Cuộc sống quanh năm vất vả, bận rộn nhưng gia đình Anh chị Mạnh, Phúc, Toàn vẫn chưa bao giờ từ bỏ công việc cứu người.
Vượt qua lời nguyền thần sông
Ngôi nhà nhỏ nằm trên khu vực bến phà Bến Thủy cũ, cạnh bờ sông Lam là nơi trú ngụ của vợ chồng anh Hoàng Văn Mạnh và chị Đậu Thị Phúc cùng người em ruột của chị Phúc là Đậu Văn Toàn.
Nhà cách cầu Bến Thủy chưa đầy nửa cây số, nơi mà hàng chục năm nay, có nhiều người vì cuộc sống quẫn bức đã nhảy cầu quyên sinh. Tại đây, ngoài việc chài lưới kiếm sống, anh Mạnh, chị Phúc, anh Toàn “kiêm luôn nhiệm vụ” vớt những người nhảy xuống cầu Bến Thủy tự tử.
Chị Phúc và anh Toàn sinh ra trong gia đình có 5 chị em ở xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Gia đình Anh chị Phúc, Toàn quanh năm sống lênh đênh bằng nghề chài lưới trên dòng sông Lam từ nhiều đời nay. Chị Phúc là con cả, năm nay 39 tuổi, còn anh Toàn là con út, nay đã 31 tuổi.
Sau khi bố mẹ mất, Phúc và Toàn đã lên bờ tạm cư ở vùng bến phà Bến Thủy ngày xưa (nay thuộc khối 15, phường Bến Thủy, TP. Vinh) để sớm hôm nối nghiệp chài lưới. Chị Phúc lập gia đình cùng với anh Hoàng Văn Mạnh (41 tuổi), anh Mạnh cũng là một ngư phủ quê ở Quảng Bình ra Nghệ An lập nghiệp.
Công việc chính của chị Phúc là chăm con và làm hậu cần cho 2 anh em Mạnh và Toàn đi chài lưới. Do ở bến sông nhiều hơn nên chị tiếp nhận thông tin có người nhảy cầu tự tử sớm hơn.
Làm bạn với sông nước nên chị còn thuộc tường tận khúc sông này như lòng bàn tay, chỉ cần biết vị trí “tiếp nước” của nạn nhân là xác định được nạn nhân sẽ bị dòng nước cuốn trôi đến nơi nào để chồng và em chạy thuyền máy đến theo đường gần nhất để kịp trục vớt.
Mỗi khi xảy ra chuyện, chị Phúc lập tức gọi điện thoại cho chồng và em trai đến tiếp cứu.
Chị Phúc nói: “Nhiều năm nay, số nạn nhân là phụ nữ được cứu vớt khá nhiều. Mỗi lần đưa được người lên thuyền, ngoài việc sơ cứu thì còn đốt lửa sưởi ấm, vệ sinh, tắm rửa… cho chị em, việc đó phụ nữ như tôi làm sẽ hợp hơn. Đến giờ, tôi cũng không nhớ đã lấy bao nhiêu bộ quần áo của mình thay cho chị em để họ mặc về nhà”.
Trong 3 anh chị em, cậu út Đậu Văn Toàn là người xông xáo nhất trong trong cuộc chiến giành giật người với thần sông. Toàn sinh năm 1990, thân hình rắn chắc, bơi lặn như rái cá trên sông. Anh không nhớ đã bao nhiều lần vật lộn với sóng nước và cả với người tự tử nhưng trong thời khắc cận kề cái chết, họ chạm được vào anh như vớ được cọc nên tìm mọi cách bám vào để níu lại sự sống.
Với kinh nghiệm, anh đã rất khéo khi vừa kéo được người lên thuyền lại vừa không bị họ kéo chìm mình. Tính từ đầu năm đến nay, anh đã trực tiếp tham gia cứu sống 3 người, trong đó có 2 nam và 1 nữ. Đến nay, anh cũng không nhớ mình đã tự tay kéo lên thuyền được bao nhiêu người.
“Mỗi người khi tìm đến cầu Bến Thủy để nhảy xuống thì họ đã tuyệt vọng đến cùng cực nên khi cứu xong, em không hỏi kỹ nguyên nhân nhảy cầu mà chỉ cố gắng chăm sóc để họ lấy lại sức, động viên họ trở về nhà. Em muốn dấu tên tuổi cũng như thân phận họ càng nhiều càng tốt, vì họ rất mặc cảm, cho nên em ít nhớ về những người được mình cứu”- anh Toàn chia sẻ.
