Chăm chút, yêu thương bệnh nhi bé bỏng như chính những đứa con của mình, khi nào có thời gian rảnh rỗi lại chạy tới giường để hỏi han, kể chuyện, không những thế họ còn động viên tinh thần những người thân của bệnh nhân để giúp họ vững tin vượt qua cú sốc về tinh thần khi con đau ốm... Ðó là những hình ảnh đẹp về những “người mẹ” ngành y được chúng tôi ghi lại.
16 tháng điều trị với biết bao lần đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, thế nhưng với những cố gắng, nỗ lực của các thầy thuốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và gia đình, bé Phạm Quang Tuấn như có thêm sức mạnh để chống chọi với bệnh tật. Nhập viện khi mới được 3 tháng tuổi với chẩn đoán thoái hóa cơ tủy, bé Phạm Quang Tuấn đã trải qua 16 tháng điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Bé không thể tự thở được mà cần sự hỗ trợ của máy, cũng không thể hoạt động và sinh hoạt như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Hàng ngày bé được chăm sóc toàn diện thực hiện y lệnh thuốc, hút thông đường hô hấp, ăn qua sonde... đã nhiều lần các bác sĩ tập cho bé tự thở nhưng đều không thành công. Các bác sĩ cho biết có những đợt bé bị viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng, ngừng tim phải cấp cứu hô hấp ngừng tuần hoàn (bóp bóng, ép tim), dùng thuốc hỗ trợ... dù chỉ nằm một chỗ, thêm vào đó, đã trải qua nhiều lần cấp cứu nhưng cơ thể bé không hề có một chỗ viêm loét hay vết trầy xước nào. Nhìn bé ngủ, da dẻ hồng hào không ai biết bé bị căn bệnh quái ác này. 16 tháng được chăm sóc bé lớn lên từng ngày, tuy bé không hoạt động được nhưng bé biết hàng ngày mẹ bé thương bé thế nào, các thầy thuốc vất vả vì bé ra sao, mà có lúc đôi mắt trong veo của bé ngấn lệ, dõi theo từng cử chỉ mà mẹ và các bác sĩ chăm sóc cho mình. Mẹ bé, chị Dương Thị Đoài kể: “Trông vậy thôi chứ ngoài lúc ngủ, còn thì bé đều biết hết, những lúc thấy bé nhìn mình, nhìn các cô điều dưỡng, bác sĩ, mắt ướt nhẹp mà không nói được gì, lòng tôi cứ thắt lại”.
Chăm sóc nhiệt tình và động viên gia đình bệnh nhân với tinh thần trách nhiệm và trái tim thiêng liêng của người thầy thuốc.
Cảm động trước sự chăm sóc ân cần, nhiệt tình của các thầy thuốc bệnh viện, thay mặt gia đình bé Tuấn, bà ngoại của bé đã gửi những lời cảm ơn sâu sắc nhất trước toàn thể bệnh viện. Bà chia sẻ: “Vẫn biết tình trạng bệnh của cháu tôi rất nặng, khó chữa, thế nhưng các bác sĩ bệnh viện vẫn từng ngày cùng gia đình chăm sóc cho cháu, lo lắng cho cháu rồi động viên tinh thần gia đình chúng tôi. Bệnh viện giờ đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của cháu, bởi từ khi sinh ra, thời gian cháu ở bệnh viện, thời gian tiếp xúc với các bác sĩ còn nhiều hơn ở nhà”. Bà còn nói: “Các thầy thuốc ở đây thương cháu lắm, hàng ngày chăm sóc cho cháu không quản ngày đêm, từng lời nói, cử chỉ ân cần nhẹ nhàng lắm, thỉnh thoảng khi bớt việc lại đến bên giường nắm tay tâm sự với cháu. Tết hay có ngày nào đặc biệt là đều có quà cho cháu, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện cũng quan tâm và đến thăm cháu luôn”.
BSCKI. Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trưởng khoa Nhi cho biết: “Với cái tâm của người thầy thuốc, chúng tôi đã luôn cố gắng hết mình chăm sóc cho cháu, tuy căn bệnh của cháu thực sự khó khăn không thể tiến triển tốt hơn nhưng bé còn sống được ngày nào là chỗ dựa cho gia đình bé ngày đấy”.
