Những người giữ rừng U Minh Thượng (Kỳ II)

13-06-2008 09:57 | Thời sự
google news

Nhắc đến kiểm lâm là người ta nghĩ ngay đến cuộc chiến của họ với lâm tặc, nhưng với những người gác rừng U Minh Thượng thì công việc của các anh chỉ là bảo tồn các nguồn gen quý, ngăn chặn sự tàn phá

Bài và ảnh: Nguyễn Gia Tưởng

Kỳ 2: Kiểm lâm... không giữ gỗ

Nhắc đến kiểm lâm là người ta nghĩ ngay đến cuộc chiến của họ với lâm tặc, nhưng với những người gác rừng U Minh Thượng thì công việc của các anh chỉ là bảo tồn các nguồn gen quý, ngăn chặn sự tàn phá quá đáng của con người với các nguồn lợi do rừng mang lại như: chim, ong cá, và phòng ngừa giặc lửa khi mùa khô về. Để làm được những việc tưởng như không khó đó họ đã phải tập cách sống chung với những khắc nghiệt lạ thường của vùng rừng ngập nước này.

 

Đi vào vựa cá sân chim

Sau những ngày được nếm đủ “đặc sản” rừng U Minh bị những đám “mây muỗi” tấn công vào bất cứ giờ nào và được khuyến cáo là “ nếu muỗi đốt thì đừng đập vì chỉ tổ mỏi tay mà không hết được”. Tôi được những người kiểm lâm đồng ý cho xâm nhập vào vùng lõi của Vườn quốc gia U Minh Thượng (khu rừng ngập nước có diện tích lớn thứ 2 thế giới sau rừng rậm Amazon của Braxin). Chiếc vỏ lãi được gắn máy nổ hiệu Honda có công suất 11 sức ngựa, dưới sự điều khiển của đội trưởng đội cơ động Mai Văn Cuông sau một hồi rít lên xé toang những đám bèo đông đặc, đã đưa tôi và anh cùng hạt phó Nguyễn Văn Đèn lướt trên những thảm bèo, tiến sâu vào lõi rừng U Minh. Nghe tôi phàn nàn về sự đón tiếp quá đáng của bầy muỗi, khiến cho mình mất ăn mất ngủ, anh Đèn chỉ cười và nói “ muỗi ở đây là một đặc sản và cũng là một mô hình cộng sinh của các loài sinh vật, chúng là nguồn thức ăn cho các loại cá nhỏ, và các loại này lại là mồi cho cá lóc, thác lác”... Trước kia rừng U Minh Thượng chưa nâng lên làm Vườn quốc gia còn cho khai thác thì mỗi năm cũng thu được khoảng trên dưới 1.000 tấn cá, còn nhiều năm nay chúng tôi trữ nước phòng cháy và cấm mọi hình thức đánh bắt thì lượng cá có lẽ còn lớn hơn nữa, nên cũng bị nhiều người nhòm ngó, rừng thì rộng vì thế chúng tôi lúc nào cũng phải căng ra để bảo vệ, cứ hở ra một tí là họ lại vào đánh bắt mất ngay. Có những chỗ khi mùa khô cá dồn về đặc cả một con kênh, muốn lội xuống phải lựa chân nếu không là dẫm phải cá. Theo thống kê thì ở đây có khoảng 35 loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá lóc, thác lác, sặt rằn, cá trê... Nếu nói về cá tự nhiên thì rừng U Minh chiếm rất nhiều kỷ lục, vì ở đây đã bắt được cá lóc nặng 6,7kg (hiện nay vẫn còn tiêu bản trưng bày tại Vườn quốc gia,) rồi cá thác lác 3 ký, cá trê đồng 4,5 ký và cá rô đồng khoảng 8 lạng một con. Có những con lươn xếp vào loại hiếm thấy, to như cổ tay người lớn. Theo dân săn cá chuyên nghiệp của vùng sông nước miền Tây này, thì đây đều được xếp vào loại hàng “cá cụ” khó thấy ở nơi nào khác ngoài rừng U Minh. Trong vựa cá tự nhiên lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long này còn một lượng rái cá sống ngoài tự nhiên lớn nhất cả nước, tuy đã bị săn bắt khá nhiều nhưng theo ước tính thì vẫn còn khoảng 4.500 cá thể sống rải rác trong rừng. Nói về cá thì dân chui rừng U Minh thứ thiệt vẫn còn truyền tụng nhau cái kiểu săn cá sấu nghe như “bảy thực ba hư”, rằng trước kia có những lái buôn người Ấn Độ sang buôn bán, họ mang theo một loại mỡ người, dân săn sấu mua về dùng đèn thắp trên mũi thuyền, còn họ cầm mác nhọn lặn ở bên cạnh đợi cho con sấu thấy mùi thơm của mỡ người bò lên thuyền đớp chiếc đèn, thì người săn bất thình lình ngoi lên dùng mác phóng vào đầu con sấu. Nhưng cho đến bây giờ thì người ta không còn thấy cá sấu ở trong rừng U Minh, mà cũng không có nhiều người cả gan vào khám phá vùng rừng này, vì rất sợ khi đụng phải “giặc muỗi”, “giặc đỉa”. Câu chuyện về cá đã liên tục bị đứt đoạn, bởi ghe chạy đến đâu thì những con chim lại bay vụt lên. Thì ra ngoài chuyện đệ nhất cá đồng thì vùng rừng này còn hiếm có nơi nào sánh được về mật độ chim sinh sống. Có đến 186 loài chim cùng cư ngụ, trong đó có những loài cực kỳ quý hiếm như: đại bàng đen cũng lấy vùng rừng sẵn cá này làm nơi tung hoành, anh Đèn như là một hướng dẫn viên nói với tôi, có hôm đi tuần gặp buổi chiều chim kéo về rừng tràm ngủ bay kín cả một vùng trời, nhiều con bay đến mỏi cánh cũng không kiếm được một chỗ trú chân.