Hai anh em Hoàng Văn Mạnh (bên phải) và Đậu Văn Toàn (bên trái) như một cặp bài trùng trong mưu sinh cũng như vớt người trên sông nước.
Đến nay, anh Toàn chỉ nhớ có một cô giáo mầm non quê ở Hà Tĩnh (Toàn xin không nói tên), trong cơn tuyệt vọng vì tình yêu, cô đã nhảy cầu nhưng được anh cứu được. Nay, cô đã tạo dựng cuộc sống mới, đã có chồng và 2 con và dạy học ở trường mầm non của xã nơi nhà chồng. Thỉnh thoảng vẫn đến thăm gia đình anh Toàn.
Ấn tượng nhất là việc là việc anh cùng với anh chị của mình cứu sống cháu N. Khi đó, N. mới học lớp 9, do buồn bực chuyện gia đình nên N. đã nhảy xuống cầu Bến Thủy. Sau khi được anh Toàn cứu sống, gia đình N. thường xuyên đi lại với nhau. Do mang ơn cứu mạng, gia đình cháu N. đã kết nghĩa với gia đình anh Toàn. Hiện nay, N. đang làm nhân viên của một doanh nghiệp, còn anh Toàn đã thành chú kết nghĩa của N.
Bỏ ngoài tai quan niệm “ai đó cứu người sắp chết đuối thì người đó phải đền mạng cho hà bá”, với vai trò như anh cả trong gia đình, anh Hoàng Văn Mạnh cùng với em của vợ luôn là một cặp bài trùng trên chiếc “thuyền cứu nạn”.
Với gia đình anh Mạnh, bất cứ khi nào, miễn có thông tin có người nhảy cầu làm lập tức lên thuyền. Có lúc, cả nhà đang ăn dở bữa cơm, có khi nửa đêm nghe điện thoại báo hoặc nghe tiếng người kêu là nhảy lên thuyền nổ máy, soi đèn tìm trên mặt sông.
“Nhiều lúc đang thả lưới nửa chừng cũng lấy dao chặt đứt lưới bỏ lại trên sông để chạy thuyền đi cứu người. Gia đình chúng tôi cứu những người đang chủ động tìm đến cái chết, đó là sự lựa chọn của họ trong lúc quẫn trí. Nhiều người được vớt lên khi tỉnh lại còn có thái độ trách móc, có người được thay quần áo mới mặc đi cũng không thèm cảm ơn một lời. Nhưng không vì vậy mà chúng tôi bỏ cuộc. Chúng tôi vẫn cứ làm việc này mỗi khi có người nhảy cầu. Vì lòng thương mà bất chấp quan niệm cứu người phải đền mạng. Chúng tôi chỉ tiếc cứu được ít người quá”. Anh Mạnh chia sẻ.
“Đường dây nóng” cứu nạn
Người dân sống ở khối 15 phường Bến Thủy, TP. Vinh cho biết, từ khi về tạm cư tại khối 15 này, 3 anh em Mạnh, Phúc, Toàn đã cứu sống được trên 20 người nhảy cầu Bến Thủy quyên sinh. Hễ có người nhảy xuống sông, khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn chưa kịp đến thì các anh chị lại đảm nhận nhiệm vụ này. Tiếng lành đồn xa, số điện thoại của các anh, chị được nhiều người trong vùng lưu lại để gọi khi có việc xảy ra trên sông nước.
Khúc sông sát chân cầu Bến Thủy là chỗ mưu sinh cũng là nơi anh Đậu Văn Toàn xả thân vì việc nghĩa
Thiếu tá Lê Văn Công, người đã có 9 năm làm Cảnh sát khu vực phường Bến Thủy, TP Vinh cho biết, mỗi khi nhân viên trực cầu Bến Thủy hay người dân thông báo cho Công an phường có người nhảy cầu, anh em Công an chưa kịp đến hiện trường thì điện thoại cho gia đình anh Mạnh để cứu người. Trong những năm qua, gia đình anh Mạnh, chị Phúc, anh Toàn đã rất nhiều lần hỗ trợ trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên sông.
Ông Nguyễn Xuân Huân, Chủ tịch UBND phường Bến Thủy, TP Vinh nói, tuy đang tạm cư trên địa bàn nhưng phường luôn xem gia đình anh Mạnh, chị Phúc, anh Toàn là những công dân của địa phương.
Hành động cứu người trên sống nhiều năm qua của họ là hành động dũng cảm và sự tự giác của lương tâm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nhất là trong đoàn viên thanh niên. Phường cũng đã có những lần khen thưởng đột xuất để động viên gia đình.