Hà Nội

Những người hưởng lương hưu thấp nhất Việt Nam là ai?

18-08-2023 15:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Bên cạnh số ít người hưởng lương hưu cao hàng trăm triệu đồng, nhiều người hưởng lương hưu thấp nhất Việt Nam chỉ nhận số tiền ít ỏi mỗi tháng.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau kỳ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ tháng 7/2023, ông P.P.N.T. (ở TP.HCM) là người đang có mức hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam, với số tiền hơn 140 triệu đồng/tháng. Trong kỳ chi trả lương hưu tháng 8, ông T. nhận hơn 155 triệu đồng do cộng thêm truy lĩnh phần lương hưu tháng 7 tăng thêm.

Lúc này, ai hưởng lương hưu thấp nhất Việt Nam là thông tin được nhiều người quan tâm.

Về nội dung này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay, bên cạnh những trường hợp có lương hưu cao, nước ta cũng có nhiều người hưởng mức lương hưu thấp. Các trường hợp này chủ yếu là: những người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cán bộ xã không chuyên trách; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn mức đóng bảo hiểm xã hội ở mức thấp nhất…

Theo đó, mức lương hưu thấp nhất Việt Nam tập trung vào nhóm những người nông dân ở Nghệ An tham gia chương trình thí điểm đóng bảo hiểm xã hội cho nông dân. Đến năm 2009, khi bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An được chuyển đổi sang bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg, nhiều trường hợp tiếp tục tham gia "lưới" an sinh qua hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khi nghỉ hưu, do có thời gian đóng ngắn, mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng thấp (có thời điểm chỉ là 10.000 đồng/tháng) nên các trường hợp này có mức hưởng lương hưu thấp.

Những người hưởng lương hưu thấp nhất Việt Nam là ai? - Ảnh 1.

Những người hưởng lương hưu thấp nhất Việt Nam chỉ nhận số tiền ít ỏi mỗi tháng (Ảnh minh hoạ).

Cùng với nhóm người hưởng lương hưu thấp kể trên, cán bộ xã không chuyên trách cũng thuộc nhóm đối tượng có lương hưu thấp. Nhóm này có mức đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng mức lương cơ sở, thời gian đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu ngắn (từ đủ 15 năm đến 20 năm).

Đồng thời, theo quy định khi nghỉ hưu, nếu trường hợp không có đủ 20 năm trở lên đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không bao gồm thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo diện người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn), có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì lương hưu không được bù đủ bằng mức lương cơ sở. Năm 2021, mức lương hưu bình quân của nhóm cán bộ xã không chuyên trách là khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.

Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (do người tham gia lựa chọn) thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Phần lớn người dân lựa chọn mức thu nhập tương ứng mức chuẩn hộ nghèo khu vực (trước năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng, từ năm 2022 là 1,5 triệu đồng) để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thực tế, đại đa số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ đóng bảo hiểm xã hội đến khi đủ 20 năm để đủ điều kiện về thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu. Do mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn nên mức hưởng bình quân của nhóm này thấp.

Bên cạnh đó, nhiều người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu đã lựa chọn mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng hoặc một lần cho thời gian còn thiếu ở mức thấp, vì vậy mức hưởng lương hưu của họ cũng sẽ thấp theo.

Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhiều doanh nghiệp "lách luật" để thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không đúng với mức tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động. Tại một số đơn vị, thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động luôn ở mức thấp nhất, dẫn đến mức hưởng bình quân của người lao động sẽ thấp khi nghỉ hưu.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực trạng trên cho thấy, mặc dù tỷ lệ % hưởng lương hưu khá cao (tối đa 75%) nhưng do mức đóng thấp, thời gian đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu ngắn, tình trạng người lao động (đặc biệt là người lao động làm việc ngoài khu vực Nhà nước) nghỉ hưu trước tuổi nhiều, đóng không đúng mức tiền lương, thu nhập thực tế tại một số đơn vị sử dụng lao động… dẫn đến mức hưởng lương hưu bình quân hiện nay của nhiều người lao động còn thấp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay, cả nước đang có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Để tiếp tục nâng cao đời sống cho người nghỉ hưu, ngày 29/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% đến 20,8% cho người hưởng.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng thêm, cụ thể: người hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên 3 triệu đồng/tháng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8/2023. Các quy định của Nghị định được thực hiện từ ngày 1/7/2023.

MỜI ĐỘC GIẢ XEM THÊM:

>>> Đóng tiền BHXH thế nào để hưởng lương hưu hàng trăm triệu mỗi tháng?

>>> Người hưởng lương hưu tháng 8 cao nhất Việt Nam là ai, nhận bao nhiêu tiền?

>>> Những người được hưởng trợ cấp 3 triệu đồng từ kỳ chi trả lương hưu tháng 8

>>> Tin vui dành cho hàng triệu người không có lương hưu

>>> Những lưu ý khi nhận lương hưu tháng 8 người dân cần biết ngay

>>> Tin vui dành cho hàng triệu người không có lương hưu dưới 75 tuổi


Hoàng Cường (T/h)
Ý kiến của bạn