Hôm nay - 23/11, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình gặp mặt người hiến máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype tiêu biểu năm 2024 với chủ đề "Điểm hẹn yêu thương".
Gần 300 người hiến máu nhóm máu hiếm và máu hòa hợp phenotype tiêu biểu, được lựa chọn theo nhiều tiêu chí, trong đó tối thiểu đã hiến trên 10 lần và hiến ít nhất 2 lần trong năm 2024 tham dự chương trình.
'Người bệnh cần máu của mình nên đường xa cũng không quản ngại'
Khi nhận được cuộc gọi quen thuộc từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mời đến hiến máu hòa hợp phenotype (hòa hợp kháng nguyên nhóm máu hệ hồng cầu) cho người bệnh cần, chị Lê Thị Vinh (Thường Tín, Hà Nội) lại sắp xếp công việc cá nhân, đi xe máy đến Viện để hiến máu.
Chị Vinh cho biết, trước đây, chị thường xuyên cùng bạn bè, người thân đi hiến máu tình nguyện. Cứ đủ ngày đủ tháng, chị lại đi hơn 30km từ nhà đến Viện hiến máu, hiến tiểu cầu hoặc tham gia các chương trình hiến máu ở địa phương.
Cách đây khoảng 1 năm, chị nhận được cuộc gọi từ Viện mời đến hiến máu do nhóm máu của chị hòa hợp với nhóm máu mà người bệnh cần truyền. Không ngại đường xa, chị nhờ người quen trông coi giúp cửa hàng và tất bật lên đường ngay.
"Do từ nhà tôi đến Viện cũng khá xa, ngày hôm đó hiến xong tôi về nhà khá muộn nhưng rất vui vì mình đã kịp thời cứu người" – chị Vinh kể lại lần đầu tiên đi hiến máu hòa hợp phenotype theo huy động của Viện.
Cũng tình cờ biết mình mang nhóm máu hòa hợp phenotype sau khi tham gia hiến máu tình nguyện, chị Thu Hằng (Hai Bà Trưng - Hà Nội) đã có nhiều lần hiến máu cho người bệnh khi được 'Viện Máu' gọi.
Chị Hằng tâm sự khi biết thông tin mang nhóm máu hòa hợp phenotype, chị cũng hoang mang, có đôi chút lo lắng, nhưng khi được giải thích thêm về nhóm máu của mình và ý nghĩa với những người bệnh chị luôn mong muốn mình luôn có đủ sức khỏe để sẵn sàng lên đường khi có người bệnh cần đến máu hòa hợp phenotype.
Còn chị Phạm Ánh Ngọc (25 tuổi, Hà Nội) đến nay đã có 16 lần hiến máu nhóm hiếm và luôn sẵn sàng đi hiến máu mỗi khi được gọi.
Chị Ngọc vẫn nhớ lần đầu tiên được gọi đến hiến máu cho người bệnh có nhóm máu hiếm, đó cũng là lần đầu Ngọc cảm nhận được ý nghĩa của công việc mình đang làm.
"Năm 2022, khi đang làm việc thì tôi nhận được cuộc gọi của viện nhờ mình đến hiến máu. Lúc đó, tôi khá hoang mang vì không nghĩ là nhóm máu của mình lại hiếm đến thế.
Không chờ đến hết giờ làm, tôi xin phép nghỉ làm để đến viện. Trên đường đi, tôi cũng cảm thấy khá hồi hộp, lúc đó nghĩ rằng chỉ sợ mình đến chậm thì người bệnh sẽ gặp nguy hiểm"- chị Ngọc kể lại.
Cũng từ đó, chị Ngọc trở thành "đường dây nóng" của Viện khi có người cần nhóm máu hiếm.