Qua lời chia sẻ cảm động của bà bé Tuấn, TS.BS. Trần Viết Tiệp - Giám đốc bệnh viện gửi lời cảm ơn tới bà bé Tuấn và gia đình bé đã luôn đồng hành cùng đội ngũ thầy thuốc tin tưởng và là nguồn động viên để bệnh viện nỗ lực hết mình vì người bệnh. Đồng thời đối với toàn thể cán bộ viên chức bệnh viện, Giám đốc chia sẻ: “Bệnh viện được xây dựng là vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Bằng năng lực chuyên môn cũng như y đức, các thầy thuốc bệnh viện cần phấn đấu nâng cao chất lượng điều trị, xây dựng bệnh viện ngày một phát triển để xứng đáng với sự tin tưởng của người bệnh dành cho bệnh viện trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Được biết, đây không phải là lần đầu bệnh viện tiếp nhận và chăm sóc cho trường hợp như vậy. Hơn 2 năm nay, Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cũng đã và đang chăm sóc cho bé Đặng Ương Nhi bị bại não do vàng da nhân sau sinh. Hiện nay, đội ngũ thầy thuốc Khoa Nhi, Khoa Hồi sức tích cực nói riêng và thầy thuốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí nói chung luôn cố gắng nỗ lực hết mình nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hoàn thiện hơn nữa kỹ năng chăm sóc để cứu được nhiều sự sống hơn nữa.
Những câu chuyện cảm động về sự tận tâm của nhân viên y tế với người bệnh còn được viết tiếp ở Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh khi các nhân viên y tế ở đây cũng đã kiên trì điều trị cho cháu bé phải thở máy 8 tháng liền vì teo cơ toàn thân, liệt tứ chi, suy hô hấp, tiên lượng phải thở máy lâu dài.
BS. Nguyễn Chí Kiên, Phó Trưởng khoa Nội Nhi, Trưởng đơn nguyên Hồi sức tích cực Nhi tâm sự. Khi tiếp nhận cháu được chuyển từ BV Nhi Trung ương về, tình trạng sức khỏe rất yếu, sau mổ hẹp ống sống cổ, tủy của cháu bị phù nề nặng, các cơ trong cơ thể lại gần như bị teo hết, trong đó các cơ hô hấp cũng bị teo hoàn toàn, khả năng cai máy thở cho cháu là gần như không. Tập thể y bác sĩ toàn đơn nguyên chỉ biết cố gắng, nỗ lực hết sức trong công tác chăm sóc, điều dưỡng và chống nhiễm khuẩn tốt nhất. Đối với những trường hợp phải thở máy dài ngày, ngoài các thông số được cài đặt sẵn trong máy thở thì việc thực hiện đúng chế độ chăm sóc, trực tiếp theo dõi bệnh nhân tại giường bệnh là hoạt động quan trọng nhất. Vì vậy, các cán bộ trong Đơn nguyên Hồi sức tích cực Nhi đã theo dõi sát sao tình hình, diễn biến của cháu phối hợp với gia đình có kế hoạch chăm sóc cụ thể trong phòng chống nhiễm khuẩn, chống loét, nuôi dưỡng dinh dưỡng và vận động thể lực... Sau 3 tháng liên tục thở máy và điều trị tích cực, cháu bé bắt đầu có biểu hiện cử động tay, tăng cân, có nhịp tự thở, tiên lượng có khả năng cai thở máy được. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiên - bà ngoại cháu cũng chính là người trực tiếp chăm sóc, đồng hành cùng cháu trong suốt quá trình điều trị rơm rớm: Lúc được đưa từ Bệnh viện Nhi Trung ương về đây, cháu đã bị liệt hoàn toàn, đầu ngoặt hẳn ra phía lưng, không cử động được. Do nằm nhiều, cháu bị loét hết phần sau gáy và mông, ăn không tiêu,... có giai đoạn gia đình sẵn sàng lo hậu sự cho cháu rồi. Vậy mà hôm nay, thấy cháu có thể giơ tay chào, cử động nhẹ nhàng, nói được vài câu thể hiện ý muốn và bước đầu ngồi dậy được tôi lại thấy cuộc đời cháu có thêm tia hy vọng. Chúng tôi cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm.
Có ai đó đã nói rằng, nghề y - một con đường gian nan, lắm chông gai, người thầy thuốc dù cố gắng đến mấy cũng khó tránh khỏi những mũi gai vô hình. Phẫu thuật cứu sống cả nghìn người chưa chắc đã nhận được một lời khen. Nhưng không may sơ sẩy một ca thì thân bại danh liệt. Biết là như vậy, nhưng với những người trong ngành y, họ vẫn làm tất cả vì người bệnh với tinh thần trách nhiệm và trái tim thiêng liêng của người thầy thuốc. Và những hình ảnh bằng lời ở trên để thấy rằng, ngành y chứa chất đầy những gian khổ hy sinh nhưng cũng hạnh phúc tự hào khi sự tận tâm ấy được đáp đền bằng những trái ngọt.