Những người khổng lồ mới của thế giới đến từ những nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và thậm chí là cả Chilê, với một tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, các tập đoàn của thế giới mới trỗi dậy này đang bắt kịp tốc độ về công nghệ và thương mại đến mức làm lu mờ cả hình ảnh của các nhà công nghiệp hàng đầu thế giới.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tập đoàn trước đó vẫn còn là vô danh của những nước có nền kinh tế đang trỗi dậy như Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đã có cuộc chinh phục thế giới khá ngoạn mục, cạnh tranh hay liên doanh ngang hàng với các tập đoàn vốn đã thành danh từ lâu nay trong thế giới công nghiệp. Theo một nghiên cứu mới đây của Tập đoàn tư vấn Mỹ Boston Consulting Group (BCG), hiện trên thế giới có 100 đại tập đoàn mới nổi lên ở khắp nơi, chủ yếu là châu Á, hoạt động trong những lĩnh vực như năng lượng, hóa dầu, dược phẩm, thực phẩm, chế tạo xe hơi và hàng không. Các tập đoàn này trong năm 2011 có thu nhập 2.600 tỷ USD với mức tăng trưởng đều đặn từ năm 2008 là trên 10%. Số lượng cũng như quốc tịch các tập đoàn lớn cũng mở mang nhanh chóng, có thể kể ra nhà khổng lồ khai thác mỏ Brazil Vale, Tập đoàn Wilmar của Indonesia trong lĩnh vực chế biến dầu cọ, hay SABMiller của Nam Phi trong lĩnh vực bia, rượu, giải khát. Chìa khóa thành công của họ là thị trường nội địa đang phát triển mạnh mẽ và năng lực cải tiến.

Trường hợp ấn tượng của Hoa Vi và ZTE. Năm 2006, hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc này mới chỉ chiếm dưới 1% thị phần thế giới, xếp cách xa các tên tuổi lớn như Nokia, Acatel hay Siemens. Nhưng năm 2012, Hoa Vi đã phế ngôi của người khổng lồ Thụy Điển Ericsson để chiếm vị trí số 1 thế giới. Theo các nhà phân tích, thị trường châu Âu hay Bắc Mỹ không phải là mục tiêu ưu tiên của những tập đoàn mới nổi. Bởi đó không phải là những vùng đất tăng trưởng. Tất cả đang nằm ở châu Phi, châu Á hay châu Mỹ Latinh. Đây là vùng đất mà những người khổng lồ mới nổi lên đi trước một bước dài, bởi họ nắm bắt được người tiêu dùng.
Một thí dụ khác là Tập đoàn Dịch vụ điện thoại di động của Ấn Độ Bharti Airtel đang chính phục thành công châu Phi nhờ một mô hình rất phù hợp, đáp ứng được ngân sách của khách hàng ở châu lục này chỉ giới hạn 1 đô-la/một tháng. Tương tự như vậy, các nhà sản xuất xe hơi Ấn Độ còn thành công với việc tung ra các mẫu xe có giá bán chỉ bằng 1/5 hay 1/7 so với các mẫu xe của các nhà chế tạo quen thuộc của phương Tây. Nhà sản xuất xe hơi Ajaj Auto của Ấn Độ đã xuất khẩu được 40% sản lượng sang Đông Nam Á và châu Phi.
Để cưỡng lại sức cạnh tranh mới mẻ này, một số tập đoàn phương Tây đã phải chọn giải pháp liên minh. Các tập đoàn mới nổi, giờ là khách hàng không thể thiếu được của những nhà công nghiệp kỳ cựu. Trong quan hệ làm ăn, các đối tác mới trỗi dậy này vẫn thường kèm theo yêu cầu chuyển giao công nghệ, một cách làm có nhiều rủi ro cho các đối tác phương Tây. Như trường hợp của Airbus. Để xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, nhà chế tạo máy bay của Pháp đã phải chấp nhận chuyển giao một phần công nghệ cho đối tác Comac-Commercial Aircraft Corporation of China. Đây sẽ là một cú hích quý giá đối với tập đoàn Trung Quốc và hy vọng năm 2016 sẽ cho ra đời chiếc máy bay tự sản xuất đầu tiên để bán cho khách hàng là Ryanair và British Airway. Ngoài ra còn rất nhiều thí dụ tượng tự diễn ra trong các ngành sinh học hay hóa dầu, dược phẩm từ xưa đến nay vẫn thuộc độc quyền của các nước phát triển.
Các nhà công nghiệp phương Tây đang đứng trước một thách thức là phải mau chóng tìm cách chiếm lĩnh lại vị thế của mình. Nếu không, các tập đoàn mới nổi sẽ liên kết với nhau để chinh phục những vị trí tốt nhất.
(Theo Bloombergs, AFP)
Hương Hà