Mồ hôi vẫn chảy ròng ròng trên khuôn mặt các bác sĩ, kỹ thuật viên nhưng tất cả đều rạng rỡ nụ cười nhẹ nhõm: Bệnh nhân sống rồi... Cùng với đó là những lời cảm ơn của nhiều người nhà bệnh nhân. Hỏi mọi người xung quanh, tôi mới biết các bác sĩ Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện đa khoa hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đã nỗ lực hết mình trong vòng 2 tiếng đồng hồ cứu sống một bệnh nhân cao tuổi lên cơn nhồi máu cơ tim cấp tính thoát khỏi cái chết trong tích tắc.
Vào cổng bên trong của Bệnh viện đa khoa hữu nghị Việt Tiệp, lối đường Nguyễn Đức Cảnh, rẽ trái là gặp ngay Khoa Thận nhân tạo. Khoa có khoảng trên 50 giường bệnh/ trên 50 máy lọc thận, nằm trong khuôn viên rộng rãi. Từ 6 giờ 30 phút sáng, y, bác sĩ đã có mặt để khởi đầu ngày làm việc mới. Khoa không có giường bệnh nội trú, nhưng trong từng ca trực, các bác sĩ gần như thuộc cả tên lẫn họ và quê quán bệnh nhân, bởi hầu hết bệnh nhân bị suy thận mạn, phải đến bệnh viện chạy thận đều đặn 3 lần/tuần.
BS. Bùi Thị Thu Hằng trực tiếp thực hiện quá trình chọc ven cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Chúng tôi ngỏ ý viết bài về những bàn tay gom lửa gieo hy vọng sống cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, BS. Lê Khắc Dương bảo: “Thôi khoan, đi gặp bệnh nhân đã. Họ cần nhiều người hiểu hơn”.
Ngay lối dẫn vào khu buồng bệnh, chúng tôi gặp chị Trịnh Thị Tình (43 tuổi, trú tại huyện An Lão, Hải Phòng) đang dò dẫm từng bước dọc theo những thanh giường bệnh sau một đợt chạy thận, lọc máu. Những lời kể cứ được một quãng phải ngưng lại, sau một tiếng thở dốc mệt nhọc của người đàn bà có gương mặt sạm đen vì bệnh, mới tiếp tục: “Tôi đã có gần 7 năm điều trị bệnh ở Khoa Thận nhân tạo. Khổ, nhà nghèo, lại mắc phải bệnh nhà giàu. Từ ngày mắc bệnh, lại chỉ lo điều trị, không đi làm được nữa. Cả nhà, một bệnh nhân và bốn đứa con đang còn tuổi ăn học, phải khổ tâm mà cậy vào gánh hàng buôn bán lẻ của chồng tôi. Phải nói trước đây, gia đình không khá giả, nhưng bữa ăn cũng đắp đổi được qua ngày. Từ ngày tôi bệnh, gia đình khánh kiệt. Anh em họ hàng cũng thương, thay nhau giúp đỡ nhưng giúp ngặt chớ ai đâu giúp được nghèo mãi. Họ cũng nông dân, nhà nghèo. Cũng có lúc tôi nghĩ thôi buông tay để khỏi phải năm dài, ngày dài sống mà làm khổ gia đình nữa. Nhất là cứ mỗi tháng phải đóng ứng tiền viện phí khoảng gần 2 triệu đồng, chẳng biết đâu mà xoay xở nếu bệnh viện không cho chậm chi trả và các bác sĩ ở đây luôn động viên tinh thần”.
Anh Nguyễn Đình Giao (40 tuổi, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) là người trí thức, “biết ăn biết nói”. Từ 9 năm nay, anh phải sống dựa vào đồng lương của vợ. Từ một thanh niên khỏe mạnh, công ăn việc làm ổn định, vậy mà giờ anh đã hoàn toàn mất sức lao động qua cơn bạo bệnh. Một mình vợ anh với số lương công chức còm cõi, phải vừa nuôi 2 con anh ăn học, vừa điều trị bệnh cho anh. Những ngày chạy thận nhân tạo, anh và các bệnh nhân khác ở khoa cũng được hỗ trợ bữa ăn trong giờ chạy thận. Đó là những suất ăn bánh mỳ với giò giúp anh vơi bớt những nỗi đau về thể chất và tinh thần.
Bên cạnh giường anh Giao là em Nguyễn Thị Thu Giang (19 tuổi, trú tại phố Chùa Hàng, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng). Em đã 11 năm điều trị tại đây để duy trì sự sống. BS. Bùi Thị Thu Hằng - Phó trưởng Khoa Thận nhân tạo, người trực tiếp điều trị cho em Giang kể: Nhà em Giang rất nghèo, mẹ mất sức lao động. Không có tiền, em hằng ngày cứ đến chạy thận nhân tạo, tiền ăn, tiền đi lại đều nhờ vào tấm lòng hảo tâm của những người xung quanh nhất là từ các y tá, bác sĩ của khoa.