Chàng trai Nguyễn Hoài Sơn (24 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Khi mới bắt đầu những ngày tháng là sinh viên ở trường Đại học, tôi đã cảm thấy việc hiến máu tình nguyện là hoạt động có rất nhiều ý nghĩa nên đã tham gia. Sau lần đầu tiên hiến máu và được xét nghiệm thì tôi được biết mình có nhóm máu hiếm AB Rh(D) âm".
Từ đó, Sơn thường đi hiến máu theo những cuộc gọi huy động từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Cũng từ đó, Sơn hiểu được tầm quan trọng của những người hiến máu như mình với người bệnh.
"Nhiều lần được Viện gọi đến để hiến máu cho người bệnh, tối biết rằng người bệnh và người nhà đều rất lo lắng, rất cần đến máu của tôi. Sau mỗi lần như vậy tôi đều cố gắng sống lành mạnh, luyện tập nâng cao sức khỏe để sẵn sàng hiến máu khi có người cần" – Sơn chia sẻ.
Sự nhiệt huyết, luôn sẵn sàng của người mang nhóm máu hiếm, máu hòa hợp phenotype, giúp đảm bảo được nguồn máu vô cùng đặc biệt
Giải thích về nhóm máu hòa hợp phenotype, PGS. TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho hay ở những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường ở những bệnh nhân này càng cao.
Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).
Tại Việt Nam, một trong những nhóm máu hiếm hay nhắc đến là Rh(D) âm vì chỉ chiếm dưới 0,1% dân số. Trong khi tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng ở châu Âu hay nhiều nước lại không phải là hiếm, vì có thể chiếm tới 15 – 40% dân số.
PGS.TS. Trần Ngọc Quế cho biết thêm, năm 2024, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận dự trù gần 240 đơn vị máu nhóm hiếm và 2.458 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn trong kho chỉ đáp ứng được khoảng 56%, số còn lại (44%) Viện phải tìm kiếm và huy động trực tiếp từ người hiến máu.
Tại chương trình gặp mặt ấm cúng hôm nay, PGS.TS Trần Ngọc Quế biểu dương, ghi nhận tấm lòng của những người hiến máu nhóm hiếm, hiến máu hòa hợp phenotype đã không quản đường xa (từ Nam Định, Hà Nam, Thái Bình…) đến hiến máu khi được Viện mời gọi.
Có nhiều người dù bận công việc, bộn bề lo toan hay giữ các vị trí quan trọng tại các cơ quan, đơn vị vẫn luôn sắp xếp quỹ thời gian bận rộn của mình đến hiến máu khi có bệnh nhân cần.
"Chính sự nhiệt huyết, luôn sẵn sàng đồng hành của quý vị đã giúp chúng tôi đảm bảo được nguồn máu vô cùng đặc biệt này. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và cá nhân tôi luôn trân trọng, cảm phục và biết ơn những nghĩa cử cao đẹp, kịp thời đó"- PGS.TS Trần Ngọc Quế nói.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hiện nay Trung tâm quản lý, điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân thalassimia.
Đến nay, 30% người bệnh thalassimia đã được truyền máu hòa hợp phenotype. Việc được truyền máu hòa hợp phenotype giúp người bệnh hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến truyền máu do bất đồng nhóm máu hồng cầu giữa người cho và người nhận.
Bên cạnh đó, truyền máu hòa hợp nhóm máu hệ hồng cầu còn giúp hạn chế được việc sinh kháng thể bất thường hệ hồng cầu. Hạn chế việc điều trị thải sắt đối với nhóm bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần truyền máu thường xuyên.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Quế, nhiều năm nay, nhờ nguồn kinh phí của một số chương trình, dự án, Viện đã tiến hành xét nghiệm, xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên.
Danh sách những người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm hay người hiến máu hòa hợp phenotype (đã được xác định một số kháng nguyên nhóm máu) đều được lưu trữ trên phần mềm của viện. Nhờ đó, khi có những bệnh nhân cần, viện có thể gọi người hiến máu phù hợp theo danh sách để kịp thời kêu gọi hiến máu, điều trị cho người bệnh.