Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã khép lại một kỳ Paralympic kỳ diệu khi giành tới 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Thể thao đã thay đổi cuộc sống của các tuyển thủ khuyết tật và chính họ đã nâng tầm một lĩnh vực chuyên môn bằng giấc mơ cùng “cuộc chiến” hàng ngày vượt lên mọi nghịch cảnh.
Khi thể thao là “phao cứu sinh”
Trước khi giành tấm HCV và phá kỷ lục tại Paralympic, lực sĩ liệt chân bẩm sinh Lê Văn Công đã trải cả một thời niên thiếu bất hạnh ở quê nhà Hà Tĩnh rồi cả một quãng dài vất vưởng qua ngày khi vào TP.HCM lập nghiệp. Cho đến 21 tuổi, dù luôn quyết tâm nỗ lực song chàng thợ sửa đồ điện tử dạo phố, ở nhà trọ này vẫn gần như bất lực trong mục tiêu hội nhập với cuộc sống, với mơ ước chỉ đơn giản là có một việc làm ổn định, có thu nhập đủ nuôi chính mình.
Kình ngư Võ Thanh Tùng.
Đúng thời điểm Công bế tắc nhất vào 2005, một phao cứu sinh đã xuất hiện khi anh ngẫu nhiên tìm đến rồi được tuyển chọn vào đội cử tạ TP.HCM. Tại đây, Công chẳng những được rèn luyện sức khỏe, có sự chia sẻ từ những người cùng cảnh ngộ mà quan trọng hơn đã tìm thấy một cơ hội thay đổi: Trở thành một VĐV thể thao người khuyết tật. Thật dễ hiểu vì sao Công đã lao vào tập luyện, bất chấp những nỗi đau cơ thể, đặc thù khắc nghiệt của môn cử tạ. Chỉ sau nửa năm, Công đã giành HCB Quốc gia. Thêm 2 năm nữa, anh đã đoạt HCV ASEAN Para Games. Qua 11 năm, tuyển thủ 32 tuổi đã vươn tới đẳng cấp của một đô cử quốc tế hay nhất hạng cân 49kg với một bộ sưu tập thành tích khủng mà đỉnh cao chính là kỳ tích tại Rio. Công đã xây đắp nên một tổ ấm hạnh phúc với một người vợ khỏe mạnh, tháo vát, hai đứa con lành lặn, ngoan ngoãn. Đến giờ, anh đã có nhà cửa khang trang cùng một khoản tích lũy tốt đủ để lo cho gia đình, yên tâm tập trung hết sức cho thể thao.
Giống như Văn Công, nếu không có thể thao, kình ngư quê Cần Thơ vừa đoạt HCB Paralympic Võ Thanh Tùng có thể vẫn đang ngày ngày rong ruổi trên sông nước miền Tây hay sửa điện thoại thuê ở TP.HCM trong nỗi mặc cảm tự ti luôn đè nặng cùng một tương lai bất định. Tương tự như thế là tuyển thủ điền kinh người Quảng Bình vừa giành HCĐ ném leo tại Rio Cao Ngọc Hùng. Thậm chí, Hùng đã tìm thấy “một nửa” của mình ở chính trên sân đấu với đàn chị cùng đội hơn mình 5 tuổi Nguyễn Thị Hải.
Chính thể thao đã và đang làm thay đổi cuộc sống của chục nghìn người khuyết tật tại Việt Nam, không chỉ là các VĐV tập luyện, thi đấu, giành thành tích mà còn với những người đến với thể thao để có thể sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Lực sĩ Lê Văn Công.
Mỗi ngày là một “cuộc chiến đấu” gian khổ
Sau chiến công ngoạn mục trên đỉnh Paralympic, Lê Văn Công đã bày tỏ mình muốn dành tặng tấm HCV cùng kỷ lục cho tất cả những người khuyết tật Việt Nam đang ngày ngày đối mặt và vượt qua muôn vàn gian khó. Anh tự hào vì mình đã minh chứng cho quyết tâm, nỗ lực và khả năng của những người khuyết tật Việt Nam đã vươn lên chiến thắng tật nguyền thông qua thể thao.
Để duy trì việc tập luyện, với họ, là cả một cuộc “chiến đấu” từng ngày, trước hết là với những nhọc nhằn mưu sinh thiết thân và nỗi đau của thân thể. Điều đó hiện hữu một cách sinh động không chỉ tại nơi tập, điểm thi đấu mà trong cuộc sống, việc sinh hoạt của họ. Một VĐV điền kinh liệt chân phải dậy từ 4-5h sáng, tốn cả tiếng di chuyển trên chiếc xe lăn cho kịp buổi tập, rồi sau đó lại rong ruổi khắp các phố bán bánh mì hay chổi tự làm. Một VĐV bơi mất một chân kiêm dược sĩ sau hai buổi ngồi bán thuốc vội vàng đi bộ như chạy ra bể để thầy không phải chờ. Hai VĐV khiếm thị sau buổi tập ban ngày hăng say lại cùng nhau vác đồ nghề nhanh chóng đến tiệm xoa bóp để thực hiện công việc có thể giúp họ có vài chục nghìn. Xen giữa những cuộc gồng mình gắng sức ấy là bữa cơm bụi, bát phở hay chỉ là chiếc bánh mì mà với người khác chỉ là ăn tạm hay ăn nhỡ. Do điều kiện khó khăn chung cùng những bó buộc nên việc tập luyện thể thao chưa thể đảm bảo cho tuyệt đại đa số mức thu nhập tối thiểu cho sinh hoạt. Họ chỉ được nhận mức hỗ trợ từ các địa phương giống như cho đối tượng phong trào, thường chỉ vài trăm nghìn và cao cũng khoảng 1 triệu mỗi tháng.
Thế nhưng, các VĐV khuyết tật đều đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu hàng ngày ấy bằng một sự cố gắng và sự bền bỉ phi thường, một cách tự nhiên đến mức hồn nhiên.
Tất cả được hội tụ đỉnh cao với những “người hùng” Paralympic như Văn Công, Linh Phượng, Thanh Tùng, Ngọc Hùng. Từ nghịch cảnh tật nguyền đủ loại, từ những người con khốn khó của những gia đình nghèo trong những làng quê, họ đã bước ra thế giới, mang lại niềm tự hào và cảm hứng thể thao, xã hội, nhân văn lớn lao.
Họ đã chứng minh sức vươn của mình là không giới hạn và đưa thể thao bay xa khỏi địa hạt của việc tập luyện, thi đấu, thành tích thuần túy.