Những người nối đất mẹ với Trường Sa

25-05-2013 10:02 | Xã hội
google news

Nói đến Trường Sa là nói đến những người lính đảo anh hùng nơi đầu sóng ngọn gió; là những chuyến thăm của các đoàn đại biểu từ trong nước đến với đảo, Nhà dàn DK1 mang theo lòng kính trọng và sự chia sẻ của đất mẹ với những người con yêu quý của mình giữa muôn trùng sóng nước.

Nói đến Trường Sa là nói đến những người lính đảo anh hùng nơi đầu sóng ngọn gió; là những chuyến thăm của các đoàn đại biểu từ trong nước đến với đảo, Nhà dàn DK1 mang theo lòng kính trọng và sự chia sẻ của đất mẹ với những người con yêu quý của mình giữa muôn trùng sóng nước. Thế nhưng chiếc cầu nối đất mẹ với Trường Sa ấy hình như ít được nói đến. Chiếc cầu ấy là những con tàu vận chuyển khách, quà, lương thực, vũ khí, vật liệu xây dựng và cả tình yêu đến với Trường Sa, trong đó có con tàu HQ 960 mà tôi từng sống trên đó hơn chục ngày.

Trường Sa bỗng gần hơn qua những chuyến tàu hải quân. Khái niệm Tổ quốc cụ thể và sinh động hơn khi trên hải trình, những rừng Sác, phao số không, “đường cơ sở”, “vùng lãnh hải”, mỏ Bạch Hổ rồi những đảo, đá, nhà giàn khi tàu sắp đến hoặc đi qua được giới thiệu tỉ mỉ qua hệ thống truyền thanh trên tàu. Chuyện đơn giản như “phao số không” chắc chắn còn lắm người đến nay vẫn nhầm tưởng đó là mốc ranh giới giữa vùng lãnh hải Việt Nam và biển quốc tế! Mốc ranh giới thì đúng rồi nhưng là “mốc... hải quan” (chứ không thuộc hải quân) đứng trên luồng trước của sông để làm thủ tục quan thuế, hàng hóa. Rồi những địa danh khác được giới thiệu đã biến đất nước thành hình hài cụ thể. Hải quân ta chu đáo thật! Cái chu đáo của tình yêu bởi mỗi chuyến tàu ra khơi không hẳn chỉ là sự di chuyển từ điểm A đến điểm B, C, D nào đó mà là chuyến tàu đến với tình yêu Tổ quốc, đến với lòng tự hào về biển trời của ta, chủ quyền của ta nằm trong mỗi con người.

Những người nối đất mẹ với Trường Sa 1Nâng đỡ khách lên xuống tàu, Nhà dàn DK1.      Ảnh: L.Q.H
Con tàu HQ 960 chúng tôi đi có tên gọi là tàu “Titan”. Trung tá thuyền trưởng Lê Tứ Chung hỏi có biết gì về con tàu này, tôi nói “bừa”:

- Chắc đầu tiên là tàu “Titanic” nhưng bão gió và những mưu toan lấn chiếm của ai đó thổi bay cái đuôi “ic” để thành thứ kim loại cứng hơn thép nhưng gọn, tinh nhẹ chỉ bằng nửa thép sẵn sàng húc vỡ những cản trở trên hải trình của mình chứ gì? Ấy là cái tàu chứ anh em thủy thủ trên tàu theo thần thoại Hy Lạp là những vị thần đầy sức mạnh gắn liền với rất nhiều khái niệm như đại dương, trí nhớ, tầm nhìn và quy luật tự nhiên sau đó sinh ra các thế hệ thần khác nữa như thần Prometheus chẳng hạn...

Anh em trên buồng lái cười rinh rích và bảo:

- Thế thì các tàu hải quân của ta đều là “Titan” thật!

