Hà Nội

"Những người hát bè trầm" trong ngành y

15-01-2018 14:32 | Y tế
google news

SKĐS - Đằng sau sự thành công của các phẫu thuật viên luôn luôn có bóng dáng của bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng gây mê. Họ là những người thầm lặng, đi trước về sau trong mỗi cuộc mổ, họ được ví như những bậc thang để phẫu thuật viên bước lên đài danh vọng.

Người hát bè trầm, nhạc công và người đứng sau cánh gà là những người thầm lặng đưa các ca sĩ thành "sao" trên sân khấu và trong cuộc đời. Nghề y cũng vậy, đằng sau sự thành công của các phẫu thuật viên luôn luôn có bóng dáng của bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng gây mê. Họ là những người thầm lặng, đi trước về sau trong mỗi cuộc mổ. Họ là những người làm cho các phẫu thuật viên vững tâm trước những ca mổ khó, mổ kéo dài... Và họ là người đầu tiên được "hỏi han" khi có sự cố y khoa xảy ra, còn không, họ lặng lẽ lui về hậu trường khi các cuộc mổ thành công.

Bác sĩ gây mê - những người luôn đi trước về sau trong mỗi ca mổ.

Chúng ta ai cũng biết, thuốc mê là thuốc độc cho cơ thể. Tuỳ thuộc vào từng loại phẫu thuật và không có người bệnh nào giống người bệnh nào như một công thức lập sẵn. Bác sĩ gây mê được ví như một đầu bếp giỏi chế biến các món ăn ngon, ngoài nguyên liệu chính đòi hỏi cách gia giảm các loại gia vị khác nhau. Đó là, phối hợp thuốc mê với hàng loạt loại thuốc khác tùy từng cuộc mổ: thuốc giãn cơ, vận mạch, co mạch, giãn mạch, tăng co bóp cơ tim... để người bệnh có cuộc mổ êm dịu nhất. Người bệnh không bị tỉnh giữa cuộc mổ, không phải chìm vào giấc ngủ mãi mãi, tỉnh táo và an toàn sau cuộc mổ là điều mong muốn nhất ở họ.

Sáng hôm nay, cũng như mọi ngày trong tuần, tôi bước vào phòng mổ, gặp bác sĩ Trần Quý Diễn- Trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Nhìn anh có vẻ mệt mỏi, trên khuôn mặt lộ rõ sắc thái của người mất ngủ. Tôi đùa anh: Hôm qua chắc anh "chiến đấu" cả đêm hả. Anh cười tươi và nói: cả đêm thức trắng cùng với 6 ca mổ đẻ, 4 ca ruột thừa, 2 ca gãy xương, 2 ca sọ não. Tất cả các bệnh nhân phẫu thuật trong đêm anh phải đảm nhiệm công tác gây mê. Phẫu thuật viên của các chuyên khoa nhẹ nhõm sau khi hoàn thành công việc của mình, nhưng kíp gây mê phải túc trực cho đến khi người bệnh được an toàn.

Nghề nào cũng thế, có những người thầm lặng hy sinh để hoàn thành tốt công việc chung mà không cần đến sự nổi tiếng. Chính trong ngành y, chúng tôi mới thực sự hiểu được những người làm gây mê hồi sức. Họ luôn thầm lặng, chúng tôi thường truyền nhau câu nói: bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức ví như những bậc thang để phẫu thuật viên bước lên đài danh vọng- những người có "bàn tay vàng".


BS Trần Ánh Dương
Ý kiến của bạn