Những người lao động nghèo và dịch bệnh COVID-19

BS Phạm Thành Luân

BS Phạm Thành Luân

Bác sĩ Chuyên khoa Ung bướu

05-08-2021 08:22 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Bác sĩ ạ, mình bệnh thì mình chịu, giờ dịch bệnh ai cũng khó khăn.

Với những người lao động tự do, người vô gia cư có lẽ là những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch, đặc biệt là họ lại phải mang trong mình căn bệnh nan y.

Cái khó khăn, cái nghèo đã khiến họ chẳng dám hi vọng đi chữa bệnh và chấp nhận sống chung với nó. Chỉ đến khi đau không thể chịu được nữa mới vào bệnh viện với suy nghĩ chữa đến đâu thì chữa còn lại do số mệnh.

Những câu chuyện như thế không ít, thế nhưng cách nhìn nhận và ứng xử của mỗi người khiến chúng ta trân trọng cảm phục.

Và câu chuyện dưới dây của tôi về một bệnh nhân ung thư khiến tôi trăn trở nhưng cũng vô cùng trân trọng.

Cách đây khoảng 2 tháng tôi có thăm khám cho một bệnh nhân. Chú ấy năm nay 57 tuổi, quê miền tây lên thuê nhà trọ sống ở Bình Dương, 2 vợ chồng làm nghề phụ hồ và công nhân.

Nếu mọi thứ diễn ra bình thường thì vợ chồng chú cũng yên bình sống qua ngày với đồng lương ít ỏi. Thế nhưng, đầu năm 2020 chú phát hiện bị Ung thư amidal di căn hạch. 

Thời điểm đó chú đã được bác sĩ khuyên đi điều trị nhưng đúng lúc đó thì do dịch bệnh mà công việc làm công nhân của vợ cũng không còn. Đồng lương ít hỏi mưu sinh hàng ngày cũng chỉ đủ ăn qua ngày, không thể đi điều trị. Chú vẫn phải đi làm mướn (ai thuê gì làm đó) và để mặc cho bướu lớn dần.

Đến khi khối bướu quá to, loét chảy máu chảy dịch đau đớn không thể chịu đựng chú mới đến bệnh viện. Vay mượn đủ nơi được mấy triệu với tinh thần chữa được đến đâu thì chữa không thì buông xuôi.

Tôi khám bệnh mà thấy vừa giận vừa thương, giận vì chú không quyết tâm đi chữa ngay từ đầu, bởi kiểu gì cũng phải đi chữa thì chữa sớm sẽ có khả năng hết bệnh cao hơn và đỡ tốn kém hơn, nhưng lại thương và cảm thông vì sự nghèo khó đã làm cho người ta không thể sáng suốt.

Nay bệnh của chú tuy nặng nhưng may mắn là vẫn chưa di căn đi đâu. Nếu quyết tâm điều trị thì vẫn có khả năng hết được bệnh.

Tuy nhiên nếu may mắn chữa được hết bệnh thì con đường đến với cái đích đó còn rất nhiều khó khăn một phần vì bệnh và phần nhiều hơn là vì kinh tế.

Nghe vợ chồng chú kể: "Nếu không có dịch thì cũng nhờ bà con quê người thân giúp được chút đỉnh, nhưng nay dịch người nhà ai cũng mất việc, nghỉ việc nên có thương cũng chẳng giúp được gì".

Tôi hỏi chú 1 câu, chú có muốn cháu nhờ các nhà hảo tâm giúp không. Chú nói "thôi bác sĩ ạ, mình bệnh thì mình chịu, giờ dịch bệnh ai cũng khó khăn, với lại mình vậy đi xin giúp đỡ biết đâu họ lại nghĩ mình không tự cố gắng mà lợi dụng người ta, nên cứ ráng được đến đâu thì đến".

Tôi đã ngồi nói chuyện với chú rất nhiều và chú đã quyết tâm lạc quan đến cùng và hứa cùng bác sĩ điều trị bệnh đến cùng để mong khỏi bệnh.

Sau này, tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị giúp đỡ gia đình chú từ các nhà hảo tâm. Tôi đã kể câu chuyện này nói nói với chú. Chú rất cảm động và nhờ tôi cảm ơn các nhà hảo tâm đã động viên và cho chú thêm niềm tin nghị lực. 

Chú nói lời cảm ơn, bây giờ gia đình chú vay được một số tiền nên sẽ dùng số tiền đó để chữa bệnh. Khi nào thấy không thể lo được kinh tế nữa sẽ xin được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Hôm nay, tôi vui mừng vì sau điều trị khối bướu của chú đã cải thiện rất nhiều.

Mỗi mảnh đời luôn có những hoàn cảnh riêng và họ có quyền quyết định cuộc sống và cách sống của họ, tôi cảm thấy chú không phải là người có học hành sâu rộng nhưng suy nghĩ của chú thật đáng trân trọng và khâm phục.

Xem thêm bài cùng chuyên mục

BS. Phạm Thành Luân
Ý kiến của bạn