“Titan” quá đi chứ! Tôi bảo đảm những chiến binh trên tàu HQ 960 và những tàu HQ chở khách khác là những người có sức mạnh chuyên “nâng đỡ” người khác theo đúng nghĩa! Khách trên tàu già hay trẻ, nam hay nữ, chức vụ to nhỏ ra sao, học hàm học vị thể nào đều được anh em hàng ngày đỡ từ tàu xuống xuồng, nâng từ xuồng lên cầu tàu trên đảo hoặc nâng lên thang dàn DK1 để rồi sau đó lại đỡ xuống xuồng và nâng lên tàu tiếp tục hành trình đem tình yêu của đất liền đến với người lính nơi tiền tiêu Tổ quốc. Sóng nhỏ hay sóng lớn không có sự “nâng đỡ” này, xuồng đập vào chân khách, thương tích là cái chắc! Họ không chỉ nâng từng bàn chân đúng nghĩa đen, còn nâng giấc, nâng bữa cho từng người từ đất liền ra với tất cả sự chu đáo, nhiệt tình.

Đi biển chóng đói thật nên khách ngày phải ăn 4 bữa mới đủ sức. Thế nhưng “những vị thần nâng đỡ” vẫn cứ phải chia ca 3 tiếng một để con tàu đi không ngơi nghỉ. Nhiều anh em trực ca 0 giờ đến 3 giờ, sức trẻ chưa đẫy giấc nghe thông báo “toàn đoàn báo thức - báo thức toàn đoàn” mắt nhắm mắt mở đã vùng dậy, chả kịp ăn uống, tỉnh như sáo, lao đến hạ xuồng rồi... nâng đỡ đầy vô tư với nụ cười dư thừa sự sảng khoái của những “Titan”! Không hiểu sao nhìn anh em tôi lại nghĩ đến đất liền với những cái phong bì dành cho người nâng đỡ! Nâng đỡ nhau lên cái chức này quyền nọ mà nhiều đại biểu Quốc hội gọi là “chạy” đã đành mà nâng đỡ một dự án, một hợp đồng để hàng trăm hoặc hàng nghìn người có công việc làm ăn chính đáng mà cũng phải “chạy” mới lạ. Rồi xin cái giấy chứng nhận, giấy phép xây dựng, kinh doanh nào đấy cũng phải “phong bì” để được “nâng đỡ” cho nhanh, khỏi rắc rối! Xem ra chuyện hô hào cán bộ công bộc của dân phải biết cười với dân tưởng dễ mà thật khó và có lẽ nếu được đi tàu HQ ra Trường Sa chắc tình hình trên sẽ cải thiện hơn nhiều.

Vất vả là thế, quá tải là thế nhưng chắc chắn chưa có điều đáng tiếc nào dù là nhỏ nhất xảy ra. Có phải do quân đội ta, hải quân ta không biết chấp nhận những lý do “nguyên nhân khách quan”, “lực lượng mỏng”, “chưa nhận thức đầy đủ” (và vân vân) đã quá nhàm tai vẫn ra rả hàng ngày trong không ít giải trình trên bờ?

Vừa nói đến chi tiết thông báo “toàn đoàn báo thức - báo thức toàn đoàn” trên tàu, xin giải thích cho bạn đọc rõ, ấy là quy định “lặp ngược” của hải quân. Có đi tàu mới giải được câu đố của Thượng tá Chủ nhiệm văn hóa Quân chủng Mai Xuân Huy rằng tại sao tàu trên biển là “HQ...” nhưng xe hải quân trên bờ lại mang biển số “QH...”. Cứ tưởng ông thượng tá văn hóa này đố chữ rằng ở biển thì hát về Q còn lên bờ thì Q hát nhưng cái sự lặp ngược đúng với sự tận tuỵ, cảm thông, chia sẻ của những người lính biển. Có một đại biểu trên tàu ra Trường Sa chắc xúc động quá nên không kịp chuẩn bị, ngồi trên boong tàu cứ đánh cái quần dài sườn sượt. Thiếu tá Sơn - Phó Hải đội 5 thuộc Lữ 125 nhìn là biết ngay ông khách thiếu quần lửng liền kiếm một chiếc tặng khách để mặc lúc trên tàu cho thoáng! Rồi đại úy Thắng - chính trị viên của tàu cũng dúi vào tay khách chiếc quần đùi của lính hải quân “để nhỡ có lúc anh cần tắm”! Chưa nói đến vật chất, sự nhận biết tinh tế và sẵn sàng chia sẻ, lo cho người khác dù mới quen 1 ngày chắc chỉ có trên những con tàu của hải quân chở tình yêu đến những đảo xa.

