Voọc gáy trắng (còn gọi là Voọc Hà Tĩnh) có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis. Đây là một trong những loài linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, cần ưu tiên bảo tồn. Voọc gáy trắng là loài đặc hữu của khu vực miền Trung Việt Nam và Lào. Ở Việt Nam, loài này chỉ phân bố giới hạn tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Voọc gáy trắng là loài động vật sống trên cây, ăn quả lá và hoa.
Tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) có một Khu bảo tồn cộng đồng Vọoc gáy trắng với diện tích 509,42 ha. Khu bảo tồn cộng đồng này được thành lập năm 2018 với mục đích bảo tồn quần thể Voọc đen gáy trắng và các loài động vật hoang dã khác.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú (trú xã Thạch Hóa - một người lính biên phòng về hưu), khoảng năm 2012, người dân địa phương phát hiện một đàn Voọc gáy trắng chừng 10 con từ trên núi đá vôi Thiết Sơn xuống gần khu dân cư. Một số người xem đó là động vật bình thường nên bẫy bắt. Sau khi tìm hiểu, biết được đây là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng nên ông Tú và một số người dân tình nguyện đứng ra bảo vệ chúng.
Năm 2013, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú vận động được 4 thành viên tham gia vào Tổ tự nguyện bảo vệ loài Voọc đen gáy trắng. Trong đó có một số thành viên từng là thợ săn, bẫy thú rừng. Không thù lao, không chế độ, nhưng tổ tự nguyện bảo vệ Voọc đen gáy trắng hoạt động hiệu quả. Hiện số thành viên của tổ là 16 người. (Trong ảnh: ông Tú bên phải và ông Nguyễn Văn Hồng, trú xã Đồng Hóa - từng là thợ săn thú nay đã tình nguyện đứng ra bảo vệ đàn Voọc).
Ông Tú thường xuyên cùng các thành viên trong Tổ kiểm tra tại các ngọn núi đá vôi để gỡ bẫy săn, ngăn chặn phá rừng, tuyên truyền người dân không săn bắt động vật hoang dã quý hiếm và thuyết phục nhiều người chung tay bảo vệ chúng. Sau mỗi chuyến tuần tra, thông tin về số lượng cá thể Voọc được các thành viên cập nhật, kiểm đếm, tổng hợp đầy đủ.
“Từng là thợ săn nên chúng tôi khá thông thạo địa hình, biết rõ những nơi Voọc thường kiếm thức ăn, cách thợ săn đặt bẫy, để có biện pháp bảo vệ”, ông Nguyễn Văn Hồng, thành viên tổ bảo vệ tự nguyện cho biết.
Sau những chuyến tuần tra, Tổ tự nguyện bảo vệ Voọc thu được không ít bẫy thú.
Ngoài việc tiếp cận khu vực sinh sống của loài Voọc đen gáy trắng để bảo vệ, các thành viên Tổ bảo tồn tự nguyện còn thực hiện công tác tuyên truyền tới người dân, học sinh. Những em nhỏ khi biết được quê hương mình đang có "báu vật" cư trú tỏ ra thích thú và mong muốn được bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Long, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, từ khi phát hiện đàn Voọc gáy trắng sinh sống ở huyện Tuyên Hóa, đơn vị đồng hành với người dân, Tổ Bảo tồn thiên nhiên và chính quyền địa phương để quản lý, bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, đơn vị đã ban hành quyết định thành lập Tổ tự nguyện bảo vệ đàn voọc. Tổ hoạt động dựa theo quy chế và quyết định hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm huyện cũng phối hợp, tăng cường công tác tuần tra, truy quét lâm tặc, bảo vệ hiệu quả diện tích quy hoạch rừng đặc dụng.
Với sự chung sức của cộng đồng, đến nay, trên địa bàn các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa, Thuận Hóa huyện Tuyên Hóa ghi nhận 22 đàn với hơn 150 cá thể Voọc đen gáy trắng.