Thương bệnh nhân như người thân của mình
Một ngày mới tại lầu 9, khu D, khoa Hóa trị, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) bắt đầu bằng những nụ cười hiền hậu và lời chào hỏi của những nhân viên mặc áo xanh của Phòng Công tác xã hội.
Có mặt tại bệnh viện từ lúc 6h, Văng Thị Ngọc Bích, nhân viên Phòng Công tác xã hội xem danh sách các bệnh nhân thực hiện hóa trị, xạ trị ngày hôm đó rồi vào phòng Hóa trị để phục vụ các cô bác bệnh nhân.
Cô bật điều hòa, các màn hình LCD rồi lần lượt mời các bệnh nhân lên ngồi đúng số ghế hóa trị. Tiếp đến cô pha nước, phân chia các phần bánh, đẩy xe đến mời từng bệnh nhân dùng miễn phí.
Trong buổi sáng này, cô phục vụ cho 120 bệnh nhân hóa trị, buổi chiều là 80 bệnh nhân.
Ngọc Bích phục vụ và chăm sóc các bệnh nhân. Ảnh: NVCC
"Con mời cô, chú, các anh chị uống nước và ăn bánh ạ!", "Cô, bác, anh chị có cần giúp đỡ gì không ạ?"... Cứ thế, Ngọc Bích đi đến tận ghế các bệnh nhân trao từng ly nước, gói bánh cho họ. Thấy bệnh nhân nào tỏ ra mệt, cô lại hỏi thăm, động viên.
Ngọc Bích cho biết, cô là một trong những nhân viên Phòng Công tác Xã hội gắn bó đầu tiên và lâu nhất với các bệnh nhân ung thư thông qua chuỗi hoạt động "Đồng hành với bệnh nhân ung thư".
"Mấy cô bác bị bệnh rất là thương, họ nói vô phòng thuốc như là phòng đau khổ vậy. Vào đó là mệt mỏi, đau tay, họ không dám cười nhiều. Tuy nhiên, khi chúng em vào phục vụ nước, bánh miễn phí cho cô, bác rồi tâm sự thì các cô bác cảm thấy đỡ buồn hơn. Em không thấy công việc cực, thấy các cô bác vui, thật sự em cảm thấy vui, hạnh phúc lắm" - Bích xúc động nói.
Mắc bệnh ung thư vú đã hơn 6 năm, chị Võ Thị Yến Bình (quê ở Tây Ninh) cho biết, mỗi lần vào Bệnh viện Chợ Rẫy truyền hóa chất chị đều được các nhân viên Phòng Công tác xã hội, đặc biệt là Bích quan tâm, thăm hỏi và giúp đỡ tận tình. Do vậy, chị cảm thấy ấm áp, vui hơn.
"Tôi vẫn nhớ ngày đầu gặp Bích khi đến khám bệnh ở khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi tôi đến nhờ em hướng dẫn, tôi ấn tượng em nở nụ cười thật tươi có lún đồng tiền trên má, em nói chuyện nhỏ nhẹ, lịch sự, hướng dẫn tận tình. Tôi quý cái cách em mời bệnh nhân ở khu Hóa trị ly nước, cái bánh một cách trân trọng, cách nói chuyện chân tình và biết lắng nghe của em với bệnh nhân ung thư.
Bích luôn nghĩ cho bệnh nhân ung thư, khi tôi khoe em có sách dành cho bệnh nhân ung thư, em nói: "Chị tặng em nhen, em để lên kệ sách cho bệnh nhân đọc để có kiến thức lúc chờ khám bệnh"... Dù em phụ trách khu D, khu E hay ở khu nhà nghỉ thân nhân bệnh nhân, em luôn tận tình, hết lòng vì người bệnh ", chị Yến Bình chia sẻ.
Xúc động trước cách lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng các bệnh nhân ung thư của Ngọc Bích, chị Yến Bình đã viết một bức thư tay gửi đến TS.BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ sự trân trọng, biết ơn và mong sao có nhiều nhân viên như Ngọc Bích để giúp người bệnh giảm áp lực khi đến bệnh viện.
Bức thư tay của bệnh nhân ung thư Võ Thị Yến Bình gửi đến TS.BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ sự biết ơn và cảm phục đối với Văng Thị Ngọc Bích – nhân viên Phòng Công tác Xã hội. Ảnh: NVCC
Cũng theo chị Yến Bình, không chỉ riêng Ngọc Bích, các nhân viên Phòng Công tác Xã hội mà chị được tiếp xúc "luôn đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để thấu hiểu, chia sẻ: "Tôi có cảm nhận, các bạn coi bệnh nhân như người thân của mình. Nhiều lúc tôi thử đặt mình vào vị trí của các bạn Phòng Công tác xã hội và hỏi, liệu tôi có thể làm được như họ để lắng nghe, chia sẻ với bệnh nhân không? Quả thực tôi không thể làm tốt được như các bạn đó. Để làm được vậy, phải có sự đồng cảm sâu sắc với bệnh nhân".
Trò chuyện với phóng viên Sức khỏe và Đời sống, bệnh nhân N.V.B. (70 tuổi, quê Bến Tre) bị u ác hốc mũi cho biết, ban đầu phát hiện mắc bệnh, ông rất buồn và không thiết sống. Tuy nhiên, khi đi điều trị ung thư tại khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày nhận được sự quan tâm, thăm hỏi nhẹ nhàng của các y bác sĩ và nhân viên Phòng Công tác xã hội, ông thấy tinh thần phấn chấn và khát khao sống.
Tương tự Văng Thị Ngọc Bích, Nguyễn Thị Ngọc Hân (sinh năm 1986) đã "đầu quân" về Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy được 6 năm. Hàng ngày, ngoài công việc phục vụ trà nước và bánh, chăm sóc bệnh nhân ung thư ở khu D, E, Ngọc Hân còn tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người bệnh về quy trình, thủ tục khám chữa bệnh và nhiều hoạt động hỗ trợ khác.
Ngọc Hân – Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy phục vụ bệnh nhân ung thư tại khu D, khoa Hóa trị. Ảnh: Kim Vân
Trò chuyện với tôi nhưng mắt của Hân vẫn không ngừng quan sát xem các bệnh nhân trong phòng Hóa trị có cần đến sự giúp đỡ của cô không. Hân nói với tôi: "Các bệnh nhân ung thư ở đây, mỗi người một hoàn cảnh, một thể trạng khác nhau. Tất cả đây là người thân của em…".
Và nhiều lần tận mắt chứng kiến cách Bích hay Hân mời bệnh nhân ung thư ly nước, cái bánh đầy trân trọng cùng cách nói chuyện chân tình, lắng nghe, tôi hiểu vì sao họ lại được các bệnh nhân yêu quý đến vậy.
Có nhiều lần Bích, Hân bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gắt gỏng, thậm chí mắng chửi. Tuy nhiên, cả hai chia sẻ, họ đều hiểu và thông cảm cho các bệnh nhân bởi họ vừa trải qua cú sốc tâm lý lại phải chịu những đau đớn về thể xác. Chứng kiến cơn đau, mệt mỏi của bệnh nhân sau mỗi lần hóa trị, Bích và Hân lại động viên, là điểm tựa để họ ổn định trạng thái tâm lý, bớt bi quan. Và mặc dù công việc vất vả từ sáng đến tối, nhiều khi không có thời gian chăm sóc gia đình nhưng chia sẻ với tôi, Bích hay Hân đều cho biết, cả hai đều muốn gắn bó với công việc và chỉ mong có đủ sức khỏe để đồng hành lâu dài với các bệnh nhân ung thư.
Nghề của sự dấn thân, của lòng nhân ái
Phục vụ nước uống, bánh và trái cây miễn phí chỉ là một hoạt động trong chuỗi chương trình "Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư" của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày tiếp đón khoảng 800-900 người bệnh đến khám và điều trị. Thực tế cho thấy, việc bị chẩn đoán mắc ung thư khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Họ gần như phải chiến đấu từng ngày, từng giờ để níu giữ sự sống đi kèm với nỗi lo về gia đình và chi phí điều trị, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường bị những cơn đau dày vò do khối u lớn chèn ép các tế bào ung thư đã xâm lấn....
Những chiếc nón vải và quà tặng nhỏ xinh được nhân viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy sắp xếp gọn gàng tại tủ sách dành cho bệnh nhân tại Khu E, Bệnh viện Chợ Rẫy và khu nhà nghỉ thân nhân bệnh nhân.
ThS Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết, được sự ủng hộ của Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Thức, Phòng Công tác xã hội đã triển khai một chuỗi các hoạt động thiết thực và ý nghĩa cho các bệnh nhân như: Khai trương khu sinh hoạt cho bệnh nhân ung thư (có tủ nón, tóc giả, áo ngực cho người bệnh ung thư vú); chuỗi hoạt động phục vụ và hướng dẫn tại khu D và E; chương trình "Đồng hành cùng chiến binh K"... Song song các hoạt động trên, vào các ngày lễ như 20/10, 8/3, Tết nguyên đán…, Phòng Công tác xã hội đều tổ chức chương trình tặng quà cho người bệnh đang điều trị ung thư.
Ths Lê Minh Hiển – Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy tặng quà cho thân nhân của người bệnh tại chương trình "Chủ nhật chia sẻ yêu thương" và bệnh nhân K dịp Tết 2024.
Anh Lê Minh Hiển cho hay, các hoạt động của Phòng Công tác xã hội có nhiều nhóm, thành viên tham gia. Tuy nhiên, những người đồng hành với bệnh nhân ung thư được chọn lựa khắt khe nhất với những tiêu chí khó khăn nhất. Anh Hiển thường xuyên dặn dò nhân viên phòng Công tác xã hội của mình quan tâm và nhẹ nhàng hỗ trợ cô bác.
"Người làm công tác xã hội không chỉ hiểu về chuyên môn mà còn phải biết quan tâm, ân cần chia sẻ, động viên người bệnh khi họ lo lắng. Chỉ cần một cuộc điện thoại hay một cái nắm tay... đã giúp bệnh nhân rất nhiều. Đây cũng là nghề đòi hỏi sự dấn thân và lòng nhân ái. Ngọc Hân, Ngọc Bích là những thành viên tích cực của "Đồng hành cùng người bệnh ung thư" của Bệnh viện Chợ Rẫy. Các hoạt động của các bạn đều nhận được sự yên tâm, hài lòng của bệnh nhân. Sự chia sẻ, động viên của họ giúp bệnh nhân ung thư xóa đi sự lo sợ, không còn tư tưởng lo lắng khi đến bệnh viện", anh Lê Minh Hiển chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nghề công tác xã hội có những khó khăn, vất vả với những hy sinh thầm lặng nhiều khi không đong đếm được. Họ gắn bó với nghề mình đã chọn, đồng hành và chia sẻ với người bệnh bằng lòng nhân ái. Niềm vui và động lực tiếp tục làm việc của họ là được nhìn thấy nụ cười, cái nắm tay, ánh mắt sẵn sàng đón nhận và chia sẻ của bệnh nhân.