Những người kiên cường bảo vệ Cồn Nổi năm ấy

25-08-2013 15:00 | Thời sự
google news

Ðồn Biên phòng Hải Hòa được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đoạn biên giới với chính diện 12,330km, gồm 7 mốc giới/8 cột mốc, từ mốc 1370 đến mốc 1376 thuộc TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Ðồn Biên phòng Hải Hòa được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đoạn biên giới với chính diện 12,330km, gồm 7 mốc giới/8 cột mốc, từ mốc 1370 đến mốc 1376 thuộc TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ðây là đoạn biên giới thuộc lưu vực sông Bắc Luân với nhiều cồn nổi, bãi triều; có địa hình, thủy văn rất phức tạp, đặc biệt vào mùa mưa, ở đây thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống. Do đó, việc tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Những người kiên cường bảo vệ Cồn Nổi năm ấy 1
 Bà Quý đang kể về cuộc đấu tranh bảo vệ Cồn Nổi năm ấy với tác giả.
Những năm trước, đây là khu vực trọng điểm, phức tạp về tranh chấp chủ quyền; là khu vực phía đối diện thường xuyên có những hoạt động lấn chiếm, vi phạm chủ quyền nước ta, nhất là khu vực bãi Tục Lãm hòng độc chiếm để có lợi trong việc phân định Vịnh Bắc Bộ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ chủ quyền đối với bãi Tục Lãm là chứng lý quan trọng trong quá trình đàm phán phân giới cắm mốc, trong hơn 10 năm qua, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Hải Hòa luôn quán triệt sâu sắc phương châm, nguyên tắc trong bảo vệ biên giới; kiên trì, mềm dẻo vận dụng linh hoạt các đối sách trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên bãi Tục Lãm; luôn duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vừa làm ăn sản xuất, vừa khẳng định chủ quyền; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, xua đuổi các hành vi vi phạm chủ quyền của các lực lượng phía đối diện. Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, đơn vị đã tổ chức đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả hàng chục vụ phía đối diện nắn, lái dòng chảy âm mưu lấn chiếm biên giới, lãnh thổ. Có thời điểm diễn ra căng thẳng, song với ý chí kiên cường, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh; linh hoạt, mềm dẻo trong vận dụng các đối sách nên vừa giữ vững chủ quyền, vừa không bị mắc mưu khiêu khích của đối phương, không để xảy ra đối đầu căng thẳng.

Tiêu biểu là cuộc đấu tranh bảo vệ Cồn Nổi tại khu vực mốc 3 500. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 27/3/2004, phía đối diện đã ngang nhiên đưa máy xúc xuống sông biên giới đắp con trạch dài 45m, rộng 2,5m, cao 0,6m chặn dòng chảy sông biên giới nối vào đầu Cồn Nổi (đối diện mốc 3 500 cũ, nay là mốc 1372) thuộc chủ quyền Việt Nam nhằm đẩy dòng chảy sông biên giới về phía Tây Cồn Nổi. Phía đối diện đã huy động số đông lực lượng có trang bị vũ khí, lợi dụng địa hình, địa vật áp sát biên giới và chĩa súng vào đội hình đấu tranh của ta làm áp lực và đe dọa nổ súng. Ngay sau khi phát hiện, Đồn Biên phòng Hải Hòa đã nhanh chóng báo cáo và tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền TP. Móng Cái để chỉ đạo; mặt khác, huy động lực lượng cùng hàng trăm dân quân địa phương phường Hải Hòa triển khai đội hình đứng thành hàng rào xung quanh Cồn Nổi, không cho máy xúc của phía đối diện xúc đất. Phía đối diện huy động hàng trăm dân binh, có bộ đội và công cụ hỗ trợ dùng gạch, đá ném vào đội hình của ta. Bằng những lời lẽ khôn khéo, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và nhân dân địa phương đã tuyên truyền và khẳng định được chủ quyền của Việt Nam, buộc phía bên kia phải dừng thi công và đưa máy xúc về bên kia biên giới. Nắm được ý định của phía đối diện, ngay trong đêm 27/3 đến sáng ngày 28/3/2004, Đội VĐQC của Đồn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phường Hải Hòa đã vận động nhân dân chuẩn bị tham gia đấu tranh chính trị tại thực địa. Sáng ngày 28/3/2004, ta đã huy động được hơn 1.000 lượt nhân dân cùng BĐBP và các lực lượng xuống sông biên giới đấu tranh trực diện; mặt khác, dùng loa tuyên truyền đặc biệt qua biên giới bằng 3 thứ tiếng nhằm phản đối những hành động vi phạm của phía đối diện. Đến sáng ngày 29/3/2004, trong đàm phán, phía đối diện buộc phải công nhận hành vi vi phạm chủ quyền đối với Việt Nam. Sáng ngày 2/4/2004, họ đã tiến hành nạo vét chân kè trả lại dòng chảy sông biên giới ở phía Bắc Cồn Nổi. Cuộc đấu tranh chống lấn chiếm biên giới đã giành được thắng lợi, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương dũng cảm không sợ hy sinh gian khổ như thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, trung úy Đỗ Văn Hùng, trung úy Bùi Văn Việt (đều thuộc Đồn Biên phòng Hải Hòa) và bà Trần Thị Quý (Khu 1), ông Nguyễn Văn Bảy (Khu 7), anh Phạm Văn Lâm (Khu 5) phường Hải Hòa...

