1. Lý do người đái tháo đường nên hạn chế ăn bánh chưng
Thành phần dinh dưỡng chính của bánh chưng là tinh bột. Gạo nếp có chỉ số đường huyết cao tới 85. Đồng thời, trong cách chế biến, tinh bột càng nấu kỹ thì tốc độ hấp thụ và chuyển thành đường đi vào máu càng nhanh. Vì vậy, đây là món ăn người bệnh đái tháo đường nên hạn chế để tránh tăng đường huyết và các biến chứng nguy hiểm.
Theo Lương y Phúc Minh, bánh chưng có giá trị dinh dưỡng cao và được phối hợp tổng hòa nhiều mùi vị như thơm dẻo của gạo nếp, ngọt bùi của đậu xanh, vị béo ngậy của thịt mỡ cùng với mùi thơm đặc trưng của tiêu, hành, lá dong. Tuy nhiên, bánh chưng giàu chất đường, chất đạm, chất béo, một chiếc bánh chưng to đầy đủ thành phần có thể cung cấp tới 2.500 calo, tương đương với khoảng 6 tô phở gà. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường, người đang cần giảm cân không nên ăn nhiều.
Việc ăn bánh chưng không kiểm soát, đặc biệt là trong những ngày Tết sẽ làm tốc độ tăng đường máu tăng nhanh, đặc biệt là món bánh chưng rán. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, chế độ ăn cần kiểm soát lượng carbohydrate. Khi người bệnh đái tháo đường nạp carbohydrate vào cơ thể sẽ tạo ra đường sớm hơn so với đạm và chất béo. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là người bị đái tháo đường phải kiêng hoàn toàn món ăn truyền thống này mà vẫn có thể thưởng thức một lượng nhỏ phù hợp.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, để đảm bảo sức khỏe, không làm đường huyết tăng khi ăn bánh chưng bệnh nhân đái tháo đường cần phải có cách ăn hợp lý. Mỗi lần ăn chỉ nên ăn khoảng 1/8 cái tương đương với lượng tinh bột của một bát cơm trắng và mỗi lần ăn cách nhau ít nhất 8 tiếng.
Khi đã ăn bánh chưng, cần cắt giảm lượng cơm và các món ăn chứa nhiều tinh bột như xôi, cơm, miến. Đồng thời, nên ăn thêm thịt và rau, salad… là các món chứa nhiều chất xơ giúp làm giảm khả năng hấp thụ bột đường trước khi ăn bánh chưng. Các chất xơ và chất đạm sẽ làm chậm quá trình hấp thụ tinh bột trong bánh chưng, ngừa tăng đường huyết.
Ngoài ra các bác sĩ khuyến cáo nên thường xuyên đo và theo dõi chỉ số đường huyết của cơ thể, đặc biệt là trước và sau khi ăn bánh chưng để có thể điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý. Nếu tăng nhiều, cần giảm bớt lượng bánh chưng trong lần ăn kế tiếp.
2. Người bệnh tim cần lưu ý gì về việc ăn bánh chưng?
Những thành phần trong bánh chưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch nếu tiêu thụ quá nhiều, đặc biệt là đối với người đã có tiền sử bệnh tim, cụ thể:
Gạo nếp: Chứa nhiều carbohydrate, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường. Lượng đường này nếu không được tiêu thụ hết sẽ chuyển hóa thành mỡ thừa, gây tăng cân và ảnh hưởng đến tim mạch.
Thịt mỡ: Chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL) trong máu, gây xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Muối: Một số loại bánh chưng có thể chứa nhiều muối, gây tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch.
Mặc dù người bệnh tim có thể ăn bánh chưng nhưng cần hạn chế và tuân thủ một số nguyên tắc:
Ăn với lượng nhỏ: Chỉ nên ăn một miếng nhỏ bánh chưng, tốt nhất là vào buổi sáng và kết hợp với nhiều rau xanh để cung cấp chất xơ và hỗ trợ tiêu hóa.
Chọn loại bánh ít mỡ: Ưu tiên bánh chưng chay hoặc bánh có ít thịt mỡ.
Tránh bánh chưng rán (chiên): Bánh chưng rán chứa nhiều dầu mỡ và calo hơn, không tốt cho tim mạch.
Không ăn kèm dưa muối, hành muối: Các món muối chua chứa nhiều muối không tốt cho người bệnh tim mạch và tăng huyết áp.
Người bệnh tim mạch nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa, cholesterol và muối. Dù người bệnh tim có thể ăn bánh chưng với lượng nhỏ và tuân thủ các nguyên tắc trên nhưng sau khi ăn bánh chưng, cần theo dõi huyết áp cùng với các chỉ số sức khỏe khác. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể về chế độ ăn, trong đó có việc nên ăn bánh chưng không.
3. Người đang giảm cân nên tránh ăn bánh chưng
Bánh chưng rất ngon và hấp dẫn nhưng với người đang trong quá trình giảm cân, bánh chưng không phải là lựa chọn lý tưởng vì những lý do sau:
Lượng calo cao: Bánh chưng được làm từ gạo nếp, thịt mỡ và đậu xanh, đều là những nguyên liệu giàu năng lượng. Một chiếc bánh chưng cỡ vừa có thể chứa từ 1.700-2.000 calo, tương đương với gần một nửa lượng calo cần thiết hàng ngày của một người trưởng thành. Theo Viện Dinh dưỡng TP.HCM, một chiếc bánh chưng khoảng 1 kg gồm gạo nếp: 600g; đậu xanh: 200g và thịt ba rọi: 300g sẽ có khoảng 2.000 calo. Việc tiêu thụ quá nhiều calo sẽ dẫn đến tích tụ mỡ thừa và gây tăng cân.
Giàu carbohydrate: Gạo nếp chứa nhiều carbohydrate, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường. Lượng đường này nếu không được tiêu thụ hết sẽ chuyển hóa thành mỡ thừa.
Khó tiêu hóa: Gạo nếp có tính dẻo, dính, khi ăn nhiều dễ gây đầy bụng, khó tiêu, đặc biệt là đối với những người có hệ tiêu hóa kém.
Chứa nhiều chất béo: Thịt mỡ trong bánh chưng chứa nhiều chất béo bão hòa, không tốt cho sức khỏe tim mạch và cũng góp phần làm tăng cân.
Bánh chưng rán (chiên): Bánh chưng rán được chiên trong dầu mỡ, làm tăng thêm lượng calo và chất béo, gây khó tiêu và tăng cân nhanh hơn.
Gây đầy hơi, chướng bụng: Bánh chưng khó tiêu hóa có thể gây đầy hơi, chướng bụng, khó chịu.
Ngoài ra, ăn nhiều bánh chưng còn có thể gây tăng mỡ máu vì lượng chất béo trong bánh chưng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Lượng carbohydrate trong bánh chưng dễ làm tăng đường huyết, đặc biệt nguy hiểm đối với người bị đái tháo đường.
Vì vậy, người giảm cân nên hạn chế tối đa việc ăn bánh chưng. Nếu muốn ăn, chỉ nên ăn một lượng nhỏ và nên ăn vào buổi sáng, kết hợp với nhiều rau xanh cùng với việc tăng vận động để tiêu hao năng lượng. Tránh ăn bánh chưng rán, nhất là tránh việc ăn vào buổi tối.
Những trường hợp khác nên hạn chế hoặc tránh ăn bánh chưng bao gồm: Người bị tăng huyết áp không kiểm soát được; Người bị mỡ máu cao; Người bị béo phì hoặc thừa cân và những người có tiền sử dị ứng với các thành phần của bánh chưng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn bánh chưng cũng phải có nguyên tắc để ngon miệng mà không tăng cân.