Những người gieo yêu thương, ươm mầm non tương lai trên dãy Trường Sơn

20-11-2021 09:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Mang trên vai trách nhiệm “gieo chữ” của người giáo chức, tình yêu thương những đứa trẻ nơi bản làng nghèo. Những giáo viên trên dãy Trường Sơn đang hằng ngày vượt khó, sáng tạo để dòng suối tri thức vẫn chảy nơi đại ngàn.

Vượt khó vì trò nơi bản nghèo

Khi mùa Hiến chương Nhà giáo đang đến gần, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có hành trình đến với xã Trường Sơn, một xã miền núi vùng biên của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Khi những cơn mưa rừng rả rích đã ngừng rơi thì giữa những bản làng nằm dưới tán xanh của đại ngàn vẫn ngân vang tiếng cô trò.

Những người mang nặng trách nhiệm và yêu thương ươm mầm non tương lai trên dãy Trường Sơn - Ảnh 1.

Điểm trường chính được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp, nhưng tại các điểm lẻ giao thông đi lại và cơ sở vật chất vẫn còn rất khó khăn, trở ngại.

Gặp cô giáo Từ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trường Sơn trong một ngày trời se lạnh. Mời khách chén trà ấm rồi cô Hà Tâm sự, trường đóng trên địa bàn xã miền biên nghèo Trường Sơn, phần lớn học sinh của trường là con em đồng bào Bru-Vân Kiều. Cuộc sống của bà con nơi đây phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp nên còn gặp muôn vàn khó khăn.

Trước đây, việc học của con em vẫn chưa được dân bản chú trọng, nhưng với mong muốn con chữ sẽ giúp tương lai của làng bản tươi sáng hơn các phụ huynh đã tạo điều kiện để các cháu được đến trường.

Những người mang nặng trách nhiệm và yêu thương ươm mầm non tương lai trên dãy Trường Sơn - Ảnh 2.

Hiệu trưởng Từ Thị Hà cùng những học trò thân thương.

Theo cô Hà, ngoài điểm trường chính, các điểm trường lẻ đóng tại các bản với điều kiện giao thông cách trở, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Để có thể "gieo chữ" những giáo viên nơi đây phải vượt qua bao khó khăn từ cơ sở vật chất giảng dạy, điều kiện đi lại, ăn ở,…. Nhưng với trách nhiệm của nhà giáo, tình yêu với những học trò nơi đại ngàn, những giáo viên nơi đây vẫn nỗ lực, sáng tạo vượt khó để "con chữ" không đứt mạch chảy.

Tạm rời điểm trường chính, chúng tôi vượt hơn chục km đường rừng hiểm trở để tới điểm trường lẻ tại bản Sắt nằm sâu giữa rừng. Tận mắt chứng kiến sự thiếu thốn, khó khăn mới hiểu hết những gian lao, vất vả mà các thầy cô giáo cắm bản đang phải trải qua.

Những người mang nặng trách nhiệm và yêu thương ươm mầm non tương lai trên dãy Trường Sơn - Ảnh 3.

Vượt đoạn dài đường rừng hiểm trở chúng tôi mới tới được điểm lẻ của Trường Tiểu học Trường Sơn tại bản Sắt.

Sau hơn một năm từ trận lũ lịch sử tháng 10/2020, thầy trò nơi đây không còn phải học trong lớp học được dựng từ những khung sắt phủ bạt. Được sự hỗ trợ của chính quyền và các đơn vị, cá nhân, một lớp học mới khang trang đã được xây dựng lên ở bản Sắt.

Thăm lớp học của thầy giáo Nguyễn Xuân Thành, giáo viên cắm bản Sắt chúng tôi thấy cảnh dạy học đặc biệt khi một mình thầy dạy cho 15 em từ lớp 1 đến lớp 3 theo kiểu lớp ghép. Chiếc bảng đen được chia thành 3 phần với nội dung dạy của 3 lớp.

"Học sinh ở bản này siêng học lắm. Điều kiện dạy học năm ngoái còn tạm bợ, học trò đi học thì do tình hình COVID-19 nên không được học liên tục. Nay được đầu tư xây phòng học khang trang, thầy và trò sẽ cố gắng hơn để dạy và học thật tốt", thầy Thành cho biết.

