Những thành viên này không chỉ đặc biệt về ngoại hình mà còn đặc biệt về thành tích thi đấu từ giải quốc gia đến cuộc thi Olympic Bắc Kinh danh giá với kho huy chương có đủ cả vàng, bạc lẫn đồng. Thể thao đã khiến họ làm nên những kỳ tích...
Âm thầm tập luyện trong góc khuất cuộc đời
Câu lạc bộ (CLB) thể hình thẩm mỹ Vĩnh Hải tại phường 17, khu A, chợ Vĩnh Hải, Nha Trang, Khánh Hòa hiện là mái nhà chung của 7 thành viên khuyết tật tham gia tập luyện. Có lẽ 7 con người sẽ chẳng bao giờ biết nhau nếu không nhờ duyên phận đưa họ đến với thể thao. Tại sân tập Vĩnh Hải, các vận động viên (VĐV) khuyết tật không cần phải đóng bất kì 1 khoản phí nào, họ tự tìm đến đăng kí và học tập. Năm 2004, một CLB thể hình dành riêng cho người khuyết tật chính thức thành lập tại phòng tập của gia đình ông với 28 thành viên có tên gọi: “CLB thể hình thẩm mỹ khuyết tật Vĩnh Hải”. Chính trong năm này, CLB đã tham gia thi đấu giải toàn quốc và Đông Nam Á, đều có huy chương. Từ năm 2004 đến nay, những VĐV khuyết tật của ở CLB thể hình thẩm mỹ Vĩnh Hải vẫn đều đặn tham gia và giành nhiều giải cao ở các giải thi đấu quốc gia và đấu trường quốc tế. Hiện nay, số lượng học viên khuyết tật cơ thể hiện chỉ còn 7 người, người xin vào học vẫn tăng lên, do sự hạn chế về diện tích tập luyện nên HLV Quang Nhật Mạnh đành từ chối dù rất thương các em.
Huấn luyện viên Quang Nhật Mạnh đưa học trò đi thi đấu. |
Nơi cư trú của ông Quang Nhật Mạnh - huấn luyện viên (56 tuổi) cũng đồng thời là CLB thể hình dành cho cả người thường và người khuyết tật. Khu dành cho người khuyết tật chiếm 1 góc nổi bật, ngay trước mặt tiền căn nhà rộng hơn 240m2 của ông. Bằng đam mê và nhiệt huyết, ông đã dùng chính sân nhà mình để xây dựng CLB thể thao vào năm 1992. Thời gian đầu ông vừa buôn bán nhỏ vừa tham gia hoạt động đoàn phường. Chính tại đây, ông đã nhận được sự đồng ý mở CLB thể thao để giúp đỡ thanh niên trong vùng tránh xa tệ nạn và tăng cường thể lực. Ông Mạnh hoàn toàn phải tự túc kinh phí trong việc duy trì hoạt động và mở rộng sân tập cho đến tận ngày nay. Tính đến trước năm 2008, CLB thể hình thẩm mỹ Vĩnh Hải có tất cả 28 thành viên khuyết tật tham gia tập luyện với đủ các loại hình thể thao như: cử tạ, điền kinh...
Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Phi Thuận vốn làm nghề sửa điện thoại và đồng hồ, sau khi thi đấu và luyện tập vẫn tiếp tục làm công việc này. Nguyễn Đăng Khoa là 1 VĐV cử tạ tài năng, lại trở về với công việc may giày, quần áo. Đinh Thị Ngà lại là một thợ may khéo léo, góp phần nuôi gia đình, chồng con. Huấn luyện viên Quang Nhật Mạnh đã phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho 7 con người này để họ có thể vươn tới đỉnh cao của vinh quang. Đến với sự cưu mang của vợ chồng thầy Quang Nhật Mạnh, những tưởng họ đã có được một mái ấm để trú ngụ khi mưa gió bão về, nhưng sóng gió vẫn đến liên tiếp với sân trường ấy. “Thảm họa” mất sân tập luyện, mất luôn nhà huấn luyện viên bỗng chốc ập đến. Trong thời gian 3 tháng vắng nhà chuẩn bị cho kì thi Olympic Bắc Kinh 2008, khi trở về, huấn luyện viên Mạnh hoàn toàn bất ngờ vì nhà cửa không thấy đâu. Nguyên nhân là do thi công dự án qui hoạch chợ Vĩnh Hải, trong đó có phần đất gia đình ông, đã bị san lấp. VĐV Đinh Thị Ngà tâm sự: “Thảm họa mất sân tập rộng hơn 400m2 đã làm hàng chục bạn tập bỏ đi. Thầy tôi cũng buồn lắm. Chúng tôi đến đây tập luyện là để có thêm bạn bè và sống có ích chứ không phải là việc làm phi pháp!”. Rồi vì niềm đam mê, thầy Mạnh lại làm lại từ đầu với sân tập ngay trong khuôn viên nhà mình để các VĐV tụ tập về và mang lại rất nhiều thành tích đáng khâm phục.
Năm 2002, Sở Thể dục - Thể thao Khánh Hòa lần đầu tiên đặt vấn đề với CLB thể hình thẩm mỹ Vĩnh Hải về việc cho người khuyết tật tham gia thi đấu Paragame và giải Đông Nam Á. CLB có 2 VĐV được chọn là Nguyễn Văn Hùng và Châu Hoàng Tuyết Loan. Ông Quang Nhật Mạnh cho biết: “Với một huấn luyện viên và những người luyện tập thể thao, đó là lời mời không thể và không bao giờ nên từ chối, tôi và các học trò lập tức đồng ý ngay!”. Khi ra đến Hà Nội, sau 4 tháng huấn luyện, đội tuyển lên đường thi đấu và giành được 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc và 1 giải khuyến khích, trong đó Châu Hoàng Tuyết Loan và Nguyễn Văn Hùng đều có tên trong danh sách đạt giải.
Vận động viên Đinh Thị Ngà đoạt Huy chương vàng tại Malaysia năm 2009. |
Khổ luyện và vinh quang
Ngày nào cũng vậy, từ 15h – 16h30, họ đều phải luyện tập từ thể lực đến ý chí thi đấu. Những học trò bình thường luyện tập tại trung tâm chỉ dùng những thớt tạ xanh nặng 5kg, còn với những VĐV này, thớt tạ nhẹ nhất là 10kg, nặng nhất là 25kg, riêng đòn tạ đã nặng đến 21,5kg. VĐV Nguyễn Văn Hùng vui mừng cho biết: “Tôi hiện đã hết tạ tập vì cử tạ tôi đã đạt đỉnh thế giới, cần phải làm tạ mới sớm để luyện thêm. Bạn tôi là Nguyễn Đăng Khoa cũng chỉ mới 18 tuổi nhưng đã đạt thành tích 127kg, bạn ấy chắc cũng sẽ sớm thay tạ!”. Mỗi VĐV cử tạ hàng ngày phải nâng tạ với nhiều hạng cân lên tới hàng trăm lần, kéo dài nhiều năm. Những VĐV khuyết tật của CLB thể hình thẩm mỹ Vĩnh Hải tập luyện còn hơn cả những VĐV cử tạ thông thường. Khi tập luyện phải có người giúp đỡ, vì đơn giản họ không còn lành lặn để có thể hoàn thành nhiều động tác khó cần phải có sự dẻo dai cần thiết và sự hỗ trợ của cơ bắp toàn thân thể.
Mỗi người 1 nội dung, 1 màu sắc. CLB có những thành viên đã luyện tập cử tạ liên tục hơn 10 năm, ít nhất cũng đã 8 năm, trong đó đáng chú ý là Nguyễn Văn Hùng với 10 năm tập luyện, hiện đang thi đấu ở nội dung 67,5kg, anh có thể nâng tạ đạt mức thành tích mới nhất là 175kg. Nguyễn Thanh Xuân hiện đang thi đấu ở nội dung 56kg, có thể cử tạ nặng 165kg, đã có thời gian luyện tập 8 năm. Huấn luyện viên Mạnh đánh giá: “Xuân cố gắng vượt tốt nhất, làm được điều mà nhiều người khuyết tật khác phải mất trên 10 năm mới làm được!”. Tập luyện hoàn toàn tùy mục đích, mỗi 1 mức tạ yêu cầu khả năng luyện tập khác nhau, làm thay đổi cơ bắp bản thân VĐV theo 1 loại hình khác nhau. Được biết, vất vả nhất của việc cử tạ chính là việc theo hiệu lệnh của trọng tài để nâng và hạ tạ, trước khi nâng tạ lên cao, tốt nhất nên dừng trước ngực từ 2 - 3 giây để dưỡng sức.
Ngoài ra, có 5 VĐV khuyết tật khác cũng không hề kém về thành tích và tài năng thể thao, đó là: Nguyễn Phi Thuận - thi đấu tại hạng cân 48kg, có thể nâng tạ đạt mức 165kg; Nguyễn Đăng Khoa - thi đấu tại hạng cân 56kg, cử tạ mức 127kg; nữ VĐV đã ngoài 40 tuổi Đinh Thị Ngà ở hạng cân 56kg và Lê Thị Ánh Nga ở hạng cân 44kg. Trong 7 VĐV khuyết tật tại CLB thể hình thẩm mỹ Vĩnh Hải, duy chỉ có Trương Tấn Hiền là thi đấu điền kinh ở các cự ly: 100m, 200m, 400m. Anh có đường chạy thuê riêng, cách CLB không xa lắm.
Những thành tích vang dội tại các đấu trường quốc tế là sự tưởng thưởng cho những tháng ngày khổ luyện vất vả. Đinh Thị Ngà năm nay đã 42 tuổi nhưng vẫn mang liên tiếp nhiều “kho vàng” về cho bản thân và quốc gia. Ngà đã từng đoạt Huy chương đồng tại giải vô địch cử tạ Thế giới năm 2006, huy chương bạc Giải vô địch cử tạ châu Á năm 2007, 2 Huy chương vàng tại Para Games 3 ở Thái Lan năm 2008... Trong 4 năm, Nguyễn Thanh Xuân đã có 5 Huy chương vàng quốc gia và 1 Huy chương vàng Para Games. Nguyễn Văn Hùng ở độ tuổi 18 đã đạt thành tích rất cao với bộ huy chương gồm: 11 Huy chương vàng quốc gia, 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc Đông Nam Á. Trương Tấn Hiền mới đây cũng đã đoạt 3 Huy chương vàng.
Mới đây nhất, Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2012, cả 7 VĐV đều tham gia và đều đoạt giải với thành tích 7 huy chương vàng và 1 huy chương bạc. Hiện nay, các thành viên CLB thể hình thẩm mỹ Vĩnh Hải – Nha Trang – Khánh Hòa đều đang “ăn lương” của Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao người khuyết tật Hà Nội, mức lương chỉ từ 4,5 – 6,8 triệu đồng. Mùa thi đấu lại đang về, những VĐV nơi này phải tăng cường tập luyện cho mùa giải mới. Thế mới thấy ý chí và nghị lực phi thường của những con người khuyết tật này vẫn có thể làm nên những điều tưởng chừng như kỳ tích.
Bài và ảnh: Gia Ly - Đức Thọ