Hà Nội

Những người làm nền cho ngai vàng quyền lực

11-03-2012 07:53 | Quốc tế
google news

Trong lịch sử trên 200 năm của Hoa Kỳ, các Ðệ nhất Phu nhân luôn đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ cho các Tổng thống trong những công việc tiếp đãi các quốc khách

Trong lịch sử trên 200 năm của Hoa Kỳ, các Ðệ nhất Phu nhân luôn đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ cho các Tổng thống trong những công việc tiếp đãi các quốc khách và những nhân vật quan trọng của nước ngoài đến viếng thăm cũng như gia đình, bạn bè, nhân viên chính phủ, ban nhân viên tòa Bạch ốc và đảm nhiệm những hoạt động khác.

Cũng chính bởi những nhiệm vụ âm thầm đó mà trang phục, vật dụng của phu nhân cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Hơn 200 năm qua, công chúng vẫn theo dõi và đưa ra những nhận xét về các bộ trang phục, những buổi tiệc, các dự án và vai trò của các Đệ nhất Phu nhân trong tòa Bạch ốc. Trong lịch sử Hoa Kỳ, rất ít Đệ nhất Phu nhân nào trở thành biểu tượng của thời trang hay là người gợi hứng cho các nhà tạo mẫu, tuy nhiên, cách phục trang của các Phu nhân luôn luôn được công chúng theo dõi và bình phẩm.
 
 Jacqueline Bouvier Kennedy được coi là Đệ nhất Phu nhân có khiếu trang phục thanh lịch nhất.
Trong 50 năm trở lại đây, hầu như chỉ có Phu nhân của Tổng thống Kennedy, bà Jacqueline Bouvier Kennedy được coi là Đệ nhất Phu nhân có khiếu trang phục thanh lịch nhất. Chiếc áo lụa vàng không tay, hở một bên vai của bà mặc vào dịp tiếp đón quốc khách được đem trưng bày, cho đến bây giờ vẫn thấy hợp thời trang.
 
Các Đệ nhất Phu nhân là người luôn đứng cạnh chủ nhân tòa Bạch ốc trong mọi dịp tiếp tân, lễ lạt, tiệc tùng thay mặt quốc gia để cùng Tổng thống tiếp đón quốc khách hay những nhân vật quan trọng của nước ngoài được mời, hay thù tiếp thân nhân, bạn bè, ban nhân viên làm việc tại tòa Bạch ốc hay trong chính phủ hoặc các tầng lớp dân chúng. Vai trò rất quan trọng và mỗi một Phu nhân thường để lại một dấu ấn trong nhiệm kỳ của các Tổng thống.
 
Điều đó có thể giúp thu phục thêm được những thân hữu từ nước ngoài và cảm tình của mọi giới trong nước, giúp củng cố thêm tư thế chính trị cho Tổng thống. Thêm vào đó, các Đệ nhất Phu nhân thường theo đuổi một hay nhiều dự án xã hội: Bà Nancy Reagan cổ vũ cho việc bài trừ ma túy; Bà Claudia “Lady Bird” Johnson cổ vũ cho các hoạt động bảo vệ môi trường; Bà Hillary Clinton với dự án cải tổ chăm sóc sức khỏe; Bà Michelle Obama về sức khỏe của trẻ em, cổ vũ cho việc khuyến khích trẻ tập thể thao, chạy nhảy, chơi đùa.
 
Một trong số những Đệ nhất Phu nhân nổi tiếng của Hoa Kỳ là bà Eleanor Roosevelt, Phu nhân của Tổng thống Franklin Roosevelt, chủ nhân tòa Bạch ốc từ năm 1933 đến năm 1945. Bà vận động ủng hộ cho chương trình phục hồi kinh tế của phu quân, cổ vũ cho nhân quyền và dân quyền, cải thiện vị thế của nữ giới làm việc ngoài xã hội.
 
 Michelle Obama cũng được đánh giá là phu nhân có “gu” thời trang.
Trong thập niên 1940, bà là đồng sáng lập viên của tổ chức Freedom House, một tổ chức phi Chính phủ, cổ vũ cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Bà tích cực vận động cho việc thành lập Liên hợp quốc và là một đại biểu của Hoa Kỳ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc từ năm 1945 đến năm 1952, một chức vụ được Tổng thống Harry Truman bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn. Trong thời gian làm việc tại Liên hợp quốc, bà là Chủ tịch Ủy ban soạn thảo và chấp thuận bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
 
Tổng thống Truman đã dùng danh hiệu “Đệ nhất Phu nhân của thế giới” khi nhắc đến bà để tôn vinh những thành quả về nhân quyền mà bà đã đạt được. Trong suốt cuộc đời, Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt hoạt động hăng say trong nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội. Năm 1999, bà được bình chọn trong danh sách 10 phụ nữ được thế giới ngưỡng mộ nhất thế kỷ 20.   
 

Bên cạnh sự tán thưởng của công chúng còn có những lời chê bai từ giới thời trang dành cho những bộ cánh của các đệ nhất phu nhân trong lễ trọng đại của chồng. Năm 1977, Rosalynn Carter mặc chiếc váy cũ mà bà đã dùng trong hai lễ nhậm chức thống đốc bang của ông xã trước đó. “Bà ấy muốn kế tục truyền thống nên mặc bộ cánh đó khi Carter tuyên thệ Tổng thống”, Mayo nói. “Nhưng cộng đồng thời trang rõ ràng là không thích”.

Hầu hết các Ðệ nhất Phu nhân đều mặc đẹp hơn trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai. Năm 1992, Hillary Rodham Clinton mặc đồ của một nhà thiết kế không tên tuổi bang Arkansas. Chiếc váy màu tím gắn hạt pha lê đã là đề tài cho hàng loạt câu bình phẩm. Sau 4 năm chịu trận những lời ong ve, Clinton đến nhà tạo mẫu Oscar de la Renta vào năm 1997 và đồng ý mặc chiếc đầm dạ hội màu vàng. Kết quả thật tuyệt, trong trang phục đơn giản và lịch lãm, Ðệ nhất Phu nhân thoải mái hơn hẳn trước đó 4 năm.

Lê Sơn


Ý kiến của bạn