Cái sự hiểu người, đọc ý nghĩ trong đầu người khác, với tôi, có lẽ lính hải quân vào loại bậc nhất! Hôm ở Trường Sa lớn, thấy tôi một mình ra góc đảo cứ nhìn biển, nhìn sóng chằm chặp, thuyền phó Phạm Văn Hải, quê tận Hải Phòng “bắt mạch” được ngay:

- Bác thèm tắm ở đây hả? Để cháu “cảnh giới” cho, cứ “tiên” cho sướng, lên dội nước ngọt ở kia!

Thế rồi đầu ướt lướt thướt bị Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành - Phó Tư lệnh Quân chủng phát hiện, tôi tá hỏa vì lo tội “tắm trộm”, nào ngờ vị tướng trẻ cười: “Tắm thì tắm nhưng nhớ đi dép kẻo san hô nó cứa. Tôi biết anh là nghệ sĩ cứ phải ùm trong sóng Trường Sa mới thật là ra Trường Sa”. Chao ôi, từ cậu sĩ quan trẻ đến vị tướng hải quân “nhìn cái biết ngay” đang ẩn giấu trong lòng người thì những mưu toan của những thế lực bành trướng qua sao được con mắt hải quân! Những con mắt nằm trong trái tim như thế biết thông cảm với “ta” hẳn cũng sẽ biết nhiều đối sách với “thù”. Hiểu người, lại biết “chiều” người là đặc điểm của lính hải quân chăng khi các anh ngoài biển và trời còn có gì khác ngoài tình người.
 
Hôm ở đảo Tốc Tan, thấy tôi làm xong việc, thuyền phó Hải nháy tôi nhảy xuống xuồng đi ra xa đến hơn một cây số. Anh em trên tàu “nâng đỡ” khách lên đảo, trong lúc chờ khách được nghỉ, lại tranh thủ đi bắt cá, mò hải sâm. Cái nháy mắt rủ tôi xuống xuồng đi xa của Hải hình như để “khoe” biển “của anh” cũng là tình yêu biển, yêu phần lãnh thổ yêu quý của đất nước trong anh. Thượng tá Lương, trợ lý tác chiến của Quân chủng hiểu lính, hiểu khách mới “đầu trò” cái “vụ” này nhưng vẫn dặn anh em: “Giao bác ấy cho các cậu, phải trả về nguyên băng nguyên tem đấy nhé!”. Mà biển Trường Sa giữa đại dương đẹp thật, cứ trong văn vắt, nhìn thấu đáy với độ sâu hơn 2 mét rõ các loại cá bơi, san hô trắng đỏ như thủy cung. Ngắm thế giới đại dương rồi “ùm” vào đấy là tất nhiên! Lạ thật, mọi bãi tắm trong bờ khi xuống nước đều có cảm giác lạnh, vậy mà nước biển Trường Sa thật ấm. Không biết do giữa trùng khơi, nước đại dương là thế hay trong đó có cả nhiệt huyết của những người lính đảo làm nên sự ấm nồng này.
Những người nối đất mẹ với Trường Sa 2
 Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam.

Có lẽ do tuổi già, ít ngủ nên tôi thường ra nhà bếp, xuống hầm máy, lên buồng lái, vào phòng thông tin tán gẫu với anh em. Có ấm trà ngon, thượng úy Phan Văn Quý phụ trách điện đài cũng í ới gọi lên buồng lái “thưởng trà”. Tôi biết thông lệ quốc tế, ghế thuyền trưởng trong buồng lái cấm ai được ngồi ngoài thuyền trưởng. Ở nhiều nước, trên tàu hải quân mà ai khác ngồi vào đó là... xuống hầm tàu ngay, nhưng thuyền trưởng Chung rất hào phóng mời khách ngồi vào ghế của mình để nhìn ra phía trước cho hết mới lạ! Mà không biết ông này ngủ lúc nào khi cứ lên buồng lái là gặp, dáng cứ như con ong mật căm cụi lúc bên hải đồ, lúc trước dãy đồng hồ chỉ thông số. Một lần tàu đang chạy bỗng thấy tàu Hải giám Trung Quốc đang thả trôi, nghĩa là không neo và không chạy. Chỉ mấy giây, ánh mắt thuyền trưởng gặp cái nhìn của anh em trong buồng lái với cái gật đầu nhẹ như thống nhất phương án nào đấy đã lường trước, chuẩn bị trước. Và rồi họ truyền lệnh bằng mật khẩu rất nhanh và gọn, mũi tàu ta vẫn thẳng hướng. Nhìn ra, tàu Hải giám Trung Quốc bỗng xoay, chạy song song ngược chiều tàu ta và biến dần. Thuyền trưởng Chung, thượng tá Lương và anh em trong buồng lái lúc đó khẽ nhếch miệng cười.