Những người mang nặng trách nhiệm và yêu thương ươm mầm non tương lai trên dãy Trường Sơn - Ảnh 4.

Lớp học tại bản Sắt của thầy Thành có 15 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, được dạy học theo kiểu lớp ghép.

Cô Từ Thị Hà cho biết thêm, từ năm học này thầy cô đã đón 5 em học sinh lớp 4, lớp 5 ở bản Sắt ra học ở điểm trường chính và ở nội trú cùng các thầy cô. Các em sẽ được thầy cô chăm lo từ bữa ăn cho đến giấc ngủ, kèm cặp việc học tập. Từ khi các em ở lại trường, các thầy cô ngoài việc dạy học thì thay phiên nhau vào bếp nấu từng bữa cơm để giáo viên và học sinh cùng ăn.

"Nhà trường đã đưa các em ra điểm chính để học tập, các cô thầy sẽ chăm sóc các em như chăm sóc con cái mình. Các cô dạy học xong thì nấu ăn cho các em ăn. Chế độ ăn của các em được hỗ trợ một ngày 1 bữa trưa, còn bữa ăn tối và ăn sáng thì các cô tự góp và kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng", cô Hà tâm sự.

Những người mang nặng trách nhiệm và yêu thương ươm mầm non tương lai trên dãy Trường Sơn - Ảnh 5.

Những học sinh được thầy cô dạy dỗ và chăm lo bữa ăn, giấc ngủ ngay tại trường.

Hoa rừng, hoa điểm mười trò nghèo tặng thầy cô

Trở lại điểm trường chính sau hành trình vào bản gian nan, trong lớp học của cô Trần Thị Mai, giáo viên trường Tiểu học Trường Sơn, những học sinh đang hăng say học tập với mục tiêu tặng cô "hoa điểm mười" trong ngày Hiến chương Nhà giáo sắp tới. Chú ý đến khóm hoa rừng được đặt ngay ngắn trên bàn giáo viên, cô Mai cười vui cho biết đó là hoa rừng mà học sinh hái từ sáng sớm để tặng cô vì sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam.

Những người mang nặng trách nhiệm và yêu thương ươm mầm non tương lai trên dãy Trường Sơn - Ảnh 6.

Những người mang nặng trách nhiệm và yêu thương ươm mầm non tương lai trên dãy Trường Sơn - Ảnh 7.

Hoa rừng là món quà các cô thầy nơi đây thường xuyên được nhận.

"Sắp tới ngày 20/11 các em thật thà nói với cô là sẽ mua hoa, quà tặng cô vì rất thương cô. Biết trò nơi đây ai cũng nghèo nên các cô không đồng ý. Thấy trong sách, báo ngày lễ cô sẽ được tặng hoa thế là từ sáng sớm các em rủ nhau ra bìa rừng gần trường, hái mỗi cháu một bó hoa về đưa vô tặng các cô. Ngoài ra còn có quả sung, quả vả rừng, cây mía, củ sắn, ngô… gói từ nhà ra trường tặng cô thầy", cô giáo Mai chia sẻ.

Những món quà tặng cô thầy ngày 20/11 của các em học sinh vùng cao tuy chỉ là bó hoa rừng, khúc mía, bát gạo nếp, nhưng trong đó chứa đựng tình yêu dành cho những người đang hằng ngày quan tâm và dạy dỗ các em.

Những người mang nặng trách nhiệm và yêu thương ươm mầm non tương lai trên dãy Trường Sơn - Ảnh 8.

Cuộc sống của học trò nội trú đã trở nên nề nếp khi được thầy cô tận tình chỉ dẫn.

Khi được hỏi tại sao hái bó hoa rừng lớn như vậy, em Hồ Thị Nhiên, học sinh lớp 5, trường tiểu học Trường Sơn hồn nhiên trả lời: "Em yêu các thầy cô nhiều lắm, ở trường các cô thầy dạy cho em học, thương chúng em, nấu cơm cho chúng em ăn nên hái hoa thật nhiều".

Cô Võ Thị Loan, giáo viên Trường Tiểu học Trường Sơn tâm sự, món quà ý nghĩa nhất trong ngày Hiến chương Nhà giáo là tình cảm, là sự nỗ lực của tất cả các học trò để không ngừng vượt khó học tập ở trên vùng đất còn nhiều khó khăn này.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn