Những người già vẫn nhọc nhằn mưu sinh

11-10-2014 07:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Người già thường có nhiều vấn đề về cuộc sống, như: cô đơn không nơi nương tựa; thiếu thốn về tiền bạc và đặc biệt là dễ mắc nhiều bệnh tật, có những bệnh mãn tính…

Sáng gần đây, một cụ ông chợt đứng trước mặt chìa xấp vé số ra mời, cụ chỉ cười cười mà không rao bán hay nài nỉ gì cả. Chợt nghĩ “lão lai tài tận” (già đến tiền hết) nên có lẽ cụ tuổi đã cao mà vẫn rảo bộ khắp phố phường để bán vé số thế kia.

Lan man vậy thôi, chứ người cao tuổi ở nước ta, chỉ số không nhiều là đến tuổi “về hưu” (tạm tính là tuổi 60) nghỉ ngơi hoàn toàn, ngày ngày đi tập thể dục, uống trà rồi nhàn đàm chuyện thế sự, chuyện gia đình, con cái. Hầu hết ai cũng tìm cho mình một công việc phù hợp với lứa tuổi, có thể làm phụ việc đồng áng, làm vườn, chăn nuôi…

Thế còn người già ám ảnh?

Gần đây, khi trở về quê, gặp một cụ già mà thời thơ ấu tôi thường gọi là dượng. Cụ tóc bạc phơ, nước da đen, đặc biệt là thân hình gầy ốm tuy nom vẫn khỏe mạnh nhưng trông rất mong manh. Ngồi uống ly rượu do tôi mời, cụ cho biết: “Mình tuổi đã 80. Vì vậy, mình vừa trả ruộng cho xã xong”. Giật mình hỏi: “Tuổi này cụ vẫn làm ruộng à?”. Đáp: “Vẫn làm chứ, vẫn ra đồng bình thường, trời nắng nóng, hay mưa rét vẫn phải ra ruộng…”. Cụ cho biết thêm, năm nay trả ruộng vì nhà nước trợ cấp cho người già 80 tuổi trở lên một số tiền vài trăm ngàn đồng/ tháng, “đủ mua gạo ăn”.

Cụ đang sống có vẻ phải trăn trở nhiều hơn về cuộc sống kinh tế của mình, trong lòng còn lo âu con cái đang lận đận, “lo cho nó chưa xong thì lo gì được cho tôi”, như lời cụ tâm sự. Ở quê không hiếm những cụ già như vậy, tuổi cao sức lực cạn dần nhưng vẫn phải lo cho bản thân.

Ám ảnh hơn là chuyện một cụ ông hàng ngày chỉ ngủ khoảng 30 phút đến 1 tiếng để mưu sinh. Chuyện có thật nhưng có lẽ ít người tin. Ông cụ này khoảng sáu lăm, trông còn khỏe mạnh, rất bản lĩnh, nếu chỉ lo cho riêng mình thì… “vô tư”, đằng này ông còn phải lo cho con gái lại thêm hai đứa cháu.

Trước đây, ông ở với bà, mở tiệm cháo lòng sống tàm tạm qua ngày. Khi đó, ông còn thời gian chơi mấy ván cờ. Không hiểu sao gần đây, con gái của ông từ Bắc vào mang theo hai đứa con. Thế là ông ngày đi làm bảo vệ từ 1 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau, “ngày làm 16 tiếng chú ạ”, ông nói. Người ta chỉ trả công 10 ngàn đồng/ giờ, quá ít ỏi nên ông cố trực gấp đôi để phụ vợ nuôi con cháu. 5 giờ sáng về, ông lại lao vào làm lòng, nấu cháo, cùng cô con gái bán cho số khách ít ỏi kiếm thêm tiền. “Khách ra về hết là tôi nằm nghỉ được độ 1 tiếng, cũng chỉ chợp mắt rồi đi làm tiếp”.

“Không biết ông già này trụ được bao lâu?” - tôi ái ngại. Còn ở đâu nữa, những cụ già phải làm quá sức của mình để lo cho cuộc sống thường nhật?

Số liệu thống kê gần đây cho biết, số người cao tuổi Việt Nam gần đây hơn 8,6 triệu người, chiếm 10% dân số. Ước tính, Việt Nam sẽ là quốc gia có cơ cấu dân số già trong vòng 20 năm nữa. Người già thường có nhiều vấn đề về cuộc sống, như: cô đơn không nơi nương tựa; thiếu thốn về tiền bạc và đặc biệt là dễ mắc nhiều bệnh tật, có những bệnh mãn tính… Do vậy, việc chăm sóc, quan tâm đến người cao tuổi trở nên ngày càng cần được chú trọng, như: lo bảo hiểm y tế, mở thêm nhà và diện được ở nhà dưỡng lão, tăng cường dịch vụ y tế chăm sóc người già tận nhà…

Để mọi người già, đến khi sức tàn lực kiệt có nơi mà nương cậy, kiểu như người xưa từng mong ước: “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Thế Phong


Ý kiến của bạn