Có thể nói nụ cười đó sinh ra từ bản lĩnh, trí tuệ người lính Việt cùng với lòng yêu nước, sự tự tin khi mình đang đi trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc mình. Yêu và tin chính xác, khoa học trên cứ liệu lịch sử và luật pháp quốc tế chứ không phải cái tin mù quáng theo kiểu nhận vơ, vẽ một vành lưỡi bò chả có căn cứ gì liếm vào ao vườn nhà người khác. Niềm tin ấy tạo ra sự nhân hậu nhưng cũng đầy biết mình biết người.

Những người nối đất mẹ với Trường Sa 3
 Trong buồng lái trên tàu HQ 960.

Khi HQ 960 đi trong biển Đông của Tổ quốc những đêm trăng, ông thuyền trưởng Lê Tứ Chung còn tinh ý tắt hết đèn ở mạn tàu bên này trong khi vẫn giữ sáng đèn ở mạn tàu bên kia. Đơn giản để ai muốn “thưởng trăng” thì tìm trăng, chụp ảnh; ai thích trò chuyện thì vẫn có ánh sáng đèn cho tỏ mặt nhau. Hải trình HQ 960 cũng như các con tàu tương tự khác thật độc đáo còn ở khái niệm không biết... đến tiền! Ăn như nhau, hít thở như nhau và dường cái sự độc đáo này xóa đi mọi ngăn cách giữa con người để chỉ còn những nụ cười.

Nói cho đủ, trong hải trình của HQ 960 còn có cả nước mắt. Nước mắt của cả đoàn công tác với những “Titan” trên tàu đồng loạt rơi khi lễ Tưởng niệm những chiến sĩ Hải quân đã hy sinh vì biển đảo của Tổ quốc được tổ chức lúc 5 giờ sáng trên tàu khi thả neo trước nhà dàn DK1. Khách nhiều người bỏ bữa cơm sáng đã đành mà anh em cán bộ chiến sĩ trên tàu cũng đỏ hoe  mắt dẫu rằng họ trong mỗi chuyến đi là được dự một lần tưởng niệm. Lúc từng người thắp hương, thượng úy Phan Văn Quý lặng lẽ rút ra từ trong túi ngực mấy vỉ thuốc kháng sinh, B1 và bàn chải đánh răng mới tinh lặng lẽ cài trong vòng hoa sắp thả xuống biển. Chuyện “gửi quà” cho đồng đội đã hy sinh ấy là niềm tin bất diệt rằng những liệt sĩ không bao giờ chết. Các anh vẫn sống, vẫn đang là những cột mốc linh thiêng cắm vào thềm lục địa. Linh hồn các anh vẫn bên đồng đội, bên nhân dân của mình, đang hòa trong từng con sóng vì chủ quyền thiêng liêng của dân tộc...

Những con tàu HQ vẫn đang cưỡi sóng ra với Trường Sa để nối liền đất mẹ với biển đảo thân yêu. Và không chỉ tàu vận tải, những con tàu của các lực lượng trên biển cùng với tàu cá của ngư dân đang làm nên cây cầu lớn xóa đi mọi khoảng cách bởi đất liền hay biển, đảo, nhà giàn cũng là máu thịt Việt Nam trong một khối thống nhất, quện chặt...               

Lê Quý Hiền



Ý kiến của bạn