Giờ đây, những cán bộ chiến sĩ tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ Cồn Nổi năm ấy đều đã luân chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu. Đại úy Chu Xuân Quyết (Chính trị viên phó Đồn) đưa tôi đến gặp chị Thúy, chị Oanh - những cán bộ tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ Cồn Nổi năm 2004. Các chị bồi hồi nhớ về những ngày đấu tranh quyết liệt đó. Chị Oanh (Chủ tịch Hội Phụ nữ phường từ ngày đó đến nay) nhớ lại: 11 giờ đêm, nhận được lệnh, chị cùng với chị Ngoan (UVTV Hội Phụ nữ) vội đạp xe đến tận 1giờ sáng xuống các thôn, khu trong xã vận động chị em 5 giờ sáng về tề tựu đông đủ tại trụ sở xã rồi kéo ra bảo vệ Cồn Nổi. Trước tinh thần đấu

tranh quyết liệt của chị em phụ nữ và bà con nhân dân, phía đối diện đã dùng gạch đá ném xối xả vào hàng rào người đang đầm mình giữa dòng sông bảo vệ Cồn Nổi. Ban đầu có đôi chút nao núng, nhưng rất nhanh chóng, chị em đã dùng rổ, nón để che chắn và lăn xả vào đấu tranh với khí thế hừng hực lửa căm thù.

Chúng tôi đến nhà thăm anh Phạm Văn Lâm (khu 5, phường Hải Hòa), người đã bị phía bên kia ném đá làm chấn thương chân trái. Gia đình anh Lâm quê ở Thái Bình, xung phong ra làm kinh tế mới ở nơi giáp biên này từ năm 1991. Khi ấy, anh đang cùng tiểu đội dân quân xã đi tuần tra bảo vệ khu vực Tổ Chim thì nhận được lệnh kéo về cột mốc số 3 500 vào lúc 7 giờ sáng ngày 26/4 để xua đuổi hành vi xâm lấn của phía bên kia. Có những lúc gay cấn, tiểu đội dân quân đã hiên ngang chặn đầu máy cuốc của phía đối diện kiên quyết nhưng mềm dẻo buộc họ phải rút. Sáng sớm hôm sau, phía đối diện lại kéo máy ra sông làm tiếp, anh cùng vợ và bà con trong xã đã kéo ra làm thành từng lớp hàng rào sống đứng kín lòng sông để phản đối. Trong lúc xô xát xảy ra, anh bị đá của phía đối diện ném vào làm dập xương thứ hai mu ống chân trái. Anh cố bò vào được đến bờ thì ngất đi và được đưa vào viện cấp cứu. Vừa kể, anh Lâm vừa kéo ống quần chỉ cho tôi xem vết thương nay đã lành lặn, rồi lại lấy tấm bằng khen của Bộ đội Biên phòng tặng ra cho tôi xem.

Đi đến đâu khi được hỏi về cuộc đấu tranh bảo vệ Cồn Nổi năm ấy, những người được chứng kiến đều nhắc tới bà Trần Thị Quý (Khu 1) với tấm lòng khâm phục. Chúng tôi tìm đến thăm thì hàng xóm cho biết bà vừa lên nhà con gái, tìm đến nhà con gái thì gặp bà đang cùng cả gia đình chuẩn bị làm đám cưới cho cháu ngoại. Trước khi đến thăm bà, tôi được Trung tá Trịnh Văn Cơ (Đồn trưởng) cho biết, bà từng làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã nhiều năm, là người đã dũng cảm ba lần nằm ôm cột mốc để bảo vệ biên giới hồi năm 1979. Năm nay, bà Quý 84 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe hồng hào, đi đứng, nói năng dứt khoát, mạnh mẽ, quả đúng là thủ lĩnh của chị em phụ nữ vùng biên. Là người nhiều tuổi nhất nhưng bà cũng là người xông xáo và hăng hái nhất trong đoàn người đấu tranh bảo vệ Cồn Nổi. Bà Qúy luôn đứng hàng đầu như thủ lĩnh tinh thần của chị em và dòng người lúc đó. Trước tình thế nguy nan khi phía đối diện ồ ạt ném gạch đá, bà vẫn kiên cường bám trụ và hô hào chị em phải quyết giữ đến cùng không được rời nửa bước. Sau đợt tấn công bằng gạch đá dữ dội, một số người đã bị thương, bản thân bà mặc dù đã dùng nón và rổ để chắn đỡ nhưng vẫn bị trúng 4 viên đá vào vai làm cho chảy máu, vào lưng và chân bị đau đến mấy tháng trời. Nhưng với tinh thần đấu tranh quyết liệt của bà cùng với bà con nhân dân từ nhiều ngày trước và đặc biệt ác liệt là suốt từ mờ sáng đến trưa ngày 29/4 đã buộc chúng phải rút.

Cồn Nổi đã được bảo vệ an toàn bởi những con người quả cảm và kiên cường như bà Quý, ông Bảy, anh Lâm... và những cán bộ chiến sĩ biên phòng nơi đây.      

  Bài, ảnh: Phạm Quỳnh


Ý kiến của bạn