Việc bộ phim truyện đầu tay Bi, đừng sợ! của đạo diễn 34 tuổi Phan Đăng Di tiếp tục ẵm giải thưởng Tài năng mới (The New talent award) trong khuôn khổ LHP châu Á - Hong Kong 2010 sau khi vượt qua hơn 900 tác phẩm dự thi để ẵm cú đúp giải thưởng tại LHP Cannes (giải SACD cho kịch bản hay nhất và giải ACID/CCAS giúp bộ phim về công tác phát hành sau này) trong chương trình Tuần lễ phê bình phim đưa Phan Đăng Di trở thành niềm hy vọng vào một thế hệ những nhà làm phim trẻ có thể quyết định tương lai tươi sáng hơn của phim ảnh Việt Nam.
Phan Đăng Di cũng chính là tác giả kịch bản của bộ phim Chơi vơi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) - đoạt giải thưởng của Hiệp hội các nhà phê bình phim thế giới (Fipresci) tại LHP Venice lần thứ 66. Điều dễ nhận ra trong câu chuyện gia đình ở hai bộ phim này, anh dành sự quan tâm đặc biệt đến mức bênh vực cho những người phụ nữ...
Phan Đăng Di và các diễn viên thạm gia trong phim "Bi, đừng sợ!". Nguồn: video4viet.com. |
Những người phụ nữ mạnh mẽ sống giữa các gã đàn ông yếu đuối là hình ảnh dễ bắt gặp trong các phim của Di. Cô sinh viên làm điếm để lấy tiền nuôi người bà và trang trải cuộc sống, trong khi người yêu của cô chấp nhận tình cảnh đó (Khi tôi 20). Duyên bị anh chồng trẻ con bỏ mặc kể từ đêm tân hôn cho đến sau những ngày cưới. Cô Vy tìm đến cái chết khi biết người đàn ông mình yêu không còn yêu mình (Chơi vơi). Người ông đau ốm. Anh chồng say xỉn. Cậu bé thơ trẻ. Trong khi đó, người cô ruột của Bi kìm nén nỗi khát khao tình yêu với cậu học trò trẻ tuổi. Hoa - mẹ Bi biết chồng ngoại tình nhưng ra sức chịu đựng để giữ cuộc sống gia đình êm ấm. Người giúp việc cao tuổi tận tụy và trung thành (Bi, đừng sợ!). “Phụ nữ là một nửa thế giới và hơn thế là một nửa mạnh mẽ. Tôi tin điều này qua những gì tôi thấy được từ phụ nữ VN, họ mạnh không phải vì họ độc lập với nam giới hay họ nắm quyền điều khiển xã hội, họ mạnh vì có những niềm tin giản dị và nghiêm túc hơn với cuộc sống. Sự nhẫn nại của họ trước những người đàn ông mà phần lớn là không trung thực, thiếu tự tin và dễ dàng ngả theo những khoái cảm tầm phào cũng cho thấy họ vững vàng hơn đàn ông về mặt tinh thần”, Di trả lời phỏng vấn in trên catalogue LHP Cannes 2010 do Hiệp hội Phê bình quốc tế LHP Cannes thực hiện.
Điều làm nên sức ám ảnh của những thước phim mang tên Phan Đăng Di không nằm ở chỗ anh “ưu ái” phụ nữ. “Di thường khai thác mặt bản năng và phần sâu xa nhất trong mỗi con người. Nhiều khi hành động và suy nghĩ của nhân vật không theo chuẩn mực nào cả”, diễn viên Hoa Thúy - người thủ vai cô ruột của Bi trong Bi, đừng sợ! chia sẻ. Chính việc đi đến tận cùng những trạng thái cảm xúc khó nắm bắt của nhân vật mà Di truyền cảm xúc đến người xem, khiến họ đồng cảm với câu chuyện của anh, dù không phải họ có thể dễ dàng hiểu và chia sẻ với các nhân vật. Hình ảnh cô giáo mẫu mực nhưng phải kìm nén dục vọng bản thân bằng những viên đá lạnh có thể làm buốt nhức trái tim người xem. Hay ước muốn trẻ con ngây thơ và hồn nhiên nhưng rất đỗi con người của bé Bi, khi nó tin rằng những viên đá có thể ướp cho những chiếc lá vàng tươi mãi, làm giảm cơn đau của ông nội... Phía sau vẻ nhẫn nhịn của mẹ Bi là sự khao khát một cuộc sống hạnh phúc với những chia sẻ của người chồng. Vì khai thác đến ngọn nguồn của những cảm xúc nên câu chuyện kể của Di thường khiến người xem rơi vào cảm giác chơi vơi. Để rồi mỗi người tìm thấy một thông điệp cho riêng mình.