Những người nhà bệnh nhân khó quên

20-07-2019 22:00 | Y tế
google news

SKĐS - Hơn 30 năm đi học, đi trực rồi đi làm ở bệnh viện, cuốn phim nghề nghiệp dài đến nỗi không thể nhớ hết, những kỷ niệm luôn là những thước phim màu với âm thanh, màu sắc sống động.

Tương tác sinh viên y, bác sĩ với bệnh nhân luôn là những kỷ niệm khó phai nhưng thỉnh thoảng có những người nhà bệnh nhân thật đặc biệt. Họ có thể cùng tham gia với nhân viên y tế, quan tâm chăm sóc chu đáo người bệnh, góp phần không nhỏ vào kết quả điều trị... nhưng cũng có thể ngược lại là xung đột, chỉ trích, đấm đá. Đúng sai còn tùy hoàn cảnh, cách phán xét nhưng sự độ lượng, kiên tâm, yêu thương thân nhân của họ khiến bác sĩ chúng ta phải nể phục, xem lại mình.

Người thân chăm sóc bệnh nhân nặng tại phòng đặc biệt.

Người thân chăm sóc bệnh nhân nặng tại phòng đặc biệt.

Bệnh viện Bạch Mai luôn là trường học lớn của Trường Y. Đêm đến, trong tiếng muỗi vo ve hay chuột chạy loẹt xoẹt, nóng bức hay giá rét, chỉ còn áo trắng và bệnh nhân, thân nhân của họ nữa. Trong khi y tế còn xa lạ với chăm sóc toàn diện thì thân nhân luôn là người đồng hành với bác sĩ. Mỗi giường bệnh nặng luôn là một người nhà, quan sát dịch truyền, cho ăn, hút đờm, phục vụ vệ sinh. Có khi là quạt tay, có khi là đấm bóp, nắm tay tìm hơi ấm của thân nhân mình, đôi mắt khắc khoải níu kéo người bệnh gắng sống.

Đêm trực tại A9 năm đó có một cụ bà thở máy, thoi thóp. Các tua trực, cả đám sinh viên chúng tôi bị cuốn hút bởi một người đàn ông trung niên. Đêm nào ông cũng túc trực tự nguyện, vui vẻ. Hỏi ra mới biết ông chỉ là con rể, sáng vẫn đi làm bình thường. Ông không cần chia tua với ai nhưng không hề than mệt mỏi. Tinh ý, hòa nhã, tôn trọng và phối hợp tốt với cán bộ y tế là cảm nhận của tất cả mọi người về ông. Tôi kết thúc thực tập tại A9 sau vài tuần, chả nhớ nổi tên tuổi ông, không biết mẹ vợ ông sau này thế nào, những thầm mong có nhiều người nhà bệnh nhân như vậy.

Nếu A9 luôn có những bệnh nhân nặng, nằm lâu thử thách thân nhân của họ thì Khoa Lây cạnh đó cũng không hiếm bệnh nhân như vậy. Một cụ bà đi làm đồng bị nhiễm uốn ván từ vết thương ở chân do bất cẩn. Bệnh nặng lắm, uốn ván làm bà không tự thở được, phải thở máy, hút đờm, dùng oxy suốt..., đến tua trực của tôi đã là ngày thứ 60. Tập bệnh án dày quá mức như cuốn sử thi. Anh con trai đã xơ xác và mệt mỏi quá rồi nhưng không hề muốn buông xuôi. Người quê vốn ngủ sớm, chị vợ anh ta cũng vậy. Mặc dù là góc nhà hay gầm giường chị vẫn ngáy tốt. Chỉ còn tôi, tiếng máy thở phập phùng, anh con trai nhìn mẹ kính yêu của mình đắm đuối, không ai muốn xa nhau...Thế rồi sau nửa đêm, chuông báo bệnh nhân dừng thở, dừng tim. Hai mẹ con họ phải xa nhau vĩnh viễn. Cô con dâu đã tỉnh ngủ, biết chuyện la khóc tru tréo. Thương họ biết bao! Sinh viên trực chúng tôi lại tháp tùng họ cùng chút hành lý ít ỏi với tiếng khóc than sụt sịt, đẩy chiếc xe cót két đi về phía nhà xác.

Cũng có khi sinh viên y lại phải tranh thủ vừa học, vừa chăm sóc cho thân nhân mình. Chúng tôi mới vào trường y được 2 năm. Q - bạn cùng tổ có bố bị K thực quản. Suốt học kỳ đó nó lao đao khốn khổ về chuyện chăm bố. Vẫn phải học, phải trực rồi đêm lại vào viện chăm sóc bố. Q  gầy rộc, buồn bã, ngơ ngác. Một sáng ở Bệnh viện Việt Đức, tôi lặng nhìn nó để cuốn sổ thực tập ở một bên, chải đầu cho bố dưới tán bàng, đấm lưng cho bố sưởi nắng... Không ai nói với ai một câu, họ chỉ cần được gần nhau lâu hơn... Rồi bố nó mất sau đó không lâu.

Nhớ lại, mùa nắng ở một bệnh viện miền Nam nước Pháp, sau khi đi làm, tôi hay thả bộ quanh bệnh viện. Bệnh viện đẹp như một công viên. Tôi gặp một đôi vợ chồng bệnh nhân ngồi chơi ven suối. Bà vợ gầy guộc trong trang phục váy chấm xanh của bệnh viện.  Bà ngồi trên chiếc xe lăn với hai bịch truyền còn căng nước vẫn đang nhỏ giọt đều đều. Ông chồng nhẹ nhàng chải tóc cho vợ, ông nói gì với vợ mình tôi không nghe rõ... nhưng chắc là những lời dịu ngọt vì bà vợ tỏ vẻ mãn nguyện lắm. Gặp tôi với khuôn mặt của một bác sĩ gốc Á nên họ chào khá to và rõ. Tôi lí nhí chào lại và thầm chúc cho họ chóng khỏi bệnh, tiếp tục chăm sóc nhau ở tổ ấm của mình, đừng phải ở trong bệnh viện này cho dù nó khá đẹp.

Nhiều người rất “đao to búa lớn”, vẻ ngoài khá thô ráp nhưng chăm sóc vợ, chăm sóc mẹ rất tận tình chuyên nghiệp. Một vài anh bạn đại gia của tôi chăm mẹ làm tôi cảm động đến phát khóc.  Sáng nào cũng ra khách sạn gần viện mua một bát cháo yến hay hải sâm ngồi kiên trì đút cho mẹ mình. Một anh bạn khác mất hẳn thói quen ngủ đêm vì chăm mẹ. Trong nhà anh mua sắm đủ hệ thống máy móc y tế... như một bệnh viện, khá tốn kém nhưng anh không nề hà. Quân tử, anh hùng vốn có hiếu với mẹ... Bao nhiêu năm giang hồ, cứng cáp là vậy mà đến khi mẹ mất họ khóc như một đứa trẻ con.

Nhớ về những người nhà bệnh nhân đáng yêu, đáng kính để quên bớt những người nhà chỉ dùng tiền đập vào mặt y tế, khi không đạt mục đích là sẵn sàng kiện tụng, hành hung, lật lọng, chửi bới. Thời gian trôi qua, cầu chúc cho thời đại văn minh, cho những con người nhân văn sẽ tới. Tình yêu, sự chăm sóc tận tình rồi sẽ lan tỏa mọi ngóc ngách trong bệnh viện.


BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn