Những người gieo chữ vùng sâm

17-06-2012 14:10 | Xã hội
google news

Trường THCS Trà Linh là ngôi trường gỗ duy nhất của huyện Nam Trà My. Trường hiện có 14 giáo viên, có 6 lớp với trên 220 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào Xơ Đăng. Giáo viên miền xuôi lên vùng sâm Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) dạy học chưa bao giờ ngoảnh lại băn khoăn hay hối tiếc...

(SKDS) –  Trường THCS Trà Linh là ngôi trường gỗ duy nhất của huyện Nam Trà My. Trường hiện có 14 giáo viên, có 6 lớp với trên 220 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào Xơ Đăng. Giáo viên miền xuôi lên vùng sâm Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) dạy học chưa bao giờ ngoảnh lại băn khoăn hay hối tiếc... Những khó khăn, vất vả không thể ngăn được nhiệt huyết của những người làm công tác gieo chữ nơi đây.

Chân trần giẫm đá, lội suối

Tháng 5! Trời đã vào hè. Từ thị trấn Pắc Pỏ đến Trà Linh dài chưa đến 50km nhưng lại chia cắt, tắc nghẽn vì những cơn mưa chiều vùng cao làm sạt lở đất. Nhiều đoạn phải đẩy, khiêng xe máy mới qua được.

 Sạt lở đất khi trời mưa khiến đường luôn bị chia cắt.

Có nhiều đoạn đường lầy, xe phải rồ ga liên tục làm bùn đất bắn tung tóe. Những cung đường đá trơn, dốc ngược, nhỏ, hẹp, hai bên là vực thẳm, xe và người cùng “liều mạng” băng qua.

Đoạn đường phải “chiến đấu” với sức liều của núi rừng đã tạm qua. Đứng ở quán nước nhỏ bên đường nhìn sang bên kia lưng chừng núi, ngôi trường THCS Trà Linh hiện ra trong màn sương mù mờ ảo.

Nhìn thì gần vậy mà lại phải hơn 30 phút băng rừng sâu, vượt núi cao mới tới nơi được. Thấy khách toát mồ hôi hột, thở hồng hộc, thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Trà Linh cười: “Chừng đó nhằm nhò gì. Giáo viên còn phải lội bộ hàng mấy giờ lên từng “Nók” (làng) để vận động con em đi học… Ai có xe máy đi mùa mưa thì phải xuống xe nhờ người đẩy xe máy hàng ngày liền. Thuê xe ôm phải tốn trên 1 triệu đồng nhưng nhiều khi còn bị ì èo”.

 Lớp học cũ nát.

Bát cơm chia 5 xẻ 7

Sương lùa qua khe cửa dựng cả tóc gáy. Nhiều thầy ngồi ăn cũng phải ở thế co quắp. Đêm xuống, cái lạnh núi rừng thấm vào da thịt. Bao nhiêu chăn bông các thầy nhường cho cũng không đủ ấm.

Thực phẩm và gạo cũng rất khan hiếm và giá cao ngất ngưởng. Gạo đắt gấp đôi so với dưới xuôi. Thành ra món “mỳ xào hải sản” (mỳ tôm) ăn riết rồi cũng khiếp vía, sảng hồn (!). Rồi mỗi khi vào mùa mưa, hàng hóa, thực phẩm không vận chuyển lên được, suất ăn của các thầy cô phải bị xén bớt. 

Thầy Lê Văn Vĩ đã trụ nơi đây 10 năm nhớ lại mùa mưa “định mệnh” năm 2011. Khi ấy, con đường duy nhất vào xã Trà Linh bị sạt lở nghiêm trọng, cô lập gần 1 tháng. Gạo, thực phẩm không vào đến trường, cả trường phải nhịn đói gần 1 tuần.

Những lon gạo tích góp của dân làng phải chắt chiu, tính toán mới đủ sức cầm cự. Bữa trưa thay vì ăn cơm thì chuyển sang húp cháo.

 Bữa cơm đạm bạc của giáo viên nhà trường.

Sau giờ dạy, nhiều giáo viên phải băng bộ hàng chục cây số lên rẫy hái rau, hái chuối, mót củ khoai củ sắn hay vào tận rừng sâu bẫy thú rừng, chim chóc về ăn thêm. “Chiến lợi phẩm” thu về là giỏ đầy rau lủi rừng, vài buồng chuối xanh um, thi thoảng cũng bẫy được vài con thú, chim rừng nhỏ.

Sợ thầy cô đói khát, không có sức dạy con nhỏ của mình, dân làng thỉnh thoảng xuống núi cũng mang theo ít ngô, sắn, khoai hay thậm chí vài ký thịt heo rừng biếu thầy cô “tẩm bổ”.

Thầy Sơn nhớ lại cảnh thoi thóp mùa lũ năm 1999. Nghe thầy kể mà rợn cả người: “Khi đó đường vào xã chưa mở… Lũ về là nhịn đói dài. Nhiều khi cả chục ngày không có hột cơm cho chắc bụng. Ngày chỉ ăn 1 bữa cơm còn lại toàn là uống nước. Đi dạy mà cái bụng cứ kêu ọt ọt, rồi lõm bõm từng đợt, từng đợt. Thấy đồng bào xuống núi là thầy cô mừng lắm. Biết chắc đêm đó sẽ không phải thoi thóp nữa!”. 

Đói đã đành. Nhưng nhiều khi nhớ gia đình, nhớ con cái dưới xuôi cũng không thể liên lạc được vì nơi đây không internet, không sóng điện thoại nên cũng ráng cuối tuần cuốc bộ hàng chục cây số xuống huyện điện thoại.

Xã nay đã có đường, nhưng sao các thầy cô giáo vẫn cảm thấy không yên lòng trong nỗi nhọc nhằn thường trực, ôm con chữ mà lòng cứ mãi thấp thỏm lo âu... 

  Bài và ảnh: Dương Văn


Ý kiến của bạn