Những người tiên phong trong y học phương Tây

26-08-2016 14:34 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hippocrates, Florence Nightingale, Archibald McIndoe, Joseph Murray cho đến Marie Curie… đều là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đồng thời họ cũng là những bác sĩ...

Hippocrates, Florence Nightingale, Archibald McIndoe, Joseph Murray cho đến Marie Curie… đều là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đồng thời họ cũng là những bác sĩ, y tá với tài năng xuất chúng có những đóng góp rất lớn và thúc đẩy nền y học nhân loại nói chung và y học phương Tây nói riêng.

Cha đẻ của y học phương Tây

Hippocrates (460 - 370 trước Công nguyên) là bác sĩ ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại được vinh danh là cha đẻ của y học phương Tây, đặc biệt là những phát minh đi trước thời đại trong đó có những quan điểm chỉ ra rằng bệnh tật không phải bị gây ra bởi các vị thần mà xuất phát từ những nguyên nhân như: lối sống, chế độ ăn uống, các yếu tố môi trường. Những điều này tưởng chừng chỉ là kiến thức cơ bản đối với chúng ta ngày nay nhưng ở thời đại niềm tin tôn giáo được tôn thờ tuyệt đối thì quan điểm này vấp phải nhiều rào cản. Trước Công nguyên, con người chưa hiểu phương thức hoạt động trong cơ thể người và việc phẫu thuật xác chết để nghiên cứu tìm hiểu là điều tuyệt đối cấm kỵ. Do đi trước thời đại, chống lại quan điểm tôn giáo về bệnh tật của con người, Hippocrates đã bị kết tội đi tù 20 năm. Ở trong tù, ông đã viết cuốn “Cơ thể phức tạp” mà rất nhiều điều trong đó vẫn còn đúng cho đến ngày nay. Ngoài ra, ông còn để lại bộ dụng cụ y tế gọi là Hippocratic Corpus bao gồm 70 văn bản quy định chi tiết về các triệu chứng, phương pháp điều trị của các căn bệnh. Hippocrates còn là tác giả của Lời thề Hippocrates - gồm những tiêu chuẩn đạo đức và luân lý các bác sĩ phải tuân theo. Lời thề Hippocrates đến nay vẫn được vang lên trong những buổi tuyên thệ tốt nghiệp trường Y ở một số khu vực.

Florence Nightingale - người sáng lập ra ngành điều dưỡng.

Người sáng lập ngành điều dưỡng

Florence Nightingale (1820 - 1910) là một y tá nổi tiếng trong lịch sử y học cổ đại và hiện đại. Bà được biết đến với biệt danh “Nữ công tước với cây đèn” vì trong đêm tối bà thường cầm cây đèn trên tay ân cần đi thăm khám các binh lính bị thương chuyển về từ chiến trường. Florence được sinh ra trong một gia đình tầng lớp thượng lưu ở Anh. Sau khi rời trường, bà tình nguyện tham gia ở Chiến trường Đông Âu tại Crimeam vào năm 1984. Bởi trong thời điểm này, dịch tả và thương hàn đang bùng phát rất nhanh, những người lính bị thương kèm theo mắc tả có tỷ lệ tử vong cao gấp 7 lần so với tỷ lệ tử vong do súng đạn. Florence đã đưa ra yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ bệnh viện để đảm bảo công tác vệ sinh, chống nhiễm khuẩn đồng thời xoay sở để cung cấp đủ phương tiện y tế. Do đó, tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn đã giảm từ 42% xuống còn 2%. Nhưng chính trong cuộc chiến này, Florence đã mắc căn bệnh sốt gọi là sốt Crimee (bệnh Brucellosis truyền từ gia súc). Không còn khả năng làm việc, bà được nhân dân và chiến sĩ Anh tặng 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe nhưng bà đã dùng số tiền này thành lập Trường Điều dưỡng Nightingale với chương trình đào tạo 1 năm. Từ đó, Florence được coi là người sáng lập ra ngành điều dưỡng thế giới và ngày sinh 12/5 của bà trở thành ngày truyền thống của ngành điều dưỡng.