 Số chim quý kiểm lâm thu giữ từ những người săn bắt trái phép.

Gặp những “người rừng”

Anh kiểm lâm Phạm Văn Khởi đóng tại trạm 14 thuộc hạt kiểm lâm rừng U Minh Thượng sau một hồi ngỡ ngàng vì thấy tôi ló mặt vào, bởi cái trạm sâu tít hút trong rừng này ngoài mấy kẻ trộm cá, cướp ong bị bắt vào đây thì chẳng bao giờ có khách lạ tới thăm, vì vậy các anh ở đây có thể coi bất cứ ai dám vào đến nơi này đều là người nhà. Anh kể với tôi, cho đến bây giờ thì đã 3 năm có lẻ đi cắm chốt, lúc mới nhận nhiệm vụ phải vào trong vùng rừng này, sợ đến mất vía vì mới 3 giờ chiều đã phải mắc màn chống muỗi, có thuốc chống muỗi mà không được dùng vì đi tuần những kẻ đột nhập ngửi thấy sẽ chạy mất, mà cứ khỏa chân xuống nước là thấy từng đàn đỉa lập lờ bơi nhiều như bánh canh. Nhưng rồi ở riết thì cũng quen, nhiệm vụ chính của kiểm lâm ở đây nghe qua thì có vẻ đơn giản, ngày ngày chống xuồng đi tuần trong phạm vi khoảng 10km2, để ngăn chặn những người lẻn vào rừng trộm ong, trộm cá, còn mùa khô thì thực hiện công tác tuần tra phòng chống cháy rừng. Anh Khởi cho biết, khi đụng phải lâm tặc, họ chống trả quyết liệt lắm, vì kênh rạch chằng chịt chỉ vài phút thôi là họ trốn biệt không thể tìm được. Đã có lần anh Khởi và anh em phải căng sức chống xuồng truy kích hai tên bắt cá trộm, cuộc rượt đuổi trong rừng có lúc tưởng đứt hơi, vì những kẻ tháo chạy quá khỏe và lại thông thạo địa hình, nhưng các anh vẫn kiên quyết không tha, và cuộc rượt đuổi kéo dài từ sáng cho đến đêm mới bắt sống được hai kẻ phạm tội ngoan cố. Ngay cả đội trưởng đội cơ động Mai Văn Cuông, tháng 8/2007, trong khi truy kích 8 kẻ dùng kích điện đánh cá trong khu vực Vườn quốc gia, đến đường cùng chúng biết không chạy được, đã dùng kích điện tấn công anh Cuông, khiến cho anh bị ngất xỉu gục ngay tại chỗ, đầu chúi xuống bùn, may mà đồng đội đến ứng cứu kịp, bắt sống 8 kẻ đạo tặc cùng những tang vật mà chúng dùng để hủy diệt rừng, đe dọa tính mạng kiểm lâm và bắt chúng trả lời trước pháp luật trong tháng 5 vừa qua.

Nếu không có chiếc tivi đen trắng và bộ pin mặt trời có lẽ cuộc sống của hai anh Trần Công Hảo và Nguyễn Văn Ngôn tại trạm 17 đúng nghĩa là “người rừng”. Trong lúc đợi nồi cơm đang vần trên bếp than để đãi khách, anh Ngôn nói: “Bọn tớ ở đây chỉ mang gạo và muối vào thôi, còn mọi thứ khác có thể kiếm quanh nhà, rau thì mùng tơi và rau muống mọc ăn không xuể, còn lại chủ yếu là ăn chuột và cá”, anh dẫn tôi xem khoảng hơn mười chiếc bẫy chuột đặt quanh nhà, anh cho biết cứ qua một đêm là lại có đủ chuột ăn cả ngày và hôm sau lại đi kiếm. “Cái loại chuột trong rừng này ăn vừa sạch vừa bổ, tôi ăn liên tục đã 8 năm rồi mà chưa thấy một lần bị ốm, sức khỏe lúc nào cũng sung mỗi lần được xả ràng về nhà thăm bà xã thì cứ gọi là... Nói như vậy không phải anh em ở đây lười không chịu tăng gia sản xuất, cũng đã hơn 10 lần nuôi gà nhưng hễ đi tuần một hai ngày mới về đến trạm là lại bị chồn, cáo vào bắt mất, ở đây những loại ăn thịt đó thì nhiều vô kể và cả lợn rừng nữa chúng cũng thường xuyên về phá những luống rau do bàn tay con người trồng nên sống giữa rừng chúng tôi cũng đành phải làm người rừng vậy”.

 Kiểm lâm trạm 17 đang chuẩn bị bữa trưa.

Trên đường trở ra cửa rừng chiếc vỏ lãi đang phóng với tốc độ ngựa phi lại bị cắt máy dừng lại đột ngột bởi những dấu vết khả nghi của những kẻ đột nhập rừng anh Đèn nói nhìn từ kênh vào cứ thấy bèo bị cuộn lại từng đám vật lên lộn xuống và lối rẽ vào rừng thì đó là đường nghi phạm xâm nhập bất hợp pháp vào, chúng tôi sẽ lên phương án đón lõng và bắt quả tang để giữ lại cho rừng những nguồn lợi bền vững.


Ý kiến của bạn