ bắp của bạn sẽ trở nên mỏng và yếu. Một lối sống tĩnh tại thậm chí có thể dẫn đến teo cơ. Điều này có nghĩa là cơ của bạn sẽ giảm khối lượng, mất linh hoạt và có dễ bị thương tổn.
Hệ thống miễn dịch yếu: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu không tập thể dục thường xuyên, hệ thống miễn dịch dần bị yếu đi. Bạn sẽ dễ bị cúm và cảm lạnh thông thường. Nếu bạn thường xuyên dễ mắc bệnh, tập thể dục thường xuyên là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả.
Tăng nguy cơ lo âu và trầm cảm: Báo cáo WHO cho thấy, những người ít hoạt động có nhiều khả năng bị trầm cảm và lo lắng. Hoạt động thể chất giúp các hóa chất được giải phóng trong cơ thể làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
Trục trặc tình dục: Nếu không tập thể dục, bạn sẽ thấy giảm sức mạnh và sức chịu đựng, ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục của bạn. Thiếu tập thể dục có thể gây căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu gây giảm ham muốn. Hơn nữa, rối loạn chức năng cương dương cũng thường xảy ra ở những người đàn ông có cuộc sống tĩnh tại và kém vận động.
Tóm lại, để cơ thể tránh gặp những vấn đề về sức khỏe, ngoài một số yếu tố nguy cơ như giới tính, sắc tộc, tuổi và di truyền là không thể thay đổi được, thì yếu tố nguy cơ như lối sống kém vận động là hoàn toàn có thể thay đổi được. Một số bài tập hiệu quả mà dễ dàng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe và bơi lội. Bằng cách thay đổi thói quen, lối sống khiến bạn di chuyển nhiều hơn hàng ngày, chẳng hạn như đi cầu thang bộ thay vì chọn thang máy hoặc đi bộ 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày mỗi tuần, cũng có thể mang lại hiệu quả rõ rệt cho sức khỏe.