Người phát minh kỹ thuật cấy ghép da

Sir Archibald McIndoe (1900 - 1960) là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ người New Zealand nhưng tham gia phục vụ cho Không quân Hoàng gia Anh (RAF) từ năm 1938. Trong Thế chiến thứ II, ông bắt đầu điều trị cho những binh lính bị thương, bỏng nặng, tham gia phẫu thuật chỉnh hình và là một trong bốn bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nổi tiếng nhất nước Anh thời đó. Phương pháp truyền thống thường được áp dụng là sử dụng axit để loại bỏ làn da bị hư hỏng và chờ đợi thêm 2 tháng để phẫu thuật chỉnh sửa lại. Nhưng quá trình này quá lâu, gây đau đớn và nguy hiểm nếu bị nhiễm trùng. Để khắc phục tình trạng này, Archibald McIndoe đã phát minh ra phương pháp phẫu thuật cấy da ngay lập tức, cắt bỏ các mô hư hỏng để ghép da mới. Điều này tăng đáng kể cơ hội chữa bệnh dẫn đến các vết sẹo nhỏ, mờ hơn. Ông cũng phát triển các kỹ thuật ghép da mới có tỷ lệ lây nhiễm thấp và khả năng thành công cao. Ngoài phẫu thuật, ông còn được biết đến với việc ứng dụng thành công những phương án phục hồi tinh thần cho những người bị bỏng đến biến dạng bị tổn thương bởi sự xa lánh của mọi người.

Hippocrates - cha đẻ của y học phương Tây.

Người đặt nền móng cho ngành thần kinh học

Signmund Freud (1856 - 1939) - nhà thần kinh học người Áo (tên đầy đủ là Sigmund Schlomo Freud) được biết đến là cha đẻ - người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học. Ông chuyên điều trị cho các bệnh nhân mắc chứng “cuồng loạn” và rối loạn thần kinh. Cho đến nay, mặc dù lý thuyết về phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi và người ta còn đang so sánh hiệu quả của các phương pháp phân tâm học của ông với các phương pháp điều trị khác nhưng phải thừa nhận rằng ông là nhà y học có tư tưởng lớn trong thế kỷ 20.

Người đặt nền tảng của xạ trị trong y học hiện đại

Marie Curie (1867 - 1934) là nhà vật lý học, nhà hóa học người Ba Lan nổi tiếng trên toàn thế giới về nghiên cứu chất phóng xạ. Bà là người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới 2 lần được nhận giải thưởng Nobel trong 2 lĩnh vực khác nhau, được suy tôn là nữ bác học xuất sắc nhất trên toàn thế giới. Nghiên cứu của Curie đã giúp phát triển bức xạ thành một công cụ điều trị tế bào ung thư - nền tảng của xạ trị trong y học hiện đại ngày nay mặc dù phương pháp xạ trị đã có sự cải tiến. Vào thời điểm đó, bà đã dùng ống thủy tinh nhỏ với Radon (một loại khí phóng xạ) chèn vào các khu vực của khối u làm cho chúng co lại. Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Marie cùng con gái đã dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu hỗ trợ lĩnh vực y tế đồng thời vận động sử dụng máy chụp Xquang di động để điều trị cho người bị thương do súng đạn, mảnh bom hoặc gãy xương. Trong hai năm 1921 và 1929, bà đã đến Mỹ để gây quỹ cho nghiên cứu radium và thành lập viện nghiên cứu radium ở Warsaw. Tuy nhiên, sau những năm tháng miệt mài làm việc với các chất phóng xạ đã có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Marie Curie. Bà qua đời ngày 4/7/1934 với chẩn đoán do thiếu máu không tái tạo. Năm 1995, tro xương của bà cùng chồng được đưa vào điện Pantheon ở Paris - nơi an nghỉ của các vĩ nhân lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước Pháp. Marie trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất được an nghỉ tại nơi đây.


Minh Huệ (Theo LV)
Ý kiến của bạn