“Có người suốt hơn mười năm ròng, cứ mỗi tuần ít nhất 3 lần gặp nhau để chạy thận, lọc máu, làm sao mà không quen thân nhau”, BS. Lê Khắc Dương - Trưởng khoa Thận nhân tạo chia sẻ rồi lắc đầu nói thêm: “Những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh này, nếu có nhà to thì phải bán nhà to mua nhà nhỏ, nếu có nhà nhỏ thành vô gia cư, bởi tiền bỏ ra cho việc điều trị này là quá lớn. Nếu không điều trị thì bệnh sẽ càng nặng, khó mà cứu chữa. Trong khi đó, không may mắc bệnh thì sức khỏe sẽ suy kiệt đi nhiều, không thể lao động dù muốn dù không. Cũng chính vì thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của các bệnh nhân, nên những y bác sĩ ở đây luôn tâm niệm giúp đỡ, sẻ chia với họ để động viên tinh thần, ít ra giúp họ phần nào cảm thấy bớt thiệt thòi và có thêm ý chí để điều trị bệnh, giữ lại sự sống”.
Gặp những trường hợp khó khăn, ngặt nghèo cần cứu khẩn cấp, những y bác sĩ ở đây đều vận động nhau quyên góp giúp đỡ, rồi tìm cách kêu giúp thêm. Qua tìm hiểu, cụ thể: gần 10 năm nay, các bác sĩ Khoa Thận nhân tạo cùng các nhà hảo tâm luôn có hoạt động tổ chức những bữa ăn là những chiếc bánh mỳ giò từ thiện giữa giờ dành cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Ngoài ra, mỗi dịp Tết, khoa cùng các nhà từ thiện đều có suất quà nhỏ hỗ trợ bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Khoa cũng tổ chức Câu lạc bộ bệnh nhân chạy thận nhân tạo để chia sẻ ngọt bùi, nhất là những lúc gia đình có bệnh nhân chạy thận nhân tạo xấu số qua đời. Hàng năm, các bác sĩ của khoa thường tổ chức các buổi giao lưu bệnh nhân chạy thận nhân tạo để chia sẻ kinh nghiệm chung sống với căn bệnh hiểm nghèo này.
Còn khi được hỏi về lịch làm việc của các bác sĩ Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Việt Tiệp, BS. Dương cho biết: “Ngày làm việc bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, khi bắt đầu ca lọc máu đầu tiên. Khi ấy đã có rất nhiều bệnh nhân đứng chờ ở cửa. Bệnh nhân thận nhân tạo có một đặc thù là khi đến lịch chạy thận họ rất bứt rứt khó chịu, khi thấy thầy thuốc đến là họ rất vui mừng và chúng tôi cũng có chung niềm vui ấy”. Những người làm việc cuối cùng trong ngày sẽ rời cơ quan lúc 23 giờ.
“Thông thường trong cuộc sống chúng ta vui khi thành công và buồn khi thất bại, nhưng từ những ngày tháng ở đây tôi không bao giờ buồn, kể cả khi thất bại. Hơn 250 bệnh nhân trong khoa đang ngày ngày chiến đấu giành lại sự sống, anh chị em trong khoa đang cùng mình nỗ lực, vì sao mình lại phải buồn?” - BS. Bùi Thị Thu Hằng ngồi cạnh BS. Dương tâm sự thêm.
Trong lúc ngồi trò chuyện, tôi được BS. Dương cho xem cuốn sổ tay ghi chép khá kỹ lưỡng những trường hợp bệnh nhân đã được giành lại sự sống ngay tại Khoa Thận nhân tạo. Gần đây nhất là trường hợp của bệnh nhân Đặng Vũ Trường - 74 tuổi. Chứng kiến và trực tiếp xử lý ca của bệnh nhân Trường, BS. Hằng cho biết: “Vào ngày 16/4/2016, sau khi lọc máu chu kỳ, bệnh nhân đã bị ngã quỵ do bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngay tức khắc, chúng tôi đã xử lý bằng mọi phương pháp y tế như: cấp cứu, ép lồng ngực để cứu sống bệnh nhân. Đã có lúc, chúng tôi nghĩ rằng sẽ phải chào thua khi bệnh nhân đã ngưng mọi tuần hoàn nhưng sau 2 tiếng, bằng sự nỗ lực của cả tập thể khoa, bệnh nhân đã hồi tỉnh. Lúc đó, chúng tôi rất vui vì mình đã gieo hy vọng sống cho một gia đình bệnh nhân”.
Vừa dứt câu chuyện với hai bác sĩ để chào ra về, chúng tôi được gặp chị Đặng Thị Song Hồng - người nhà bệnh nhân Trường. Chị Hồng cho biết: “Gia đình chúng tôi không biết nói gì hơn mà chân thành cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực hết mình cứu cha của chúng tôi. Chứng kiến cảnh các bác sĩ liên tục nỗ lực hơn 2 tiếng cấp cứu mà gia đình rất xúc động và cảm kích. Các bác sĩ đã coi người bệnh như người thân, họ đã hy sinh cả ngày nghỉ Tết trong khi ai cũng có người thân, có gia đình cần chăm lo”.
Một ngày trôi qua, một năm trôi qua, thật nhanh! Một đời người cũng không phải quá dài. Nhưng để một đời người có thể kéo dài được giúp ích cho đời thì cần lắm những bàn tay gom lửa và gieo nên hy vọng sống. Đối với những bệnh nhân bị mắc căn bệnh suy thận mạn tính thì các bác sĩ ở Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện đa khoa hữu nghị Việt Tiệp chính là những người như thế.