Những người làm bạn với cá heo

10-07-2011 08:05 | Xã hội
google news

Người dân ven biển từ Thanh Hóa đến Kiên Giang nước ta đều có tục thờ cá voi. Người dân làng biển Sơn Thọ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, Thái Bình ngày nay đang lập mộ cá heo.

Người dân ven biển từ Thanh Hóa đến Kiên Giang nước ta đều có tục thờ cá voi. Người dân làng biển Sơn Thọ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, Thái Bình ngày nay đang lập mộ cá heo. Với họ, cá heo thực sự là những người bạn trên biển cả và có một sự gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần, trong những ngày tháng lênh đênh trên biển cả.

Ngư dân yêu cá heo

Làng Sơn Thọ nằm sát biển, diện tích đất nông nghiệp ít nên người dân đa số sống nhờ vào biển, dựa vào biển. Các cụ già kể lại rằng, từ xa xưa, người Sơn Thọ đã chọn cách sống ôn hòa với biển khơi. Đặc biệt hơn, với loài cá heo, người dân không bao giờ đánh bắt, ngược lại, chính người dân đã chủ động sống hòa bình, bảo vệ cá heo. Vì thế, cá heo cũng luôn gần gũi và hiện diện trong những lần đi biển của người dân miền biển này.

 Người dân hưởng lợi từ biển.

Cũng giống như một số người dân vùng biển miền Trung có tục thờ cá ông (cách gọi thành kính của ngư dân đối với cá voi). Với họ, cá ông vô cùng hiền hòa và thường giúp người dân đi biển mỗi khi gặp hoạn nạn. Vùng biển Thái Thụy - Thái Bình chưa bao giờ thấy xuất hiện cá voi, nhưng cá heo thì rất nhiều. Với họ, cá heo là những người bạn trên biển, là sinh vật linh thiêng.

Cụ Phạm Khắc Ngự - Thủ nhang của đền Bà, làng Sơn Thọ cho biết: “Từ thời ông tôi đi biển, đã không hề bắt cá heo rồi. Người dân chúng tôi cứ thế, đời nọ truyền cho đời kia một kiểu sống hòa bình đó. Thời của tôi đi biển, cá heo ghé vào sát thuyền và đùa giỡn, lượn lờ rồi nhảy lên trên mặt nước. Anh em chúng tôi khen: Các ông giỏi thế, múa đẹp thế. Tức thì cả đàn càng lượn, nhảy múa, nhìn rất thích mắt. Dường như được khen, được động viên, các ông cá càng thích thì càng biểu diễn hay hơn. Năm trước, mấy thanh niên của làng đi biển đánh cá, còn nhảy xuống vui đùa, cưỡi lên cả lưng các ông mà đùa cùng cơ…”

Theo lời nhiều cụ già của làng, thì hàng trăm năm qua, nhờ “đối xử” tốt với biển cả, với cá ông, nên người dân luôn được phù hộ cho những đoàn thuyền đánh cá được bình an. Trẻ em lớn lên là biết yêu biển, sống với biển, rất hiếm khi gặp nạn trên biển. Người đời trước nói với người đời sau các quy định “bất thành văn” của người đi biển, là dù cuộc sống có đói khổ, thì vẫn phải gìn giữ biển.

Ông cá về làng yên nghỉ

Đền Bà làng Sơn Thọ thờ Tống Thái Hậu đời Trần. Đây cũng là một trong 12 ngôi đền được lập trong hệ thống “Thập nhị hải môn” (12 cửa biển), tính từ Quảng Ninh đến Quảng Trị. Hàng năm, vào các ngày từ 10 đến 12/3 âm lịch, làng mở hội. Người từ các đời trước truyền lại: xưa đền Bà ở gần cửa sông, sát mé biển. Năm nào cũng vậy, những ngày lễ hội, cá heo kéo vào sát bờ chầu hàng đàn. Có khi cả đàn cùng lượn lờ, thậm chí nhảy lên khỏi mặt nước mà đùa giỡn. Theo người dân, năm nào cá heo về càng đông thì năm đó người đi biển càng thắng lợi, gặp nhiều may mắn. Vào đầu thế kỷ 20, do nước biển dâng lên, đền đã được chuyển sâu vào trong đất liền.

 Chuẩn bị an táng cá heo

Đúng ngày lễ hội chính của năm 2011, người dân Sơn Thọ được rước một ông cá heo thực sự. Hôm đó, ngày 12/3 âm lịch (tức 14/4/2011), ba ông Giang Văn Đương, Phạm Hữu Thản, Trần Văn Toản ra cửa sông, chuẩn bị đi biển thì nhìn thấy một ông cá heo đang nằm nổi dập dềnh. Quan sát kỹ, ba ngư dân nhận thấy ông cá ở tình trạng rất yếu, không đủ sức quay trở lại biển khơi. Các ông gọi điện về báo với trưởng thôn và họ tộc. Người dân vội vàng bảo nhau rước cá ông về đền Bà. Khi làm lễ dâng hương, lúc đó, ông cá heo đã mở mắt, chớp chớp mấy cái rồi mới “đi” hẳn trong sự chứng kiến của rất nhiều người. Người dân đã chọn giờ “đại an” là 4 giờ chiều hôm sau, ngày 13/3 âm lịch để chôn cất cá ông, ngay trong khuôn viên của đền Bà.

Cá heo đã sống hòa thuận nhiều đời với ngư dân Sơn Thọ. Nay, đây là lần đầu tiên cá ông vào tận sông, nên người dân có trách nhiệm chôn cất và thờ phụng. Năm nay, khách thập phương đến làng Sơn Thọ tham dự lễ hội đông vô kể. Ban đầu không ai biết vì lý do gì, đến đúng ngày chính hội thì người dân phát hiện cá ông… Đó là một điềm lành, một vinh dự lớn đối với người dân miền biển này. Với họ, có thể cá ông đã già, đuối sức, nên về “yên nghỉ” tại Sơn Thọ, về với những người bạn hiền lành, gần gũi.

Ông Giang Văn Thuyên - cán bộ quân đội nghỉ hưu, nay là Trưởng ban Quản lý di tích đền Bà vui sướng cho biết: “Dân chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề biển. Lần này được rước cá ông thật, đó là một vinh dự lớn. Chúng tôi đã chôn cất cá ông, đang tiến hành xây mộ để hàng ngày thắp hương, cầu khấn. Bởi với ngư dân thì điều mong mỏi lớn nhất là sóng yên, biển lặng, kiếm được nhiều tôm cá để phục vụ cho cuộc sống. Chúng tôi cần thần Nam Hải, cần cá ông phù hộ, độ trì”.

Không ít làng biển đã khai thác là khai thác triệt để, dù cá lớn, cá bé đều đánh bắt. Hiếm có ngôi làng nào bình yên, giữ môi trường biển, nghĩ về biển như người Sơn Thọ. Với họ, biển cả cũng như người mẹ hiền và những đứa con cần phải ghi nhớ công ơn. Mong rằng, làng biển nào cũng có những quy tắc để bảo vệ tài nguyên biển quý giá.          

  Đinh Vân


Ý kiến của bạn